Nơi đậm đà hương sắc dân ca

11/10/2011 15:46

Miền Tây Nghệ An bao gồm 10 huyện và Thị xã Thái Hoà mới thành lập, có số dân 1.125.000 người, chiếm 48,4% dân số toàn tỉnh, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số 41 vạn người, chiếm 28,4% dân số toàn tỉnh. Đây là miền quê có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn như: Kinh, Khơ mú, Sán Dìu, Thái, Thổ, Mông, Ơ đu... nên đa dạng, phong phú, đặc sắc về bản sắc văn hoá, là cái nôi của các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ đã tồn tại hàng trăm năm nay, đang được bảo tồn, phục hồi và phát huy.

(Baonghean) - Miền Tây Nghệ An bao gồm 10 huyện và Thị xã Thái Hoà mới thành lập, có số dân 1.125.000 người, chiếm 48,4% dân số toàn tỉnh, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số 41 vạn người, chiếm 28,4% dân số toàn tỉnh. Đây là miền quê có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn như: Kinh, Khơ mú, Sán Dìu, Thái, Thổ, Mông, Ơ đu... nên đa dạng, phong phú, đặc sắc về bản sắc văn hoá, là cái nôi của các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ đã tồn tại hàng trăm năm nay, đang được bảo tồn, phục hồi và phát huy.

Qua nhiều chuyến đi đến với đồng bào các dân tộc miền Tây, chúng tôi ghi nhận được là các bản làng, mảnh đất miền Tây có một kho tàng văn hoá dân gian phong phú, đặc biệt văn hoá dân tộc Thái phát triển rất nhanh. Dân tộc Thái có các làn điệu dân ca như: khắp, lăm, nhuôn, suối; dân tộc Thổ có các làn điệu như: Đu đu điềng điềng, Tập tình tập tang. Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, hay bản làng có chuyện vui là các nam nữ thanh niên và các ông các bà dù đã cao tuổi đều quây quần vui múa hát, làm cho phong trào văn hóa văn nghệ ở các miền quê này thêm khởi sắc. Ở những bản làng, chỉ cần vò rượu cần, một dàn cồng chiêng, vài người thổi khèn là có thể tổ chức một buổi văn nghệ rôm rả, đậm đà sắc màu văn hoá dân tộc vùng cao. Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập và sự phát triển của kinh tế thị trường, văn hoá ngoại lai đang tràn vào đời sống cộng đồng các dân tộc, đang làm mai một bản sắc văn hoá thì việc thành lập các CLB đàn và hát dân ca ở các xã, các huyện miền núi cho chúng ta thấy công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hoá các dân tộc, trong đó bảo tồn, phát huy vẻ đẹp của dân ca, dân nhạc, dân vũ rất đáng trân trọng, cần phát huy nhân rộng.



Điệu múa "Pa cô" dân tộc Thái của đội văn nghệ bản Kẻ Đính
(Châu Hạnh - Quỳ Châu). Ảnh: Trần Ngọc Lan

Ở các huyện Con Cuông, Quỳ Hợp, Quế Phong, các tổ chức đoàn thể như phụ nữ, nông dân, người cao tuổi, đoàn thanh niên đã tiến hành thành lập các CLB đàn, hát dân ca. Tiêu biểu nhất là ở huyện Con Cuông có tới 12 CLB. Ở Quỳ Hợp có CLB văn hoá dân gian xóm Xiểm, CLB đàn và hát dân ca Thổ ở xóm Mó. Ở Quế Phong có CLB văn hoá dân gian Quang Phong - là những CLB hoạt động có chất lượng. Ngoài ra, còn có các CLB cồng chiêng, CLB lăm, khắp, nhuôn... Ở những CLB này, chúng tôi ghi nhận sự nhiệt tình, tính tự nguyện của các thành viên, từ trẻ đến già đều tự giác tham gia với tình cảm chân thành và tâm huyết, mong muốn góp phần gìn giữ cái hay, cái đẹp của các làn điệu dân ca quê hương. Đặc biệt, các CLB này còn thu hút sự tham gia nhiệt tình và có trách nhiệm của lớp người cao tuổi, chính họ là người trực tiếp truyền dạy cho lớp trẻ những làn điệu dân ca cổ, lời cổ, nhạc cổ, giúp thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy giá trị, những nét đẹp, cái hay của dân ca cổ truyền các dân tộc. Tiêu biểu phải kể đến các cụ cao tuổi ở CLB Bản Tờ, Bản Nưa (Con Cuông), CLB dân ca Thổ (xóm Mó, Quỳ Hợp), CLB xóm Xiểm (Quỳ Hợp).

Chính yếu tố tự nguyện, lòng đam mê, quý trọng, gìn giữ dân ca quê hương đã gắn kết các thành viên trong các CLB dân ca. Ví như ở CLB dân ca Thái ở Con Cuông, mỗi lần sinh hoạt và biểu diễn, các thành viên đã tự nguyện đóng gạo, tiền, vận động bà con dân bản quyên góp hỗ trợ, thế mà vẫn duy trì và hoạt động thường xuyên vào tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần. Do điều kiện khó khăn về kinh phí, nhiều CLB chưa đầy đủ các loại nhạc cụ như cồng, chiêng, khèn, sáo, trống... song nhiều nơi các CLB đã tích cực vận động bà con dân bản đóng góp để mua sắm nhạc cụ. Nhiều CLB, các thành viên đã tự nguyện tặng nhạc cụ của gia đình mình cho CLB hoạt động.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để duy trì sinh hoạt các CLB dân ca, huyện Con Cuông đã giao cho đoàn thanh niên đứng ra tập hợp, phối hợp với Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, tổ chức học các làn điệu dân ca cổ truyền cho thanh niên, hướng dẫn lớp trẻ học và biết sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc. Ngành Văn hoá huyện đã có những chương trình phối hợp với Vườn quốc gia Pù Mát trong việc cử các CLB dân ca đến biểu diễn mỗi khi có các đoàn khách đến tham quan, du lịch, nhằm giới thiệu cái hay, cái đẹp của dân ca Thái với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, cũng cần nói rằng, miền Tây Nghệ An đời sống kinh tế đang chậm phát triển, kinh phí của ngành Văn hoá và các xã rất eo hẹp dẫn đến việc khôi phục gìn giữ và phát huy các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Vì vậy, để văn hoá truyền thống, dân ca các dân tộc mãi mãi trường tồn và phát huy tốt trong đời sống hôm nay, nhất thiết phải có sự quan tâm đầu tư về cả kinh phí và nghiệp vụ chuyên môn của các cấp, các ngành từ xã đến tỉnh, nhất là sự quan tâm của Nhà nước và toàn xã hội.


Vũ Ba Lan

Mới nhất
x
Nơi đậm đà hương sắc dân ca
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO