Nơi khởi đầu con đường huyền thoại

21/10/2011 16:55

Những con tàu Không số năm xưa đã đi vào lịch sử với đường Hồ Chí Minh trên biển. Những người lính hải quân quả cảm cũng đã trở thành niềm tự hào để bao thế hệ noi theo. Nhưng có một nơi đã lặng thầm đóng góp cho bao chiến công lẫy lừng một thời. Nơi đó đã làm nên những chiếc tàu 2 vỏ kỳ lạ, che mắt địch, vượt trùng dương, âm thầm giấu vũ khí trong lòng để hướng đến đồng bào Nam bộ đang từng ngày ngóng đợi. Đó là làng nghề Trung Kiên (Nghi Thiết - Nghi Lộc).

(Baonghean.vn) Những con tàu Không số năm xưa đã đi vào lịch sử với đường Hồ Chí Minh trên biển. Những người lính hải quân quả cảm cũng đã trở thành niềm tự hào để bao thế hệ noi theo. Nhưng có một nơi đã lặng thầm đóng góp cho bao chiến công lẫy lừng một thời. Nơi đó đã làm nên những chiếc tàu 2 vỏ kỳ lạ, che mắt địch, vượt trùng dương, âm thầm giấu vũ khí trong lòng để hướng đến đồng bào Nam bộ đang từng ngày ngóng đợi. Đó là làng nghề Trung Kiên (Nghi Thiết - Nghi Lộc).

Đoàn tàu Không số (còn gọi Đoàn 125) là đoàn vận tải quân sự đường biển làm nhiệm vụ vận chuyển hàng quân sự từ miền Bắc vào miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, trực thuộc Quân chủng Hải quân. Thủy thủ của các con tàu Không số được tuyển chọn rất kỹ lưỡng về kinh nghiệm hàng hải, thể chất và chính trị. Trước khi làm nhiệm vụ, họ được truy điệu sống và coi như đã hy sinh.

Trong kháng chiến, Đoàn 125 đã thực hiện hàng trăm chuyến đi biển trong điều kiện gian khổ, vận chuyển và bàn giao hàng nghìn tấn vũ khí, khí tài, đạn dược... cho các chiến trường: Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ, Liên khu 5. Đồng thời, đoàn đã trực tiếp tham gia rà phá thủy lôi ở vùng biển Đông Bắc; tham gia giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa thuộc quần đảo Trường Sa, Cù Lao Thu thuộc tỉnh Ninh Thuận và đón các tù nhân cộng sản từ Côn Đảo trở về đất liền...

Đoàn 125 đã được nhà nước Việt Nam hai lần phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (1967 và 1976). Tham gia đóng tàu Không số là những thợ giỏi từ một số làng nghề đóng tàu vùng ven biển miền Bắc và miền Trung.

Thiếu tá Nguyn Đình Sin (phi) vi bc nh tàu Không s trên đường vn chuyn vũ khí vào Nam (nh do hi quân M chp)

Từ giữa năm 1959, Tỉnh ủy Nghệ An đã phát công văn về Đảng ủy xã Nghi Thiết triệu tập Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết và chủ nhiệm HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên có mặt tại Vinh để nhận nhiệm vụ mới. Tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh lúc đó đã giao cho Nghi Thiết đóng 2 chiếc ghe, vỏ ngoài đan bằng nan tre, phần trên và xương bên trong kết cấu bằng gỗ, cụ thể do cán bộ Đội thủy văn về hướng dẫn. Đồng chí Nguyễn Văn Điệu, lúc đó là phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết và đồng chí Nguyễn Thân Mến, Đảng ủy viên, Chủ nhiệm HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên đã nhận nhiệm vụ. Trung Kiên là làng nghề duy nhất ở Nghệ An, Hà Tĩnh được chọn.

Trung Kiên là ngôi làng có truyền thống đóng tàu biển gần 700 trăm năm nay. Xưa, làng được gọi là làng Hoàng Lao gồm các xóm Chùa 1, xóm Chùa 2, xóm Bắn, xóm Rồng, xóm Đình và xóm Tân Long hợp lại. Bởi có truyền thống 700 năm nên những con tàu của người thợ Trung Kiên đóng ra bao giờ cũng có "tiếng" hơn các làng nghề đóng tàu thuyền khác. Có lẽ vì vậy mà Trung Kiên đã được giao một nhiệm vụ khó khăn nhưng rất vẻ vang này. Người tham gia đóng những con tàu gỗ và nan tre vượt biển cách đây 50 năm còn lại duy nhất của làng là cụ Phan Anh Phúc, giờ đã 78 tuổi. Những bạn nghề xưa của cụ đã lần lượt đi xa. Cụ Phúc vẫn còn nhớ ngày làng nghề Trung Kiên được đón một đoàn cán bộ cấp trên về làng vào đầu năm 1959 với nhiệm vụ triệu tập những người thợ ưu tú để đóng một loạt những con tàu rất khác kiểu. Hơn thế nữa, mỗi người chỉ được tham gia đóng một con tàu như vậy với chỉ thị "nhanh chóng, chính xác, bí mật". Tất cả đều được đặt dưới sự chỉ đạo của một cán bộ miền Nam tên Hưng. (Sau này, Ban liên lạc CCB "tàu không số" Nghệ-Tĩnh mới công bố đó là đồng chí Trần Tấn Mới, được ủy ban thống nhất Trung ương cử về trực tiếp chỉ đạo đóng tàu).

Các CCB Đoàn tàu Không s năm xưa trên đường tr v gp gđồng đội

Quá trình đóng 2 con tàu trên thực sự được những người thợ lành nghề Trung Kiên thực hiện với tất cả tâm huyết, bởi dường như họ cảm nhận được đây là công việc đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ nguyên vật liệu cho đến từng đường xoi mạch mép ván, xăm, quét chai trong và ngoài tàu...Nhờ vậy, sức bền và công suất những con tàu này thường gấp 2-3 lần các tàu khác. Tàu gồm 4 khoang, chia thành 2 lớp, khoang dưới dùng để hàng hóa, bên ngoài chỉ như những chiếc tàu đánh cá bình thường. Những người thợ năm xưa cùng làm với cụ Phúc như cụ Diên, cụ Nhậm, cụ Thẩm...đã trở thành những người đầu tiên của HTX Trung Kiên bắt đầu cho huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đến cuối năm 1959, HTX Trung Kiên đã hoàn thành nhiệm vụ đóng mới 2 chiếc ghe và hạ thủy an toàn. Năm 1961, HTX Trung Kiên nhận nhiệm vụ đóng 4 tàu lớn hơn, được đóng với kết cấu bằng gỗ, có tải trọng khoảng 30 tấn và có thể hoạt động dài ngày trên biển. Đến giữa năm 1964, HTX tiếp tục nhận nhiệm vụ đóng những con tàu khác hẳn trước với 2 vỏ bằng gỗ có kết cấu hết sức phức tạp, đòi hỏi những thợ có tay nghề kỹ thuật cao lắp ráp cẩn thận, tỉ mỉ. Tuy nhiên, mãi đến năm 1971, đội tàu 2 vỏ gỗ mới được bàn giao và hạ thủy an toàn.

Theo tờ trình của Ban liên lạc cựu chiến binh đoàn "tàu không số" Nghệ Tĩnh thì tất cả số tàu do HTX Trung Kiên ngày ấy sản xuất đã được giao cho tập đoàn đánh cá Sông Gianh (Tiểu đoàn 603 ngụy trang), đơn vị được giao nhiệm vụ mở đường vận tải đường biển (Đường Hồ Chí Minh trên biển). Những chiếc tàu kì lạ ấy được đóng làm 2 đáy, thành và mũi tàu được đục rỗng, mục đích là để che giấu vũ khí, che mắt địch. Chiếc tàu đầu tiên do đồng chí Nguyễn Bất chỉ huy xuất phát vào đêm 30 Tết năm 1960. Nhưng khi tàu vào đến Hồ Chuối (Quảng Nam) thì bị địch bắt, ấ thủy thủ đã anh dũng hi sinh. Đến năm 1962, con tàu thứ hai xuất bến từ lạch biển Trung Kiên, cập bến Vạm Lũng (Cà Mau) an toàn - chính thức khai thông đường Hồ Chí Minh trên biển.

Chiến tranh đã lùi xa 36 năm, đường Hồ Chí Minh trên biển cũng đã có 50 năm truyền thống. Những người lính trên tàu không số năm xưa, nay người còn người mất, nhưng biết bao chiến công huyền thoại của họ thì vẫn còn mãi, bất diệt. Cùng với những binh đoàn trên bộ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" họ đã quyết "Rạch biển Đông cứu lấy sơn hà" bằng con đường biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam.

Tỉnh Nghệ An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có rất nhiều người con đã tham gia lực lượng hải quân, trong đó có không ít người tham gia lực lượng của đoàn tàu không số. Sự hy sinh của CBCS đoàn tàu không số để tạo nên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển là vô cùng to lớn và rất vẻ vang. Những người con xứ Nghệ không chỉ đóng góp nhiều tấm gương quả cảm để tạo nên huyền thoại đó mà còn là nơi cho ra đời những con tàu không số huyền thoại.

Thiếu tá Nguyễn Đình Sin vào Đoàn tàu Không số (tức Đoàn 125) từ 1964 đến năm 1991. Ông rời Quân đội với quân hàm thiếu tá, về làm nghề lương y tại quê nhà. Gần 30 năm trong quân ngũ, 10 năm gắn với tàu không số trên biển, ở những thời đoạn khốc liệt nhất, Nguyễn Đình Sin đều nỗ lực hết mình với nhiệm vụ được giao. Là một chiến sĩ báo vụ kiêm quân y của Đoàn tàu Không số, ông đã góp phần làm được hai việc "đại nghĩa" trên biển là cứu người và cứu tàu. Cứu chữa cho những cán bộ, chiến sĩ bị bệnh trong khi đang làm nhiệm vụ trên tàu giữa biển khơi. Mưu trí, dũng cảm cứu tàu khi gặp địch.

Ông cho biết, là báo vụ, khi tàu vào địa phận nước nào các ông đều nhanh trí kéo cờ nước ấy để tàu đi hợp pháp. Có chuyến khi tàu địch chạy song song, có chuyến tàu chiến Mỹ vây quanh, anh em trên tàu lên hết mặt khoang đi lại vẻ bình thường, có người còn ném bia và bánh kẹo sang tàu địch coi như bạn đồng hành trên biển. Nhiều lúc tưởng bị lộ, sΩn sàng đánh bộc phá hủy tàu, không để vũ khí và tàu lọt vào tay địch. Cuối năm 1973, ông cũng là người vinh dự có mặt trên chuyến tàu đưa đồng chí Sáu Nam (tức đồng chí Lê Đức Anh) lúc đó là Tư lệnh QK 9 ra Bắc để họp Quân ủy TW cùng các đồng chí Tư Mâu, Chín Phước, Sáu Nghị, Hai Danh...

CCB Nguyễn Diên Lạc (Phúc Thọ-Nghi Lộc) vẫn không quên 2 chuyến đi của ông trên tàu Không số, trong đó có một chuyến bị địch nghi ngờ thành ra phải đi vòng vèo, giả vờ đánh cá để làm lạc hướng địch khiến chuyến đi kéo dài đến 30 ngày (bình thường từ 10-15 ngày). Còn CCB Bùi Bình Trọng (Quỳnh Long - Quỳnh Lưu) nhớ về công tác đảm bảo bí mật của ta rất chặt chẽ, thế mà chuyến đi vào tháng 2/1965 có ông tham dự vẫn bị tàu chiến Mỹ bám theo đến 17 ngày. Có lần, tàu của CCB Phạm Viết Hưng (Nghi Kim-Vinh) bị hỏng lái, phải tấp vào Núi Le để trốn địch và sửa chữa, phải dùng bạt căng lên, hứng sương mà uống. Đợt đó, có 1 chiến sỹ ta hy sinh vì quá thiếu thốn, kiệt sức. Chuyến đi của CCB Nguyễn Văn Tiu (Nghi Kim - Nghi Lộc) trên tàu 43 năm 1970 mặc dầu đã giả dạng thành tàu dầu nhưng vẫn bị lộ. Địch đã cử 4 chiếc máy bay hải quân Mỹ bám theo quần đảo đến 7 ngày, làm tàu ta phải chạy thẳng sang Ma Cao để trú ẩn, 4 ngày sau mới quay trở lại, tiếp tục cho nhiệm vụ...

CCB Nguyễn Hữu Tuần, nguyên trưởng ban tác chiến của Đoàn tàu Không số, người chịu trách nhiệm làm kế hoạch cho tàu vào 19 bến thuộc các tỉnh Nam Bộ, từng viết: "Cuộc gặp đồng đội hôm nay/ chúng tôi điểm danh, cả hội trường im lặng/ Chỉ có tiếng gió thì thào trong biển vắng/ Tiếng sóng đại dương ca ngợi những anh hùng/Những cảm tử quân tàu không số kiên trung/ Giữa biển xa khơi chọi ngàn lần cái chết/ Vượt trùng dương đưa tàu hàng vào bến/ 14 năm xông pha chiến tuyến/ Hơn trăm cán bộ chiến sỹ hy sinh/ trọn nghĩa vẹn tình cho Bắc Nam vui ngày thống nhất".

Dường như, tình cảm với đồng đội luôn thường trực trong họ. Ông Nguyễn Đình Sin bảo, đồng đội của ông "sống thì đi tàu không số, chết thì về mộ không tên". Trước khi chia tay ông đọc tặng chúng tôi bài thơ "Tàu không số" mà ông mới viết: "Thăm chiến trường xưa nhớ bến tàu/ Mênh mang biển cả lắm nông sâu/ Trăm ngàn hải lí tàu không số/ Một tấn hàng đi mấy đối đầu/ Gặp lũ gian hùng đành thịt nát/ Biết bao tráng sĩ phải xương tan/ Chiến công vang mãi tàu Không số/ Xin hãy đừng quên, chớ phũ phàng".

Ghi nhận về đóng góp của những người từng làm nên huyền thoại, Chuẩn đô đốc, Thiếu tướng Đinh Gia Thật, phó chính ủy Quân chủng Hải quân đã bày tỏ: "Chúng tôi luôn luôn ghi nhận, tôn vinh những chiến công huyền thoại của cán bộ chiến sỹ Đoàn tàu Không số, trong đó có CCB Đoàn tàu Không số của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong số những người con xứ Nghệ tham gia Đoàn tàu Không số, đã có nhiều đồng chí nằm lại mãi mãi với biển khơi, nhiều đồng chí về với đời thường trong hoàn cảnh còn rất khó khăn. Nhưng những người con của Xô Viết Nghệ Tĩnh tham gia Đoàn tàu Không số vẫn kiên định với Đảng, vẫn yêu biển đảo và vẫn là tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo...".


Trần Hải

Mới nhất
x
Nơi khởi đầu con đường huyền thoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO