Nỗi đau màu da cam

09/08/2014 09:03

(Baonghean) - Từ cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước, hàng ngàn cựu binh bước ra cuộc chiến tranh với lòng tự hào đã hoàn thành sứ mệnh với Tổ quốc. Không ai ngờ rằng, kết thúc chiến tranh không đồng nghĩa với sự bình yên. Vẫn còn đó cuộc chiến thầm lặng, đớn đau và dai dẳng mang theo suốt nhiều thế hệ, khởi nguồn từ thứ chất độc mang tên da cam/dioxin.

Trao quà cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại TP. Vinh. Ảnh: T.V
Trao quà cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại TP. Vinh. Ảnh: T.V

TIN LIÊN QUAN

Những ngày trung tuần tháng 7 âm lịch, trăng non đã mảnh khảnh treo đầu ngõ làng. Tầm độ này, như một thói quen, bà Đinh Thị Hải (xóm 8, Nghi Long, Nghi Lộc) bồn chồn đi ra, đi vào, tỏ vẻ lo lắng thấy rõ. “Độc trời o nạ, con Thùy nhà tui hắn hay khó tính, hay “hỗn”, nhà tui liệu chừng rồi nên cứ túc trực cả ngày ri đây!”- bà Hải khẽ chia sẻ, rồi bần thần tựa lưng vào vách tường. Ngôi nhà mái bằng 3 gian rộng rãi dường như ngột ngạt hơn bởi tiếng thở dài nén lại. Hoàng Thị Thùy - con gái của bà Đinh Thị Hải và ông Hoàng Văn Huệ năm nay đã 35 tuổi. Nếu bình thường như bao người con gái khác, có lẽ Thùy đã là vợ, là mẹ, là người giữ lửa của một mái ấm gia đình. Thế nhưng, hậu quả cay đắng của chiến tranh cũng đã tước đoạt đi của Thùy tất cả. Phổng phao, cao lớn, nhưng có lớn mà không có khôn, vĩnh viễn, đứa con gái thứ 3 của đôi vợ chồng cựu chiến binh ấy chỉ như đứa trẻ con, không tự đảm bảo được ngay cả sinh hoạt tối thiểu của bản thân. Thế là hai vợ chồng già, những người cựu chiến binh từng bước qua cuộc chiến tranh với tất cả lòng kiên cường của tuổi thanh xuân, khi đã ở bên kia dốc cuộc đời, ngày nối ngày, vẫn lặng lẽ “chiến đấu” với nỗi xót xa.

Bẩm sinh, Thùy đã là đứa bé không lành lặn. Nhưng ông Huệ, bà Hải chỉ nghĩ rằng, đó là kết quả của quá trình thai nghén đói kém, của những ngày chạy gạo mưu sinh. Không ai biết rằng, đó là di chứng của chất độc da cam/dioxin - thứ chất độc hủy diệt tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Mãi đến đầu những năm 2000, qua các phương tiện thông tin đại chúng và các chương trình xác định thương tật, ông bà mới hiểu ra nguyên cớ những khiếm khuyết trên cơ thể con mình. “Tui nhập ngũ năm 1970, suốt 6 năm chiến đấu trên chiến trường B. Còn bà nhà tui kiên cường bám trụ 3 năm ở chiến trường A, nước bạn Lào. Nói thực, bom đạn đì đoàng ngày đêm, có mệnh lệnh là hành quân, là tiến lên, còn gian khổ, đói kém, thực phẩm nước uống có răng dùng rứa, ai nghĩ chi mô!”- ông Hoàng Văn Huệ tư lự. Không chỉ ông Huệ, nhiều người đồng đội khác của ông khi biết đến chất độc da cam/dioxin, cũng lục lại trong ký ức lửa đạn của mình hình ảnh về những chuyến bay rải chất độc dày đặc của quân thù. Họ rùng mình nghĩ đến những mùa khô chiến trường, hành quân qua cánh rừng trụi lá, cả những cây cổ thụ 4, 5 người ôm cũng lụi dần, chỉ còn mênh mông một màu xám buồn. Không ai tính đếm được đã đi qua bao nhiêu cánh rừng chết ấy, uống bao nhiêu nước ở những dòng sông, dòng suối, thậm chí cả nước đọng trong hố bom thù! Bấy giờ, giữa cái chết và sự sống giành giật nhau từng khoảnh khắc, thì với những người chiến sỹ, ưu tiên trước nhất là sống để chờ ngày tổng tiến công miền Nam, thống nhất đất nước.

Hồi ức chiến tranh của ông Hoàng Văn Huệ đột nhiên bị ngắt quãng bởi tiếng thét thất thanh của cô con gái. Thùy vẫn thường lên cơn động kinh không báo trước. Những lúc như thế, vợ chồng ông lật đật tay thìa, tay nước, bấm huyệt… sơ cứu cho con...

Đôi khi những gì để lại sau chiến tranh còn đáng sợ hơn tất thảy điều nó đã cướp đi trong trận chiến. Chúng ta có thể khôi phục lại làng mạc, dựng lại những ngôi nhà, thắp lửa ấm cho những căn bếp, nhưng còn những đôi mắt không biết đến màu xanh của bầu trời hòa bình, những đôi tai không biết nghe tiếng mẹ ru, và biết bao dáng hình co quắp, biến dạng, phải sống cuộc đời tạm bợ, lắt lay thì làm thế nào để xóa bỏ đi những đau đớn đó? Cách nhà ông Hoàng Văn Huệ không xa là gia đình ông Trần Hải Hòa. Là chiến sỹ dũng cảm của Đoàn 559, mang trong mình phẩm chất cao quý của người bộ đội Trường Sơn. Với ông Hòa, tất cả những bi hùng chiến trận đã trải qua không khốc liệt và đắng cay bằng một khoảnh khắc đối mặt với mất mát của con, cháu mình. Bản thân ông là nạn nhân trực tiếp của chất độc da cam/dioxin. Đôi mắt cứ mờ dần, mờ dần, và lục phủ ngũ tạng cũng “rệu rã” đi nhiều. Nhưng ông bảo, đời mình thế là đã thỏa, trai tráng xông pha kháng chiến giữ nước, về già tích cực hoạt động đoàn thể, sống chan hòa với bà con chòm xóm, chỉ trăn trở cho những thế hệ sau. Ông bà sinh được 4 người con, 3 trai 1 gái, thì người con trai thứ 3 là anh Trần Văn Mai bị khuyết tật, giao tiếp và trí não chậm phát triển. Người con trai đầu của ông là anh Trần Văn Tuấn, năm nay đã ngoài 30 tuổi, phải chấp nhận sự hiện diện của chất độc quái ác, ngấm ngầm trong cơ thể mình, di truyền sang cả đời con. Ngoài đứa con trai đầu năm nay lên 8 tuổi, anh chị không thể có thêm hạnh phúc được làm cha, làm mẹ lần nào nữa. Những sinh linh thánh thiện vừa chớm thành hình đã vĩnh viễn chia xa, những dị tật bào thai mà công nghệ y học hiện đại hoàn toàn có thể chẩn đoán được là di chứng của chất độc da cam/dioxin di truyền sang thế hệ thứ 3.

Thế nhưng, nỗi đau kỳ lạ lắm! Đau đớn có thể làm cho con người ta gục ngã, nhưng cũng có thể là động lực để phấn đấu sống tốt đẹp hơn. Với những nạn nhân chất độc da cam mà tôi có dịp gặp gỡ, câu chuyện cuộc đời họ là bài thơ đẹp về ý chí và khát khao vượt lên số phận, chiến thắng nghịch cảnh. Như gia đình cựu chiến binh Trần Hải Hòa, bao sóng gió không làm họ dừng lại và đòi hỏi, đợi chờ sự giúp đỡ của bất kỳ ai. Cả gia đình đều siêng năng sản xuất nông nghiệp, quanh năm đầu tắt, mặt tối với ruộng đồng. Bà chạy chợ mưu sinh, ông tham gia việc xóm, việc xã, mấy người con gom góp mua chiếc máy cày, máy tuốt lúa, đáp ứng nhu cầu của bà con địa phương. Ngoài ra, ông bà còn được xem là hộ chăn nuôi mát tay, khi chuồng trại lúc nào cũng có vài ba bò sinh sản, rồi bê, gà, vịt… “Nỗi đau chất độc da cam/dioxin không chỉ riêng tôi gánh chịu, chỉ riêng địa bàn xã Nghi Long đã có 70 trường hợp nạn nhân ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp. Thế nên, chính bản thân mình phải nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, vượt qua tâm lý chán nản, buồn khổ. Sống ngày nào phải ý nghĩa ngày đó!” - CCB Trần Hải Hòa khẳng định.

“Địa bàn huyện Nghi Lộc có 1.200 nạn nhân chất độc da cam thì xã Nghi Long chiếm số lượng khá cao. Những năm qua, công tác chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin được chú trọng. Cùng với sự thăm hỏi, động viên, tặng quà các dịp lễ, tết thì xã rất tích cực trong công tác hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn. Trên địa bàn xã có 70 nạn nhân trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng thì chỉ còn có 4 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo. Thời gian tới, chúng tôi đã lập các chương trình hành động cụ thể như hỗ trợ sửa chữa nhà ở, hỗ trợ dụng cụ sản xuất... để giúp 4 gia đình này thoát nghèo, tự tin hòa nhập cộng đồng” - Ông Lê Văn Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Nghi Long cho biết.

Cùng với Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nghệ An được xem là tỉnh có nhiều nạn nhân chất độc da cam nhất cả nước, với hơn 30.000 người, trong đó có gần 16.577 người được hưởng chế độ. Ông Đinh Xuân Tứ - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh cho biết: “Hầu hết các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh có cuộc sống khó khăn về vật chất và mặc cảm về tinh thần. Vì vậy, thời gian qua, cùng với việc tham mưu cho các cấp, ngành, tuyên truyền về đường lối, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam, Hội cũng nỗ lực vận động các nguồn lực từ cộng đồng. Năm 2013, Hội vận động quyên góp được hơn 2,5 tỷ đồng. Nguồn lực này cùng với sự trợ lực của gia đình giúp nạn nhân chất độc da cam càng tự tin, vững vàng hơn trong cuộc sống”.

Phương Chi

Mới nhất

x
Nỗi đau màu da cam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO