Nỗi đau từ "cái chết trắng"

25/10/2014 09:09

(Baonghean) - “Năm nay đã qua tuổi 80, chân không còn vững, phải chống gậy lê bước khắp các trục đường ở vùng trung tâm huyện Quế Phong này. Hàng ngày, tôi vào các khu chợ, quán hàng, các gia đình để xin đồng tiền, bát gạo. Tôi đã từng có một cơ ngơi, nhưng con cái nghiện ngập nên gia sản lần lượt đội nón ra đi… Nhà lâm vào khánh kiệt, tôi trở thành một kẻ hành khất, duy trì sự sống bằng cách dựa vào lòng thương hại của người đời...”.

Tôi là Trần Văn S, sinh ra và lớn lên ở một vùng quê ven biển. Ngày ấy, người dân quê tôi chỉ biết nghề làm muối và đánh bắt cá ven bờ. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, vợ chồng tôi lên huyện biên giới Quế Phong khai hoang, phát triển kinh tế. Từ nơi “đất chật người đông”, lên đây núi đồi bát ngát, đất đai màu mỡ phì nhiêu, vợ chồng tôi quyết đồng tâm hợp lực xây dựng cuộc sống nơi vùng đất mới. Ba đứa con (2 trai, 1 gái) sinh ra trong những ngày khó khăn, vất vả nhưng đầy đủ tình yêu thương, tổ ấm gia đình lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Chúng tôi phát từng sườn đồi đầy cỏ tranh, ngã cây rừng để lấy đất trồng ngô, mía và sắn. Rồi ngăn khe, đắp đập, khai hoang ruộng nước cấy lúa. Không kể những khó khăn, gian khổ, nhọc nhằn; không tính được bao nhiêu công sức và mồ hôi đã đổ xuống giữa nương ngô, ruộng lúa. Đất đai đã không phụ công sức và tấm lòng của những con người chăm chỉ, cần mẫn. Những mùa vụ bội thu, những nương ngô tươi tốt, những bãi mía ngọt ngào là thành quả mà chúng tôi xứng đáng được hưởng. Những năm tháng khó khăn, vất vả qua đi, niềm hạnh phúc được nhân lên khi các con ngày một khôn lớn, chăm ngoan, tích cực giúp đỡ bố mẹ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình…

Nhưng rồi, ở đời không ai tính được chữ “ngờ”. Công sức mấy mươi năm, gần trọn cả đời người của vợ chồng tôi thoáng chốc tan vỡ. Vào khoảng những năm 2000, cơn lốc ma túy bao phủ gần như khắp các bản làng, làm cho bao gia đình khánh kiệt, gieo bao mầm bất hạnh, khổ đau đối với không biết bao nhiêu người. Những gia đình giàu bỗng chốc tay trắng, những thanh niên trai tráng trở nên thân tàn ma dại, những đứa trẻ chưa kịp lớn lên đã đi theo “con ma trắng”. Hai đứa con trai tôi từ chỗ chăm chỉ, siêng năng đã bị vòng xoáy ma túy quái ác quật ngã. Nghe theo lời bạn bè dụ dỗ, chúng học đòi trò hút hít, rồi tiêm chích, ngày càng bỏ bê công việc làm ăn. Lúc đầu, tôi không hiểu vì sao bỗng dưng chúng không muốn ra bãi mía làm cỏ, không muốn vào bãi ngô lấy bắp. Không hiểu sao, chúng cứ đi suốt ngày, suốt đêm, bỏ cả việc ăn uống, không đoái hoài gì đến công việc gia đình. Một hôm, đứa con trai đầu ngã bệnh, nằm sùi bọt mép, chân tay co giật, đôi mắt lờ đờ. Lúc ấy, tôi và vợ vẫn chưa tin là con mình đã dính vào ma túy. Nó vốn hiền lành, chăm chỉ và nghe lời bố mẹ. Rồi không lâu sau đó, thằng thứ hai cũng bắt đầu có biểu hiện giống như thằng anh, niềm tin và hy vọng của vợ chồng tôi hoàn toàn đổ vỡ, ruột gan rối bời. Vợ tôi ngất lên, ngất xuống, suốt mấy ngày không ăn nổi miếng cơm, chỉ ngậm mấy thìa cháo cầm hơi.

Từ đó, ngôi nhà của chúng tôi không còn tiếng cười, của cải tích góp tan thành mây khói. Gia đình tôi bắt đầu lâm vào cảnh nợ nần triền miên, cuộc sống cùng quẫn. Lúc đầu, chúng bắt trộm con gà, con vịt, lấy trộm bì ngô, bì thóc đem bán lấy tiền hút hít. Rồi đến lúc chúng bán cả ti vi và các đồ vật khác trong nhà. Hết đồ đạc, chúng cả gan dắt cả trâu bò. Bố mẹ chửi mắng, rồi khóc xin đến cạn nước mắt, chúng nào có nghe. Chúng không còn là người nữa, đã bị “con ma trắng” dẫn lối, đưa đường. Một thời gian sau, hai thằng con tôi khắp thân mình lở loét, chết dần chết mòn, trong đau đớn. Hai đứa lìa đời cách nhau không xa, chỉ trong vòng mấy tháng. Vợ tôi kiệt sức, nằm liệt giường từ đó đến nay…

Lo ma chay cho hai thằng con, nhìn lại gia sản của vợ chồng chúng tôi gần như không còn thứ gì có giá trị. Cái nhà gỗ cũng phải dỡ bán để trả nợ, vợ chồng già đành sống tạm trong túp lều rách nát… Tuổi già sức yếu, hàng trăm thứ bệnh đổ lên người nên không còn đủ sức gượng dậy để cày sâu, cuốc bẫm như trước. Tôi đành lê đôi chân khập khiễng, chống gậy đi khắp trong vùng kiếm sống qua ngày... Có những lúc, tôi đã nghĩ đến việc rời bỏ vùng đất này để trở về quê, sống trong sự đùm bọc của họ hàng, làng xóm. Làng biển quê tôi giờ đã phát triển, người ta đã sắm thuyền lớn để ra khơi đánh cá, biển cho bao nhiêu thứ để nuôi sống con người. Nhưng tôi không làm nổi việc đó, không thể bước chân về làng quê. Mấy mươi năm rời xa, lúc trở về chỉ có tấm thân già, đôi chân khập khiễng, trong người không có lấy một đồng xu thì mặt mũi nào để gặp mọi người? Rồi người ta hỏi về gia đình, con cái, hỏi gặt hái được những gì, mình biết trả lời sao đây?

Nhiều lúc trên đường hành khất, đau đớn và tủi hổ, tôi tự hỏi rằng nếu hai thằng con tôi sống lại, thấy bố mẹ thành những kẻ ăn mày, không biết chúng nó còn hút hít, tiêm chích nữa không? Và nếu được làm lại, được trở lại những ngày mới lên đây lập nghiệp, mình sẽ nuôi dạy con cái như thế nào?...

Công Kiên (ghi)

Mới nhất
x
Nỗi đau từ "cái chết trắng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO