Nơi cội nguồn văn hoá, lịch sử
Trong không khí Xuân vẫn còn xen lẫn trong từng ngôi nhà, ngõ phố, chúng tôi ngược lên Thái Hoà với nhiều cảm xúc trào dâng. Không phải là lần đầu tiên đến nơi đây nhưng mỗi chuyến đi lại mang đến cho chúng tôi những cảm giác thật khác. Có chút gì đó xao xuyến, bâng khuâng như đưa lòng mình trở về cõi tâm linh, đưa tâm hồn trở về với cội nguồn thiêng liêng khi được thắp nén hương tại Đền thờ Làng Vạc xã Nghĩa Hoà.
Hội tụ văn hoá truyền thống
Du khách tìm hiểu về hiện vật thu được qua các đợt khai quật tại khu di tích khảo cổ học Làng Vạc Trẩy hội Làng Vạc. Ảnh: Hữu Nghĩa
Từ thuở hồng hoang, con người đã hiện diện trên mảnh đất Thái Hòa này. Tuy nhiên, vào năm 1972, trong lúc đào đất xây dựng đập nước Đại Vạn, người ta phát hiện ra rằng đây là mảnh đất của người Việt cổ sinh sống.
Bốn cuộc khai quật khảo cổ vào các năm 1973, 1980-1981, 1990 và 1991, đã phát hiện được 347 ngôi mộ với các kiểu chôn cất khác nhau, thu lượm được hàng ngàn hiện vật bằng đồng, bằng gốm, bằng đá, bằng thuỷ tinh và bằng sắt, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm đã chứng minh cho điều đó.
Địa danh làng Vạc đã trở thành tên gọi của một Trung tâm văn hoá lớn của văn hoá Đông Sơn trên lưu vực sông Cả. Từ sau khi được công nhận Di tích lịch sử khảo cổ học, Làng Vạc đã trở thành một Lễ hội văn hoá truyền thống mang đậm yếu tố văn hoá tâm linh.
Cứ vào dịp đầu Xuân, tại làng Vạc, xã Nghĩa Hoà, lễ hội diễn ra sôi nổi với các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống. Đến với Lễ hội làng Vạc, ta như lạc vào miền cổ tích xa xưa với truyền thống văn hóa ngàn đời của cha ông. Dẫu dòng đời đi ngược về xuôi, nhưng những người con nơi mảnh đất này vẫn luôn nhớ về Lễ hội làng vạc để được hoà mình vào dòng người rước Vạc đồng- một hiện vật minh chứng cho nền văn hoá cổ xưa từ địa điểm khai quật đến khu vực Đền thờ, được lắng nghe những làn điệu dân ca mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc như đưa ta về với văn hóa cội nguồn, thắm đậm tình yêu quê hương, đất nước.
Nói đến nét đặc trưng của Lễ hội làng Vạc, chúng ta không thể không nhắc tới vũ điệu cồng chiêng, vũ điệu đặc trưng của dân tộc Thái, dân tộc Thổ, những dân tộc anh em chiếm số đông hiện đang chung sống đoàn kết trên vùng đất Phủ Quỳ. Lễ hội làng Vạc là dịp để ta hiểu thêm, để chiêm nghiệm mạch nguồn lịch sử và yêu hơn truyền thống quê hương, đất tổ.
Rước trống đồng và vạc đồng tại Lễ hội Làng Vạc năm 2010.
Vui hội tại lễ hội Làng Vạc.
Cùng với những di tích văn hoá lịch sử làng Vạc, các địa danh khác như hồ Khe Đá, hồ Sông Sào, Rú Ấm, cây Đa, làng Trù...góp tô điểm thêm những nét đặc trung, những điểm đến đầy hứa hẹn trong du lịch sinh thái miền Tây, vùng Phủ Quỳ. Một hướng du lịch tâm linh về cội nguồn đã mở ra. Từ cái nôi truyền thống văn hoá, là dòng chảy, mạch nguồn hun đúc, tạo tiền đề để Thái Hoà hướng tới xây dựng đời sống văn minh đô thị đang phát triển theo hướng hiện đại.
