Nỗi đau thời bình

23/06/2006 09:18

Chúng tôi đã bật khóc khi lời bài hát này được cất lên từ những đứa trẻ trong hình hài dị dạng. Các em cứ vô tư hát bằng thứ giọng ngọng nghịu, bằng khát vọng sống giản dị như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng chất độc hoá học lấy đi ước mơ của các em. Ông bà, cha mẹ các em - những người đã tham gia vào cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, khi trở về đã mang trong mình chất độc đi-ô-xin, và những đứa trẻ như các em đã ra đời. Cả cuộc đời ông bà, cha mẹ cống hiến cho đất nước, bao đau thương mất mát đều trải qua, thế mà giờ đây trước nụ cười ngô nghê của con trẻ, nước mắt họ như chảy ngược vào trong.
Có nỗi đau nào hơn khi khát vọng được làm cha làm mẹ, khát vọng được nhìn thấy những đứa con lành lặn ra đời và trưởng thành bị từ chối? Đến xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, vào thăm gia đình chị Trần Thị Hương, bên trong ngôi nhà cấp 4 dường như không có thứ vật dụng nào đáng giá ngoài chiếc giường đôi ọp ẹp. Cái bếp một ngày lên khói một lần bởi cơm nấu một bữa ăn cả ngày. Nhưng đau đớn hơn, người mẹ này 3 lần sinh nở, đứa con nào cũng khoẻ mạnh, bụ bẫm nhưng bước sang tuổi thứ 6 thì đôi chân chúng dần tê liệt và không thể tự vận động được. Cô con gái đầu bước sang tuổi thứ 10 và cô gái út chưa đầy 2 tuổi thì anh Kỷ chồng chị, cha của ba cô con gái ra đi. Hàng tháng ngoài số tiền được Nhà nước trợ cấp chị Hương phải mò cua bắt ốc, chạy ngược xuôi để lo cho các con học hành. Nói đến chuyện học của các con, chị kể trong nước mắt: Anh ấy mất được 5 năm rồi, lúc sống nguyện vọng của bố các cháu mong các con đều được đến lớp. Cháu Tân (con gái đầu) học hết lớp 3 phải nghỉ bởi một trận sốt nặng, sau đó sức khoẻ sa sút hẳn. Tỵ và Thu may mắn hơn, được Uỷ ban dân số tỉnh tặng xe lăn nên các cháu vẫn chủ động tới trường, hàng ngày có xe làm bầu bạn nhưng mỗi lần bế các con lên xe tôi không thể kìm được nước mắt. Chúng tật nguyền thật nhưng trí não bình thường. Tôi biết chúng thương tôi nhưng phải bất lực khi không giúp được gì cho tôi cả. Được cái, chúng học rất sáng, cả hai chị em đều được giấy khen. Hiện giờ Tỵ đang học lớp 7 và Thu đang học lớp 2". Phải thức đêm dậy hôm mò cua bắt ốc, làm 5 sào ruộng khoán nhưng gia đình chị vẫn không đủ sống, hàng xóm ở đây phải giúp đỡ thêm khi bát gạo, củ khoai, ngày mùa.
Còn gia đình anh Lê Huy Tân ở xóm Tân Đông, xã Tân Thành, huyện Yên Thành, sau khi đất nước hoà bình, anh Tân và chị Hà kết hôn như lời hẹn ước, tưởng rằng hạnh phúc đã trọn vẹn khi đất nước đã lặng im tiếng súng. Năm 1979, vợ anh sinh cháu Lê Huy Tiến, cậu con trai trông rất đẹp, ngoan ngoãn, cả hai gia đình nội ngoại lấy làm tự hào với láng giềng. Một năm sau Tiến đau ốm triền miên và thân hình cứ khẳng khiu dần. Vợ chồng anh đưa con đi Hà Nội khám bệnh. Bệnh viện kết luận đứa trẻ đã bị nhiễm chất độc da cam. Họ lặng lẽ ôm con về trong nỗi đau tuyệt vọng. Ba năm sau, chị sinh đứa thứ hai, lại một đứa bé với thân hình dị tật và yếu ớt. Vẫn hy vọng vào một điều tốt lành. Ba năm tiếp theo vợ anh sinh thêm một đứa bé nữa mong sao nó được lành lặn, nhưng đứa trẻ thứ 3 này cũng thế. Cám cảnh hơn là 3 anh em đã tàn tật thì trong đó cô con gái thứ 2 trí não không bình thường, suốt ngày la hét, phá phách. Ngày mùa năm ngoái, em đã lấy diêm châm vào đống rơm khô, may mà vợ chồng anh kịp phát hiện. Đã gần 30 năm được làm cha, làm mẹ, nhưng vợ chồng chị chưa bao giờ có được một nụ cười. Họ chỉ biết quần quật chạy ăn từng bữa để nuôi những đứa con tật nguyền nay ốm mai đau.
Rất mong những tấm lòng nhân ái hãy đến với họ.

Thu Hương

Mới nhất

x
Nỗi đau thời bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO