Nói điều lớn bằng chữ nhỏ

16/10/2009 17:46

Tính từ bài báo đầu tiên "Tâm địa thực dân" viết năm 1919, ký tên Nguyễn Ái Quốc đến bài báo cuối cùng "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên - nhi đồng", ký tên T.L ra ngày 1.6.1969, Nhà báo Hồ Chí Minh đã viết báo trên 50 năm với khoảng trên dưới 2.000 bài.

Theo lời Bác, đề tài xuyên suốt trong quá trình làm báo là "chống thực dân, đế quốc, chống phong kiến, địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội". Bài báo "Dân vận" đăng trên Báo Sự Thật, ngày 15.10.1949 với bút danh X.Y.Z, Bác viết giai đoạn nóng bỏng nhất của kháng chiến chống Pháp trong đề tài lớn "tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội", nội dung cụ thể là công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng của tổ chức đảng, các cấp chính quyền và đoàn thể nhân dân. Đây là một tác phẩm kinh điển, là cẩm rnang của cán bộ, đảng viên trong công tác vận động quần chúng.

Đồng chí Trần Văn Hằng, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nói chuyện thân mật với lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy qua các thời kỳ . Ảnh: Sỹ Minh


Thật vậy, bài báo "Dân vận" chỉ có 612 chữ nhưng đã đề cập, giải đáp những vấn đề rất căn bản, cấp thiết của công tác vận động quần chúng. Người đọc, dù ở trình độ nào, thậm chí cả những người chưa biết đọc, biết viết cũng hiểu được và làm theo được. Bác viết theo cách đặt câu hỏi và trả lời ngắn gọn, dễ hiểu, để làm rõ lần lượt 4 nội dung cụ thể: 1. Tiền đề cơ sở của công tác Dân vận; 2. Dân vận là gì? 3. Ai phụ trách Dân vận? 4. Dân vận phải thế nào? Và Bác kết thúc với một chân lý sâu sắc: "Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công!".

Bài "Dân vận" mở đầu với lý do rất cụ thể: "Vấn đề dân vận nói đã nhiều, đã bàn kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, chưa làm đúng". Tiếp đó là các nội dung với cách đặt câu hỏi: "Dân vận là gì?", "Ai phụ trách dân vận?", rồi lần lượt trả lời, trong đó, hết sức quan trọng ở phần 1 nêu tiền đề, cơ sở của công tác Dân vận với khẳng định: "Nước ta là nước dân chủ" với những yếu tố của một nước dân chủ thực sự.

Bài báo tiếp tục với cách nêu vấn đề "Dân vận là gì?" và trả lời: "Dân vận là động viên tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho".

Bài báo nêu cách giải quyết vấn đề: bốn bước phải làm trong công tác dân vận: "1. Phải tìm mọi cách làm cho mỗi người dân hiểu rõ rằng: việc đó có lợi cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được; 2. Làm bất cứ việc gì cũng phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành; 3. Phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân; 4. Khi làm xong phải cùng dân kiểm tra lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng".

Bài báo "Dân vận" được viết với văn phong trong sáng, giản dị: Người làm công tác dân vận phải "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm". Có: "Dân vận kém" và "Dân vận khéo". Từ "khéo" quả là không thể thay thế được bởi từ "khéo" trong dân gian thường đi với khéo tay, khéo ăn, khéo nói... Người làm công tác dân vận miệng nói khéo, tay làm cũng khéo... quả là rất gắn bó, gần gũi và hợp tình hợp lý trong bối cảnh đó. Ở đây, Bác không dùng từ đối lập: kém - giỏi, hay kém - tốt có lý do từ sự giản dị, gần gũi với mọi người và hợp lôgíc với yêu cầu mà Người đã nói ở trên.

Sau khi giải quyết gọn ghẽ mọi vấn đề, Bác nêu kết luận đơn giản như chân lý: "Dân vận kém thì...", "Dân vận khéo thì...". Ở đây, có thể nói, tác giả hoàn toàn không viện dẫn bất cứ tác phẩm và tác giả nào. Việc không trích dẫn không làm cho bài báo thiếu đi tầm quan trọng và sự hấp dẫn mà trái lại, bài báo trở nên "kinh điển" ở cách nêu vấn đề và giải quyết vấn đề rõ ràng, khúc chiết, ở nội dung phong phú và thiết thực, ở văn phong trong sáng giản dị, cách sử dụng ngôn từ chính xác, linh hoạt và toàn bộ cấu trúc hợp lý với lập luận chặt chẽ.

Rõ ràng, phong cách báo chí Hồ Chí Minh biểu hiện sinh động qua cách suy nghĩ và diễn đạt dễ hiểu, đi sâu vào lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những điều tốt đẹp bằng những lời lẽ giản dị, giàu hình tượng, "nói lên được điều lớn bằng những chữ nhỏ" là điều những người làm báo phải học tập và làm theo. "Điều lớn" của bài báo "Dân vận" là ý nghĩa thời sự xuyên suốt 60 năm qua không chỉ đối với những người làm công tác Dân vận mà toàn bộ công tác xây dựng Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. "Những chữ nhỏ" của Bác Hồ là 612 từ ai cũng hiểu, cũng có thể làm theo được để tạo nên những "điều lớn" cho đất nước, dân tộc, tạo nên sức mạnh vô bờ bến của thời đại Hồ Chí Minh!


Phú Châu

Nói điều lớn bằng chữ nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO