Nơi công an phải 'quản' người mang thai ở Nghệ An

Tiến Hùng 05/01/2020 15:12

(Baonghean) - Gần 2 năm nay, mua bán bào thai trở thành một cụm từ quen thuộc với người Khơ mú, ở miền Tây Nghệ An. Để ngăn chặn tình trạng này, cảnh sát phải liên tục đến từng nhà có người đang mang thai để quản lý, trong khi cơ quan có thẩm quyền vẫn loay hoay tìm giải pháp bổ sung chế tài xử lý.

Một ngày cuối năm, dưới cái rét căm căm ở huyện vùng cao Kỳ Sơn, chúng tôi theo chân Đại úy Nguyễn Văn Trường - Phó trưởng Công an xã Hữu Kiệm để ghi lại những công việc quen thuộc của lực lượng công an nơi xã vùng cao này. Xã Hữu Kiệm hơn 1 năm nay được cả nước biết đến với tình trạng đi bán bào thai mà Báo Nghệ An đã có loạt bài điều tra. Chỉ trong thời gian ngắn, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 20 phụ nữ ở xã này qua Trung Quốc đẻ rồi bán con. Mỗi đứa với giá chỉ vài chục triệu đồng.

Đại úy Trường hỏi thăm, tặng tiền một phụ nữ già neo đơn ở bản Đỉnh Sơn 1, nơi là
Đại úy Trường hỏi thăm, tặng tiền một phụ nữ già neo đơn ở bản Đỉnh Sơn 1, nơi là "điểm nóng" của phụ nữ đi bán con. Ảnh: Tiến Hùng

Đại úy Trường vốn là đội phó của Công an huyện Kỳ Sơn. Sau khi rộ lên tình trạng tội phạm mới này, anh được cấp trên tăng cường về đây làm việc. Chỉ sau 1 năm ở Hữu Kiệm, không ai không biết “cán bộ Trường”. Hàng ngày, anh lại xách xe chạy vào những bản làng phía sau vách núi để hỏi han từng người, trong túi quần luôn có 2 bản danh sách được in sẵn, đó là danh sách những người đã đi bán bào thai trở về và những phụ nữ trên địa bàn hiện đang mang bầu.

“Đừng đi bán con nữa. Bây giờ 2 vợ chồng bớt uống rượu đi, siêng đi rẫy chút. Rồi sinh con xong kiếm công ty nào mà xin vào làm việc...”, Đại úy Trường nói với Moong Thị Chung (24 tuổi, bản Đỉnh Sơn 1). Gần 1 năm trước, Chung một mình bắt xe qua Trung Quốc bán bào thai thông qua lời giới thiệu của một phụ nữ cùng bản. Sau khi sinh con, Chung cầm hơn 50 triệu đồng về dựng nhà, trả nợ ngân hàng. Chả được mấy chốc, số tiền ấy cứ “đội nón mà đi”.

Đại úy Trường vận động một phụ nữ vừa bán con trở về
Đại úy Trường vận động một phụ nữ vừa bán con trở về "không được đi Trung Quốc bán con nữa". Ảnh: Tiến Hùng

Không lâu sau, người phụ nữ Khơ mú này lại tiếp tục mang thai. Đến hiện tại, cái thai đã ở tháng thứ 7, thời điểm mà phần lớn phụ nữ thường vượt biên sang Trung Quốc chờ đẻ để bán. Cũng chính vì lo sợ Chung một lần nữa đi bán con, nhiều tháng gần đây, căn nhà nhỏ bên bờ suối của vợ chồng cô ta trở thành điểm đến quen thuộc của Đại úy Trường và đồng nghiệp.

Ngoài giữ an ninh trật tự ở địa phương, họ còn có thêm một nhiệm vụ khác nữa đó là quản lý những bà bầu. Họ phải lên danh sách những người đang mang thai, để rồi gần như ngày nào cũng phải ghé kiểm tra ít nhất một lần, dù cho có những bản cách trung tâm xã đến hơn 20 km đường rừng.

Mặc dù quản lý chặt chẽ đến vậy, nhưng thời gian qua, cũng đã có đến 2 phụ nữ ở bản Đỉnh Sơn 2 lén lút qua Trung Quốc bán con. “Dân ở đây thường có rẫy ở xa trong rừng, họ hay vào đó làm rồi ngủ lại. Vì thế ngày đầu tiên người phụ nữ này rời nhà, chúng tôi hỏi thì cô ấy nói đi lên rẫy, rồi ngày mai cũng thấy về. Cứ như thế khiến chúng tôi tin tưởng, nhưng đến lần thứ 4 cô ta bảo đi rẫy rồi đi luôn ra Quốc lộ 7 bắt xe ra Quảng Ninh để vượt biên bán con”, Đại úy Trường kể. Tuy nhiên, cả 2 sau đó bị lực lượng chức năng ở Quảng Ninh chặn giữ, trả về địa phương khi chưa kịp bán bào thai.