Trung tâm văn hoá vùng Tây Bắc
Trong những năm qua, Thái Hòa đã có những bước phát triển vượt bậc cả về chính trị, kinh tế, văn hoá -xã hội, ANQP. Công tác chỉnh trang đô thị đã tạo ra một diện mạo mới, cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao. Đề án "Xây dựng nếp sống văn minh đô thị" trên địa bàn đang góp phần đưa Thái Hoà xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh.
Từ khi được thành lập (năm 2008), Thái Hoà đã không ngừng phấn đấu vươn lên đạt nhiều thành tựu trên mọi mặt. Sự tăng trưởng không ngừng, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế, xã hội cùng phát triển. Cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" được đẩy mạnh.
Phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, giữ gìn an toàn trật tự xã hội, góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị luôn được xem trọng. Để nâng cao ý thức xây dựng nếp sống văn minh xứng tầm là Thị xã tạo nền tảng phát triển bền vững, Đề án "Xây dựng nếp sống văn minh đô thị sẽ đi vào triển khai rộng rãi. Tính đến nay, số Làng văn hóa trên địa bàn thị xã là: 59/122 làng (đạt 48,4%), 25 Đơn vị văn hoá; Khu dân cư tiên tiến có: 105/122 khối, xóm (đạt 86,1%). Gia đình văn hóa 13.816/16.211 hộ (đạt 85,23%). Công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện nâng cao chất lượng phong trào "TDĐKXDĐSVH" thường xuyên được quan tâm thông qua việc xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể của năm và tổ chức chỉ đạo, đôn đốc các khối, xóm thực hiện tốt phong trào.
Theo kế hoạch triển khai, Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH" của các cơ quan, đơn vị, trường học và các xã, phường có trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án ở từng cơ quan, đơn vị mà trọng tâm là thực hiện Quy ước về nếp sống văn minh đô thị. Năm 2011 là năm toàn Thị xã quyết tâm thực hiện nếp sống văn minh đô thị, tạo sự chuyển biến về hành vi ứng xử trong mọi tầng lớp nhân dân và cán bộ. Ban chỉ đạo tổ chức ký cam kết thực hiện quy ước đến từng hộ gia đình để đảm bảo Đề án được triển khai hiệu quả.
Thời gian qua, Thái Hoà đã chỉ đạo các ngành chức năng, triển khai nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý đô thị. Xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, lái xe phóng nhanh vượt ẩu, viết dán các nội dung quảng cáo, rao vặt trên bờ tường các công trình công cộng, làm hư hại công viên cây xanh. Xây dựng nếp sống văn minh đô thị theo các chuẩn mực, giá trị của văn hóa dân tộc. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, đáp ứng yêu cầu tổ chức cuộc sống tốt đẹp của cộng đồng dân cư trong môi trường sinh hoạt đô thị. Xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị là một trong những yêu cầu và cũng là điều kiện cơ bản để tạo diện mạo thị xã ngày càng phát triển.
Thực hiện kế hoạch đặt tên đường, phố năm 2010 đã hoàn thành bước 1 của kế hoạch đặt tên đường, tên phố đợt 1: Thống nhất trong Hội đồng tư vấn đưa 70 danh nhân vào 70 tên đường, phố của Thị xã. Việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển đô thị theo hướng bền vững. Người dân cần nâng cao ý thức xây dựng nếp sống văn minh để theo kịp với sự phát triển chung của thị xã.
Chia sẻ về triển khai đề án văn minh đô thị, ông Tô Thanh Sơn- Trưởng phòng VH&TT Thị xã khẳng định: "Triển khai Đề án này, Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết đời sống văn hóa thị xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể. Đề án sẽ kéo dài nhiều năm tạo sự chuyển biến, từng bước nếp sống, cách làm của người dân". Đề án "Xây dựng nếp sống văn minh đô thị sẽ thực sự đi vào cuộc sống của người dân nhằm góp phần để Thị xã Thái Hoà trở thành trung tâm KT-VH vùng miền Tây xứ Nghệ.
Chia tay Thái Hoà, khi âm thanh vui nhộn của cồng chiêng, những làn điệu quê hương vẫn còn thấm đậm lòng tôi khi trở về miền xuôi. Giữa những thăng trầm của lịch sử Thái Hoà vẫn giữ được những nét văn hoá rất riêng của mình và nó vẫn trường tồn, vẫn được con người nơi đây gìn giữ, tô đẹp thêm để phù hợp với sự phát triển chung của xã hội.
Thanh Lê