Nỗi đau mới, nguyên nhân cũ
Mới vào hè chưa đầy hai tháng nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng chục vụ đuối nước khiến 20 em tử vong. Đằng sau những con số báo động đó là những cái chết thương tâm của các em nhỏ và nỗi đau lớn của các bậc cha mẹ. Điều đáng nói, nỗi đau đó lại bắt nguồn từ những nguyên nhân cũ: trẻ thiếu kỹ năng phòng, chống đuối nước; thiếu môi trường an toàn dành cho trẻ; việc phòng chống đuối nước cho trẻ còn bỏ ngỏ...Con số báo động...
(Baonghean) - Mới vào hè chưa đầy hai tháng nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng chục vụ đuối nước khiến 20 em tử vong. Đằng sau những con số báo động đó là những cái chết thương tâm của các em nhỏ và nỗi đau lớn của các bậc cha mẹ. Điều đáng nói, nỗi đau đó lại bắt nguồn từ những nguyên nhân cũ: trẻ thiếu kỹ năng phòng, chống đuối nước; thiếu môi trường an toàn dành cho trẻ; việc phòng chống đuối nước cho trẻ còn bỏ ngỏ...
Con số báo động...
Đã gần 2 tháng trôi qua, nhưng cái chết thương tâm của em Nguyễn Hữu Dũng (15 tuổi, Thanh Tường, Thanh Chương) vẫn để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình. Trưa hôm đó (16/3), cả gia đình đi ăn cưới ở Vinh, chỉ mình Dũng ở nhà. Trời nắng, Dũng rủ bạn trong xóm đi tắm ở ao lò gạch gần nhà. Khi xuống ao, Dũng và bạn bị cuốn vào xoáy nước và chìm hẳn. Nghe tiếng kêu cứu, chủ lò gạch đã đưa được một em lên bờ, còn Dũng thì bị ngạt nước và tử vong. Là con trai một trong gia đình, cái chết của Dũng khiến vợ chồng anh Hùng, chị Nam suy sụp; ông nội Dũng ngất lịm trong đám tang của cháu...
Gần đây nhất (23/5), là trường hợp chết đuối của hai nữ sinh Trường THCS Quỳnh Vinh (Quỳnh Lưu). Khoảng 8h sáng ngày 23/5, một nhóm gồm 7 nữ sinh Trường THCS Quỳnh Vinh rủ nhau ra sông tắm. Được một lát, các nữ sinh hoảng loạn kêu cứu sau khi có 3 em sảy chân rơi xuống lạch nước sâu. Người dân sống xung quanh vội vã chạy tới tham gia cứu vớt, tuy nhiên chỉ 1 học sinh may mắn được cứu sống là em Trần Thị Liên (SN 2001). 2 nữ sinh còn lại đã tử vong. Danh tính các nạn nhân tử vong được xác định là em Cao Thị Linh (SN 2001) và em Bùi Thị Ánh (SN 2000) đều trú tại xóm 4, xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Lưu.
Trẻ em tắm ở ao hồ, sông suối là nguyên nhân gây đuối nước hàng đầu. (Ảnh chụp ở Diễn Yên, Diễn Châu)
Theo thống kê sơ bộ từ Phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Sở LĐ-TB&XH thì chỉ 5 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ đuối nước làm 20 em tử vong (trong đó có 16 em là học sinh phổ thông và 4 trẻ mẫu giáo). Hiện nay, Nghệ An là một trong những tỉnh có số trẻ chết đuối cao của cả nước. Tình trạng trẻ bị đuối nước đã được truyền thông đại chúng cũng như các cơ quan chức năng cảnh báo nhiều, nhưng dường như, những cảnh báo đó vẫn chưa đủ mạnh. Số trẻ em chết do đuối nước vẫn tiếp tục tăng cao, trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội. Đuối nước không chỉ khiến các em nhỏ mất đi mạng sống của mình mà còn mang đến nỗi đau lớn cho gia đình, người thân các em.
Kỳ nghỉ hè đang đến gần, các em được tự do vui chơi, thiếu sự giám sát, quản lý của nhà trường, rất dễ xảy ra các tai nạn thương tích, trong đó đuối nước thuộc nhóm nguy cơ cao.
Cần môi trường an toàn cho trẻ...
Ông Bùi Quốc Dũng, Trưởng phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em cho rằng: "Lý do khiến trẻ bị đuối nước xuất phát từ việc các em chưa biết cách tự bảo vệ mình khi gặp phải tình huống nguy hiểm dưới nước. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là vì cha mẹ không quan tâm, không bảo vệ được trẻ; trong khi đó, việc giáo dục, rèn luyện cho trẻ khả năng phòng chống đuối nước còn hạn chế và môi trường an toàn dành cho trẻ còn thiếu thốn, nguy hiểm luôn rình rập, đe dọa các em”.
Sự thiếu quan tâm tới các em nhỏ, không giám sát trẻ, bất cẩn để trẻ chơi ở khu vực không an toàn đã dẫn đến những cái chết thương tâm của các em. Hầu hết với những trẻ ở lứa tuổi tiểu học, trung học cơ sở, cha mẹ càng thiếu sự giám sát thường xuyên hơn, khi nghĩ rằng con mình đã đủ lớn, đặc biệt là ở nông thôn. Trong những vụ tai nạn kể trên thì hầu hết các em đều tự tiện rủ nhau đi tắm ở ao, hồ, sông suối mà không có sự giám sát của người lớn nên khi xảy ra đuối nước đã bị chết đuối.
Bắt đầu từ năm 2011, Sở LĐTB&XH đã triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ”. Qua đó, giúp các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhận biết và loại bỏ các mối nguy hiểm có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ xung quanh nhà và trong nhà, giảm đến mức thấp nhất các loại thương tích ở trẻ em tại gia đình và cộng đồng do các nguyên nhân trong sinh hoạt hàng ngày gây ra. Mô hình này đã được xây dựng tại 13 xã ở Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Qùy Châu, Tương Dương, Kỳ Sơn, TX. Thái Hòa, TX. Cửa Lò và năm 2013 này tiếp tục xây dựng ở 4 xã của Nam Đàn, Diễn Châu, Đô Lương, Con Cuông. Hiệu quả mô hình này đã thấy rõ, có tác động tích cực đến nhận thức của các bậc phụ huynh về đảm bảo an toàn cho trẻ và hạn chế tối đa các tai nạn thương tích ở trẻ, nhất là nạn đuối nước.
Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, mô hình này vẫn chỉ dừng lại ở mức “làm điểm”, mỗi huyện một xã mà chưa được quan tâm nhân rộng. Lý do vì thiếu kinh phí, thiếu sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Chị Nguyễn Thị Mỹ Lương, chuyên viên phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Mỗi năm Sở chỉ đạo làm điểm mô hình ở 1 xã, ưu tiên những xã có nguy cơ cao. Khi triển khai, thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ kinh phí tập huấn... Sau đó, xã tự duy trì mô hình này. Theo chủ trương là sẽ chỉ đạo điểm rồi nhân rộng, song đến nay, số xã thực hiện mô hình này mới chỉ dừng lại ở những xã mà Sở làm điểm...”.
Bắt đầu từ năm 2012, Phòng CS&BVTE cũng đã phối hợp với hai huyện Đô Lương và Anh Sơn mở một số lớp tập huấn, về dạy bơi cho 300 cán bộ, giáo viên và tập bơi cho 200 trẻ em. Theo kế hoạch, trong năm 2013 sẽ triển khai dạy bơi cho tổng phụ trách Đội và đội ngũ làm công tác thiếu nhi, các em học sinh ở huyện Thanh Chương; Duy trì các đội tình nguyện tại các bến đò, khúc sông như huyện Thanh Chương, Đô Lương; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các đội hình tình nguyện hè tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè cho các em thiếu nhi, trong đó có nội dung hướng dẫn các em thiếu nhi những trò chơi an toàn, biết phòng tránh những tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em như bỏng, tai nạn giao thông, đuối nước... nhằm trang bị thêm cho các em những kiến thức cơ bản để phòng và bảo vệ bản thân mình... Tuy nhiên, những lớp tập huấn như thế này cũng chỉ như “muối bỏ biển”, trong khi đó, ở các nhà trường, việc dạy bơi, học bơi mới chỉ dừng lại ở “trên giấy”, do không có đủ kinh phí xây dựng bể bơi trong nhà trường, thiếu giáo viên bộ môn bơi lội...
Dù khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” được tuyên truyền rộng rãi ở khắp mọi nơi, nhưng trước thực trạng trẻ đuối nước ngày càng tăng cao thì xã hội dường như vẫn đang lúng túng trong việc cùng chung tay giảm thiểu tai nạn này. Những công trình giao thông bỏ dở dang, những hố ga, rãnh nước, đường ống không có cơ quan chức năng nào quản lý thực sự là mối đe dọa kề cận tới các em nhỏ. Trong 14 vụ đuối nước ở trên, có đến 5 vụ do các em rơi xuống ao, hoặc những hố sâu ở các lò gạch cũ, sau khi múc đất đã không trả lại mặt bằng, không có biển cảnh báo nguy hiểm và không được che chắn.
Những nguyên nhân cũ đã có từ rất lâu này đang trực tiếp ảnh hưởng đến tính mạng của hàng vạn trẻ em, gây ra những nỗi đau mới cho hàng trăm gia đình. Thiết nghĩ, đã đến lúc, cả xã hội cần phải chung tay kiên quyết đẩy lùi tình trạng đuối nước ở trẻ nhỏ. Giải pháp mang lại hiệu quả cao và nhanh là Sở GD&ĐT tập trung chỉ đạo sát sao việc các trường tổ chức dạy bơi cho học sinh; đồng thời đưa môn bơi lội trở lại thành môn thi trong Hội khỏe Phù Đổng các cấp từ trường đến tỉnh như những năm 90 của thế kỷ trước để tạo phong trào học bơi trong học sinh.
Thanh Phúc