Nơi kinh đô vạn an xưa

13/02/2012 14:28

(Baonghean) - Làng Ngọc Trừng xưa thuộc xã Đông Liệt (1810), nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi Mai Thúc Loan sinh ra và lớn lên, chấp nhận muôn nỗi đắng cay, tủi nhục của một đứa trẻ mồ côi cho đến khi trở thành thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu (KNHC).

(Baonghean) - Làng Ngọc Trừng xưa thuộc xã Đông Liệt (1810), nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi Mai Thúc Loan sinh ra và lớn lên, chấp nhận muôn nỗi đắng cay, tủi nhục của một đứa trẻ mồ côi cho đến khi trở thành thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu (KNHC).

Trải qua 12-13 thế kỷ với bao thăng trầm biến đổi của tạo hóa và con người, trên đỉnh Cồn Chén xưa giờ chỉ là một vùng đất bằng phẳng, cây cối um tùm. Vậy nhưng nhân dân nơi đây vào các dịp ngày giỗ thân mẫu Vua Mai và Vua Mai vẫn thường về đây thắp hương tưởng nhớ.

Tiến sỹ Sử học Nguyễn Quang Hồng, giảng viên bộ môn Lịch sử Việt Nam (Đại học Vinh), người có công tổng hợp rất công phu về thân thế và sự nghiệp của Vua Mai đã lấy làm tiếc: "Không hiểu vì lý do gì, khi khảo sát, xây dựng quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa miếu mộ, đền thờ thân mẫu vua Mai, vua Mai, đền Đông Dực Đại tướng quân Nguyễn Huynh - một trong 4 vị tướng và là người có công lớn trong cuộc KNHC..., những người có trách nhiệm đã không tiến hành khảo sát, xây dựng lại ngôi nhà nơi nhà vua sinh ra và lớn lên cùng thân mẫu ở trên động Cồn Chén?". Chúng tôi mong rằng, trong thời gian sớm nhất cần hoàn thiện việc này để muôn khách thập hương và con cháu muôn đời được biết nơi nhà vua cất tiếng khóc chào đời, lớn lên và sớm có tinh thần yêu nước, thương dân để khi có thời cơ sΩn sàng cùng cộng đồng cư dân xứ Nghệ và cả dân tộc vùng dậy lật ách thống trị của nhà Đường giành độc lập tự chủ cho giang sơn xã tắc.


Điều khiến Tiến sỹ Hồng cũng như các nhà nghiên cứu lịch sử khác, những người đã bỏ công sức, thời gian mày mò sưu tầm qua các truyền thuyết, các di tích còn lại để nói lên một điều rằng: Nơi đây đã từng là đại bản doanh Vạn An và từng là một kinh đô Vạn An của một quốc gia độc lập tự chủ gần 10 năm trong thời kỳ Bắc thuộc. Theo Tiến sỹ Hồng thì Thành Vạn An là đại bản doanh của cuộc KNHC, được xây dựng trên làng Vạn An, thuộc xã Vân Diên ngày nay.

Từ thành đến sông Lam chỉ cách 1km, do đó sông trở thành hào lũy tự nhiên che chở hoàn toàn cho đại bản doanh Vạn An ở phía Nam. Nơi đây, giờ vẫn còn sót lại một số dấu tích của đoạn bờ thành được đắp bằng đất đá. Cách thành chưa đầy 1km là Cồn Vệ, một vùng đất bằng phẳng nằm sát sông Lam còn sót lại một số đoạn tường thành hình vòng cung mà theo các cụ già cao niên của làng thì đây chính là vị trí phòng ngự quan trọng mà nhân dân xây dựng trong cuộc KNHC.

Gần Cồn Vệ là thung lũng Rậm, nằm trên dãy Hùng Sơn với diện tích vài chục ha, núi bao bọc và nhiều khe suối nhỏ đổ ra sông Lam, thuận tiện cho việc luyện tập thủy quân. Bao đời nay người dân nơi đây vẫn truyền tai cho nhau về dấu tích của thung lũng Rậm, nơi rèn tập quân sĩ, tích trữ lương thảo trong những ngày đầu khởi nghĩa, là nơi diễn ra trận đánh cuối cùng của Mai Thiếu Đế (tức Mai Thúc Huy, con trai Mai Hắc Đế) chỉ huy và đây cũng là nơi yên nghỉ của hai cha con vua Mai sau này. Cách Thành Vạn An phía Tây và Tây Bắc khoảng chừng 1km là vùng trũng Hồ Nón rộng mênh mông. Toàn bộ phía Nam của thành được che chở bởi dãy núi Thiên Nhẫn, tạo thành hệ thống hào lũy vững chãi che chở cho đại bản doanh Vạn An.


Từ những dấu tích ít ỏicủa các địa danh, các nhà nghiên cứu luận giải: Thành Vạn An đã được xây dựng nhờ sự đóng góp tài trí, công sức của cộng đồng xứ Nghệ. Đây cũng là nơi diễn ra cuộc hội quân giữa lực lượng của Mai Hắc Đế với các nước JaVa, Xảo Oa, Chân Lạp và 32 châu kimi quanh vùng tạo nên một lực lượng hùng mạnh con số lên tới 30 vạn người.

Và điều này, theo ông Hồ Sỹ Hùy, giáo viên bộ môn Lịch sử Việt Nam (Đại học Vinh) luận giải: Sự nghiệp của Mai Hắc Đế tuy không được khảo tường tận, nhưng với việc Tư Húc là nội thị bề tôi cậy quyền của nhà Đường mà phải thân hành đem quân sang đánh thì đủ biết thế lực của Mai Hắc Đế mạnh như thế nào. Với lực lượng lớn mạnh này, Mai Thúc Loan đã nhanh chóng lật đổ toàn bộ nền thống trị của nhà Đường từ lưu vực sông Lam đến đồng bằng Bắc bộ, phủ thành Tống Bình, đem lại độc lập tự chủ cho quốc gia dân tộc. Sau khi lật đổ được nhà Đường, Mai Thúc Loan đã xưng Đế, tục gọi là Mai Hắc Đế, đại bản doanh Vạn An đã trở thành Kinh đô Vạn An dưới vương triều Mai Hắc Đế lúc bấy giờ!


Hồ Hà

Mới nhất

x
Nơi kinh đô vạn an xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO