Nỗi lo chất lượng tàu cá xa bờ
(Baonghean) - Nghề biển được đánh giá là nhiều rủi ro. Thế nhưng, vì nguồn hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, ý thức chấp hành của người dân chưa cao nên vấn đề đảm bảo an toàn cho ngư dân và phương tiện trở nên cấp bách hơn.
So với các địa phương ven biển, Nghệ An được đánh giá có đội tàu xa bờ có công suất lớn nhất nước. Hiện toàn tỉnh có 4.017 phương tiện đánh cá, công suất trung bình trên 91CV. Trong đó có 1.139 tàu có công suất trên 90CV. Thực hiện chủ trương chuyển đổi nghề, những năm qua, công tác đầu tư để nâng cao chất lượng phương tiện đánh bắt thủy sản trên biển được người dân quan tâm. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đóng mới được 172 chiếc, cải hoán 121 chiếc, mỗi tàu có công suất từ 300CV đến 700CV có mức đầu tư từ 2 đến 5 tỷ đồng. Để hỗ trợ người dân, UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ lãi suất đóng mới theo Quyết định 09 năm 2012. Tính từ năm 2010 đến năm 2013, tỉnh đã trích hơn 11,8 tỷ đồng để hỗ trợ đóng mới cho 198 phương tiện. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho nghề khai khác thủy sản xa bờ của tỉnh.
Tàu cá xa bờ của ngư dân xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). |
Tuy nhiên, dù có đội tàu công suất lớn nhưng chất lượng tàu cá trên địa bàn tỉnh hiện nay đang còn nhiều hạn chế. Để giảm chi phí, phần lớn ngư dân đang lắp đặt máy cũ được mua lại từ Sài Gòn. Những máy này chủ yếu là của Nhật Bản, đã qua sử dụng nên khi mua về, người dân phải tốn một khoản chi phí nữa để tu sửa, bảo dưỡng, sau đó mới có thể hoạt động được.
Xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu là địa phương có đội tàu công suất lớn thường xuyên khai thác xa bờ. Toàn xã có 99 chiếc tàu có công suất trên 300CV thì 100% sử dụng máy cũ. Người dân Quỳnh Nghĩa trong những năm vừa qua đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư đóng mới và nâng công suất máy mới lên, song do thiếu vốn nên đa phần người dân mua lại máy cũ để sử dụng. Ông Hồ Khắc Huynh, cán bộ hội nghề cá xã cho biết: Trung bình, một máy tàu mới có giá từ 1,5 - 3 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn hạn hẹp nên bắt buộc phải mua máy cũ về sử dụng. Hạn chế của máy cũ là chất lượng không đảm bảo, người dân phải bỏ một số tiền nữa để thay thế linh kiện nên đội chi phí lên cao. Bên cạnh đó, do sử dụng máy cũ nên lượng dầu tiêu hao tốn kém hơn, ảnh hưởng đến môi trường.
Ông Tô Duy Châu, xóm Hòa Đông, xã Quỳnh Nghĩa là một trong những người bám biển từ khi còn nhỏ. Sau nhiều năm đi biển, điều ông Châu lo sợ nhất chính là chất lượng tàu cá ngày càng đi xuống, trong khi biển cả ngày càng phức tạp, tàu phải vươn khơi xa hơn để đánh được nhiều cá. Đầu năm 2013, tàu cá có công suất 180CV của ông đang đánh cá trên biển thì bỗng nhiên chết máy khiến cho nhiều thuyền viên trên tàu hoảng loạn. Ngay sau đó, ông đã gọi điện về đất liền để có biện pháp ứng cứu và phải thuê tàu cá ra lai dắt về. Thấy tàu cá không đảm bảo an toàn, chi phí bảo dưỡng ngày càng cao, mỗi năm hết khoảng 100 triệu đồng nên ông quyết định bán tàu. Ông cho biết: Thấy tàu không an toàn, tôi quyết định bán đi, vay ít vốn nữa đóng mới chiếc tàu khác có công suất 380CV. Nhưng do nguồn vốn có hạn nên tôi chỉ có điều kiện mua máy cũ với giá hơn 1 tỷ đồng. Nếu được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn tôi mới có điều kiện mua máy mới.
Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng chục vụ tai nạn trên biển và ngay cả lúc tàu đã cập cảng. Riêng từ đầu năm đến nay, đã có 14 vụ tai nạn của 14 phương tiện gây thiệt hại nhiều tỷ đồng của ngư dân. Qua thực tế, các tai nạn xảy ra đối với tàu cá cho thấy ngoài những yếu tố bất khả kháng do thiên nhiên thì phần lớn các tai nạn chìm tàu, chết người đều liên quan đến yếu tố chủ quan của con người như trình độ nhận thức kém của ngư dân, do chất lượng tàu cá không đảm bảo và ý thức tổ chức trong lao động sản xuất trên biển không cao.
Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn thì thời gian sử dụng vỏ tàu không quá 15 năm để đảm bảo an toàn khi ra khơi. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương như Quỳnh Lưu, Hoàng Mai thì nhiều phương tiện vẫn được sử dụng từ những năm 1995 đến nay. Khai thác thủy sản trên biển được đánh giá là nghề chịu nhiều rủi ro và mất mát lớn, trong khi đó, số phương tiện được mua bảo hiểm thân tàu trên địa bàn toàn tỉnh chỉ chiếm chưa đến 10%. Riêng bảo hiểm thuyền viên đạt cao hơn, nhiều chủ tàu vẫn “bàng quan” trước tính mạng của các thành viên.
Tại 2 địa phương Quỳnh Lưu và Hoàng Mai, rất ít tàu thuyền có bảo hiểm thân tàu. Theo ông Nguyễn Văn Kế, Chủ tịch Hội Nghề cá xã Tiến Thủy cho biết, mặc dù chính quyền đã vận động, tuyên truyền cho người dân nhưng ý thức trong việc mua bảo hiểm không cao. Ông Kế cho biết: Từ năm 2010 đến nay, có rất ít chủ phương tiện quan tâm đến bảo hiểm thân tàu. Người dân cho rằng mức giá bảo hiểm 10% giá trị tàu là quá cao, cộng với việc thủ tục quá phức tạp nên không ai mặn mà gì. Khi có thiệt hại thì họ sẵn sàng chịu mất mát.
Các phương tiện khai thác ngày càng được trang bị hiện đại như máy dò cá, định vị nhưng người dân vẫn thường khai thác theo kinh nghiệm của mình. Ông Chu Quốc Nam, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đánh giá: Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, Nhà nước đã hỗ trợ cho ngư dân trong việc đóng mới, cung cấp trang thiết bị để vươn khơi khai thác và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, nhiều tàu thuyền vẫn còn đang thiếu hụt các thiết bị như đèn hành trình, phao cứu sinh và nhiều dụng cụ khác.
Theo quy định thì trên một phương tiện phải có phao tròn, phao áo và phao bè. Thế nhưng rất ít phương tiện trang bị phao bè trên tàu. Đối với phao tròn, qua kiểm tra hầu hết các tàu đều có đầy đủ nhưng chất lượng không đảm bảo do thời gian sử dụng quá lâu. Các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát được chất lượng phao khi người dân còn mua phao trôi nổi trên thị trường. Khi có tai nạn xảy ra do người dân không mua bảo hiểm thân tàu nên không được bồi thường, dẫn đến nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay.
Ông Nam đề nghị, để nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển các đội tàu khai thác thủy sản xa bờ, giảm thiểu ảnh hưởng nguồn lợi ven biển, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đóng mới tàu có công suất từ 250CV trở lên. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên cho tàu từ công suất từ 90CV trở lên nhằm khuyến khích cho đội tàu này tham gia khai thác các vùng biển xa như Hoàng Sa, Trường Sa và DK1. Hiện, kinh phí hỗ trợ lãi suất đóng mới tàu khai thác xa bờ của năm 2010, 2011 còn thiếu. Vì thế, việc bổ sung kinh phí cần được triển khai nhanh để tiếp tục hỗ trợ cho người dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
Phạm Bằng