Nỗi lo còn đó
(Baonghean) - Hàng trăm lỗi sơ hở có thể trở thành nguyên nhân trực tiếp gây hỏa hoạn là thực tế đã và đang tồn tại ở các chợ, các trung tâm thương mại trên địa bàn TP Vinh. Mùa nắng nóng đang đến gần và nguy cơ cháy nổ là điều được dự báo trước.
Chợ Quang Trung (TP. Vinh) chính thức trở thành chợ tạm sau khi phải nhường vị trí cho khu chung cư Tecco. Tiếng là “chợ tạm” nhưng chợ hiện có 650 hộ kinh doanh cố định và 300 hộ kinh doanh hàng rau quả. Chợ nằm xen giữa cụm dân chung cư thuộc khối 4, khối 8 và khối 9 phường Quang Trung. Thời gian qua, chợ tạm Quang Trung luôn là điểm nóng về thực trạng phòng cháy chữa cháy. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất là chợ được dựng lên bởi các ki - ốt, lều bạt thấp, đường đi lối lại nhỏ hẹp, lại bị cản trở bởi nhiều loại hàng hóa nên việc đi lại, di chuyển khó khăn. Bên cạnh đó, chợ họp giữa trục đường liên khối nên không thể cấm các loại phương tiện (xe máy, xe đạp) ra vào. Điều này gây khó khăn cho việc di chuyển của lực lượng PCCC khi có hỏa hoạn xảy ra. Theo ông Đậu Doãn Thắng – Trưởng Ban quản lý chợ Quang Trung, hiện tại chợ tạm Quang Trung mới chỉ được trang bị 43 bình bột chữa cháy, trong khi yêu cầu cần có 60 bình; và chưa có hệ thống điện cho lực lượng PCCC”.
Những gì đang diễn ra tại chợ tạm Quang Trung đều lặp lại ở chợ Cửa Bắc và nhiều chợ khác trên địa bàn. Đó là sự phức tạp trong việc lắp đặt, câu nối điện chiếu sáng của các hộ kinh doanh. Phổ biến nhất là đường dây dẫn điện chạy trực tiếp trên các cấu kiện bằng sắt thép; phích cắm, ổ điện, đồng hồ điện được mắc, treo ngay trên các vật liệu, vì, kèo kim loại. Bóng điện chiếu sáng nằm sát với hàng hóa dễ cháy. Có những hộ còn sử dụng cả TV trong gian hàng chật hẹp của mình. Theo quy định, đường đi lại tại các khu chợ bắt buộc phải đảm bảo chiều cao thông thủy 4,25m, chiều rộng thông thủy là 3,5m. Quy định là vậy nhưng thực tế, tiêu chuẩn khoảng cách an toàn PCCC này chưa bao giờ được thực hiện đúng. Trung tá Đào Văn Minh – Đội trưởng Đội kiểm tra, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh cho hay: “Chiếm tỷ lệ lớn trong số hơn 400 lỗi vi phạm, sơ hở về PCCC là việc lấn chiếm đường đi lối lại để bày bán hàng hóa, vi phạm về an toàn sử dụng điện. Bà con kinh doanh những loại hàng hóa dễ cháy nhưng cơ quan chức năng không thể kiểm soát được, như cồn 900, cồn khô, hàng mã, bình gas mini, bật lửa gas… chỉ một chút chủ quan, sơ sẩy là cháy bùng ngay…”.
Năm 2005, Công an tỉnh đã ban hành Quyết định 1212, qua đó phân cấp tạm thời cho Công an TP Vinh tham gia quản lý nhà nước về công tác PCCC. Tại thời điểm đó, công an thành phố được phân cấp quản lý 360 cơ sở PCCC, nhưng đến nay tổng số cơ sở mà đơn vị này quản lý đã tăng lên 473. “Lực lượng công an chúng tôi không làm xuể.” Đại úy Nguyễn Văn Kha – Phó Đội trưởng Đội QLHC về TTXH đã chia sẻ. Thực tế, năm 2012, Công an TP Vinh cũng đã phối hợp tổ chức kiểm tra 530 lượt cơ sở, xử lý 160 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 500 triệu đồng. Trong đó xử lý về PCCC trên 200 triệu đồng. Mặc dù vậy, tình trạng vi phạm tại các chợ vẫn diễn ra phổ biến. Ngay như chợ Bến Thủy, cơ sở PCCC do Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN quản lý, tính chất cháy nổ cũng không vì thế mà tốt hơn. Chỉ với diện tích trên 4.300 m2, nhưng chợ Bến Thủy (hay còn gọi là chợ Đại học) có đến 500 gian hàng cố định, mỗi ngày thu hút hàng ngàn lượt người đến tham gia mua bán.
Dù hoạt động của chợ đã được chuyển đổi theo hình thức HTX cổ phần từ năm 2009 nhưng cơ sở hạ tầng vẫn không có nhiều thay đổi. Vỉa hè cũng như tất cả các lối vào chợ đều bị che chắn, chằng buộc bởi các loại bạt xanh, đỏ, ngắn dài và đủ thứ hàng hóa. Trong khi đó nằm ở vị trí sát với Quốc lộ 1A, đoạn ngã tư Đại học Vinh tập trung đông đúc lượng người và phương tiện giao thông, nếu xảy ra sự cố cháy nổ thì rất khó để lực lượng chức năng sử dụng các biện pháp ứng phó. Bên cạnh đó, phương tiện, công cụ PCCC tại chỗ của chợ Bến Thủy vẫn còn nhiều hạn chế. Cả chợ chỉ có 3 họng nước, 1 bể chứa nước 70m3, 35 bình bột chữa cháy. Trung tá Đào Văn Minh xác nhận: “Các chợ hay trung tâm thương mại xây dựng sau này đều được trang bị hệ thống báo cháy tự động, họng nước chữa cháy vách tường, hệ thống điện riêng rẽ. Còn các chợ như Quán Lau, Bến Thủy hình thành trước đây nên hạ tầng PCCC rất sơ sài. Tồn tại này đồng nghĩa với việc khó ứng phó khi xảy ra cháy.”
Ti vi đặt giữa hàng hóa tại chợ Bến Thủy.
Có một thực tế khác, lâu nay công tác PCCC đều được hộ kinh doanh tại các chợ “khoán trắng” cho lực lượng dân phòng cơ sở và cơ quan chức năng. Qua kiểm tra, có rất ít gian hàng của bà con tiểu thương trang bị bình bột chữa cháy hay dụng cụ dập lửa tại chỗ. Như chợ Cửa Bắc, quy định mỗi gian hàng chuẩn bị dự phòng 1 can nước phòng cháy song việc chấp hành lúc có lúc không.
Các hộ kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại đều phải chịu một số loại phí theo quy định, trong đó có phí PCCC, nhưng nhiều nơi phí này không thể thu được. “Mức phí PCCC được áp dụng tại chợ Cửa Bắc và chợ Quang Trung là 10.000 đồng/hộ/tháng nhưng không có người nào nộp. Hộ kinh doanh cho rằng, hệ thống PCCC chưa xuống cấp nên chưa nộp và sẽ không xảy ra cháy nên không nộp. Nhìn chung, các chợ ở Vinh đều không thu được loại phí này…”. Ông Đậu Doãn Thắng - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ chợ Cửa Bắc đã lắc đầu khi nói như vậy.
Hàng dễ cháy để cạnh hệ thống điện ở chợ Cửa Bắc.
Thành phố Vinh hiện có gần 25 trung tâm thương mại và chợ lớn nhỏ. Trong điều kiện cơ sở hạ tầng về PCCC chưa đáp ứng yêu cầu, nguy cơ mất an toàn có thể xảy đến bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, hỏa hoạn thường xuất phát từ sự chủ quan, lơi là. Những vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản trong thời gian gần đây là một thực tế nhãn tiền. Ở Nghệ An, kinh nghiệm sau những lần cháy chợ Vinh trước đây hay gần nhất là siêu thị PLaza gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng là bài học để các cơ quan, lực lượng cơ sở và người dân lưu tâm hơn đến hoạt động PCCC.