Cũng như Đại úy Trường, ở xã Hữu Lập, Thượng sỹ Xồng Bá Vừ gần đây cũng phải gánh thêm một nhiệm vụ mới là quản lý người mang thai. Ảnh: Tiến Hùng
Cũng như Đại úy Trường, ở xã Hữu Lập, Thượng sỹ Xồng Bá Vừ gần đây cũng phải gánh thêm một nhiệm vụ mới là quản lý người mang thai. Ảnh: Tiến Hùng

Cũng như Đại úy Trường, hơn 1 năm nay, quản lý những người đang mang thai là nhiệm vụ mới của Thượng sỹ Xồng Bá Vừ, Công an huyện Kỳ Sơn phụ trách địa bàn xã Hữu Lập. “Cũng vất vả lắm anh ạ. Địa bàn thì xa, người dân ở đây thì hay phải đi rẫy mà cứ vài ngày phải đến kiểm tra một lần rồi động viện họ không đi bán con. Trong khi ở đây cũng có rất nhiều kẻ chuyên môi giới, dụ dỗ phụ nữ qua Trung Quốc bán con”, Thượng sỹ Vừ chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Lượng - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm có những chế tài để xử lý loại tội phạm mới này. “Không thể cứ để công an làm công tác dân số, quản lý người mang thai như thế được. Vì những người họ chẳng có vi phạm gì, họ chỉ đang mang thai, đi đâu là quyền của họ. Dù là công an cũng không có quyền ngăn cản. Chúng tôi đề nghị sớm bổ sung luật để xử lý tội phạm này”, ông Lượng nói.

Người phụ nữ ở bản Đỉnh Sơn 1 này vừa bán con ở Trung Quốc trở về hồi tháng 2/2019, nay lại mang thai, chuẩn bị sinh. Ảnh: Tiến Hùng
Người phụ nữ ở bản Đỉnh Sơn 1 này vừa bán con ở Trung Quốc trở về hồi tháng 2/2019, nay lại mang thai, chuẩn bị sinh. Ảnh: Tiến Hùng

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đây là một thủ đoạn mới của những kẻ buôn người. Thủ đoạn này vừa rộ lên từ khoảng đầu năm 2018 đến nay, chủ yếu tập trung ở đồng bào người Khơ mú tại huyện Kỳ Sơn. Trước loại tội phạm mới này, Công an Nghệ An cũng đã trao đổi với Viện Kiểm sát và Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), thậm chí gửi văn bản xin ý kiến nhiều Bộ, ngành Trung ương, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng xử lý cụ thể.

Theo ông Cầu, trong Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 có 5 tội liên quan đến hành vi mua bán người nhưng không nhắc đến việc mua bán bào thai. Cụ thể, Điều 150 trong bộ luật này quy định về tội Mua bán người; Điều 151 về tội Mua bán người dưới 16 tuổi; Điều 152 quy định về tội Đánh tráo người dưới 1 tuổi; Điều 153 quy định tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi; Điều 154 quy định về tội Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.

Công an ở nhiều xã tại Kỳ Sơn gần đây luôn có những bản danh sách người đang mang thai. Ảnh: Tiến Hùng
Công an ở nhiều xã tại Kỳ Sơn gần đây luôn có những bản danh sách người đang mang thai. Ảnh: Tiến Hùng

“Trong khi đó, để cấu thành tội phạm thì phải có bị hại. Trong các vụ án này không có bị hại nên không thể xử lý được. Bị hại ở đây chính là những đứa trẻ, là những bào thai. Nhưng nhiều chuyên gia luật cho rằng, bào thai chưa phải là con người. Vì biết đâu cái thai bị hỏng trước khi được sinh ra, hoặc vừa sinh ra đã chết”, ông Cầu nói.

Để xử lý được hành vi này, theo người đứng đầu Công an Nghệ An, hiện nay có 2 cách. Cách thứ nhất là cần phải ký lại Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Trung Quốc. “Hiệp định này được ký từ năm 1998, bây giờ cần phải thay đổi, sửa lại để làm sao tạo điều kiện cho Công an nước ta qua bên đó, hoặc Công an Trung Quốc di lý sang Việt Nam để chúng ta xử lý”. Cách thứ hai, theo ông Cầu, các Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao cần sớm có một thông tư liên tịch để hướng dẫn xử lý về hành vi này. Tuy nhiên, về lâu dài cũng cần phải sớm đưa hành vi này vào Luật Hình sự.

Nhưng sau 1 năm kiến nghị, đến nay vẫn chưa có một giải pháp nào được đưa ra. Mới đây, tại nghị trường Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu lại tiếp tục nói về tình trạng này. Thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, ông Cầu cho rằng cần đưa bào thai vào loại mặt hàng cấm kinh doanh.

Mới nhất

x
Nơi công an phải 'quản' người mang thai ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO