Nơi dấy lên ngọn cờ hồng

06/09/2013 15:09

Về thăm khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong nhân kỷ niệm 111 năm ngày sinh của người, đón tiếp tôi là ông Lê Văn Ngụ phụ trách bảo vệ, trông nom khu lưu niệm. Tần ngần đứng trước căn nhà tranh, tre khiêm nhường tay phải căn phụ mẫu tuỳ đường, tôi thắc mắc: “Đây là nhà đồng chí Lê Hồng Phong hả ông?”. Ông Ngụ gật đầu, dẫn tôi vào ngồi bên chiếc dóng tre...

(Baonghean) - Về thăm khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong nhân kỷ niệm 111 năm ngày sinh của người, đón tiếp tôi là ông Lê Văn Ngụ phụ trách bảo vệ, trông nom khu lưu niệm. Tần ngần đứng trước căn nhà tranh, tre khiêm nhường tay phải căn phụ mẫu tuỳ đường, tôi thắc mắc: “Đây là nhà đồng chí Lê Hồng Phong hả ông?”. Ông Ngụ gật đầu, dẫn tôi vào ngồi bên chiếc dóng tre...

“Khu lưu niệm này trước để thờ Lê Hồng Phong nhưng nay chuyển thành thờ hai vị song thân là cụ Lê Huy Quán và cụ Phạm Thị Sau. Khu lưu niệm mới xây ngay bên cạnh theo đề án của Nhà nước. Nhưng xét về gốc tích thì chỉ có mảnh đất nhỏ với căn nhà tranh này là nơi đồng chí Lê Hồng Phong đã trải qua thời ấu thơ. Nhà này trước của phụ thân ông Lê Hồng Phong, tức cụ Lê Huy Quán. Con cháu sau này chuyển đi nơi khác ở, bán đất và nhà đi.

Về sau, mảnh đất và căn nhà mới được Nhà nước thu hồi và phục dựng lại trong khuôn viên khu lưu niệm như bây giờ. Các vật dụng trong nhà hầu hết được phục dựng lại, duy chỉ có chiếc rương đựng thóc ở góc nhà chính, chiếc dóng này, 1 chiếc dóng ở phía trong và 1 chiếc chõng tre dưới bếp là còn giữ được nguyên bản. Riêng chiếc bàn thờ thì trước đây ông thợ mộc đóng sai, sau này theo kết luận của Hội đồng khoa học đóng lại nên mới lưu lại dấu ở 2 cây cột chính này. Các đồ tế khí theo con cháu trong dòng họ lưu lạc đi cả, bộ tế khí này được phục dựng y nguyên”.


Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ở khu lưu niệm mới

Tôi vừa lắng nghe vừa quan sát những vật dụng giản dị trong ngôi nhà tranh bé nhỏ. Tất cả đều mang màu thời gian cũ kỹ, tưởng như chính chúng đã chứng kiến tuổi thơ của Lê Hồng Phong rồi đón đồng chí ấy về lại trong khoảng thời gian ngắn ngủi bị quản thúc trước khi bị bắt lại và đày ra Côn Đảo năm 1940. Tôi quay lại nhìn ông Ngụ, vừa tò mò vừa tha thiết, vẫn muốn nghe tiếp câu chuyện của ông.

“Tôi với đồng chí Lê Hồng Phong là hàng cháu với chú, ông cụ thân sinh ra tôi là em họ của đồng chí. Tên thật của đồng chí ấy là Lê Huy Doãn. Vốn dòng họ tôi xưa là Lê Văn, vì là quan văn, còn 1 dòng họ khác của làng Đông là Lê Sỹ, đời đời làm quan võ. Đến thời ông nội của đồng chí Lê Hồng Phong không hiểu vì sao cải đi thành Lê Huy, chúng tôi bây giờ lấy lại họ gốc là Lê Văn. Còn tên Lê Hồng Phong thì vì trong thời kỳ đấu tranh đó, cùng với đồng chí Hồng Thái và Hồng Sơn mà nên 3 ngọn gió hồng của phong trào Xô Viết. Khi đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt tại chính căn nhà này, ông cụ nhà tôi ở ngay kế bên mà chỉ dám ngồi dưới hàng cây giới nhìn sang”.

Ông cụ dẫn tôi đi sang khu lưu niệm mới, màu gạch ngói còn tươi nguyên. Khu lưu niệm mới có khuôn viên rộng và thoáng đãng hơn hẳn, nhưng có lẽ cũng vì thế mà bớt đi phần nào nét giản dị, gần gũi. Tôi mải mê xem những bức ảnh phác hoạ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí: Cậu sinh viên của Trường Đại học Phương Đông ở Mát-xcơ-va, người đại biểu tham dự Đại hội Quốc tế Cộng Sản VII ở Điện Kremlin, vị Tổng Bí thư Ban chấp hành T.Ư Đảng, người tù cách mạng không e sợ đòn roi kẻ thù. Có cả những thẻ căn cước mang tên gọi khác nhau khi đồng chí hoạt động ở Thái Lan, Nga, Trung Quốc và Việt Nam. Lại có cả lệnh truy nã và hồ sơ mật thám bằng tiếng Pháp.

Tôi dừng lại trước bức ảnh căn xà lim số 5, banh II ở nhà tù Côn Đảo. Bức ảnh đen trắng mà tôi tưởng như thấy nhuốm đỏ một màu máu, rùng mình nghĩ đến người tù cách mạng lúc trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6/9/1942 còn khảng khái: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Không biết ông Ngụ có nhìn thấy bức ảnh màu đỏ như tôi không, mà trầm ngâm nói: “Khi ra thăm nhà tù Côn Đảo, tôi đã thốt lên thế này: Tưởng rằng mùi máu, mùi phân và nước tiểu của những người tù cách mạng chỉ lưu lại trong sử sách, không ngờ vẫn ngửi thấy được mùi tanh tưởi đó nơi đây”. Tôi bặm môi, nhìn lại bức ảnh. Trong một thoáng, sửng sốt nhận thấy quả có một mùi tanh nồng của máu cứ váng vất ở bức ảnh, hay là mùi căm thù, đau thương từ một thời đất nước lầm than ùa về?

Chào từ biệt ông Ngụ, ông cụ họ Lê Văn bảo rằng, rồi đây khi ông qua đời, mong rằng người canh gác mảnh đất nơi dấy lên 1 ngọn gió hồng của cách mạng sẽ vẫn là người của họ Lê Văn. Để mối gắn kết với khu lưu niệm này không chỉ là nghĩa vụ của người đời sau với vị Tổng Bí thư mà là mối liên hệ máu mủ ruột thịt với người con của quê hương Hưng Thông, Hưng Nguyên. Về lại Thành phố Vinh, tôi đến thắp hương ở Khu lưu niệm bà Nguyễn Thị Minh Khai. Đứng dưới chân tượng người đồng chí, người vợ chung thuỷ sắt son cùng chồng theo đuổi lý tưởng cách mạng, tưởng như ngọn gió hồng năm nào lại thổi bên tai.


Bài, ảnh: Hải Triều

Mới nhất
x
Nơi dấy lên ngọn cờ hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO