Nỗi lo hàng tồn kho

27/11/2012 16:20

(Baonghean) - Tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản, rồi ảnh hưởng của Nghị quyết 11, nhiều công trình cắt giảm, ngừng thi công,… khiến đầu ra nhiều mặt hàng như gạch xây, gạch ốp lát, sắt thép… khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đang đau đầu với hàng tồn kho, trong khi chi phí đầu vào tăng cao.

Hẹn năm lần bảy lượt chúng tôi mới gặp được Chủ tịch Hiệp hội gạch Nghệ An, đồng thời cũng là Giám đốc Công ty CP gạch ngói Hưng nguyên – ông Nguyễn Xuân Thanh. Lý do là: ông bận đi bán gạch. Bán gạch theo đúng nghĩa của nó. Hôm thì ông bảo đang ở Nam Đàn, lúc khác lại ở Cửa Lò, hỏi việc đó có bộ phận bán hàng phụ trách, được ông phân trần: ế ẩm như hiện nay mà giám đốc ngồi văn phòng thì làm sao bán được hàng. Những lúc như thế này, tất cả mọi bộ phận đều phải vào cuộc, tiếp cận với khách hàng để giải quyết đầu ra. Ông Thanh cho biết: Mặc dù giá giảm so với cùng kỳ nhưng tiêu thụ vẫn rất chậm. Công suất 30 triệu viên/năm, chỉ hoạt động 70% công suất nhưng hiện còn tồn trên 5 triệu viên. Ông Thanh cũng cho biết thêm, 22 đơn vị thuộc hiệp hội hầu hết đều rơi vào tình trạng ứ đọng sản phẩm.

Công ty CP gạch ngói Hưng Nguyên - một trong những doanh nghiệp được coi là “làm ăn hiệu quả” đang phải đối mặt với việc cắt giảm dây chuyền sản xuất gạch. Trong tình thế đó, khá nhiều công nhân đã “dứt áo ra đi”, đầu quân cho nhà máy may gần đó. Sản xuất kinh doanh khó khăn, nợ lương nên việc giữ người lao động cũng là bài toán khó đối với doanh nghiệp này.



Kiểm tra sản phẩm tại Công ty CP gạch 22/12

Tại Công ty CP gạch 22-12, ông Nguyễn Xuân Thủy – Giám đốc công ty, cho hay: Không chỉ người của công ty mà ngay cả người ngoài cũng được động viên, khuyến khích, nếu bán hàng cho doanh nghiệp sẽ có “hoa hồng”. Giá gạch hiện nay của công ty giảm gần 20% so với cùng kỳ, năm nay phải chấp nhận giảm lợi nhuận, cố gắng cầm cự sản xuất chờ thị trường đi lên và duy trì mức lương ổn định cho công nhân.

Báo cáo từ Sở Công thương cho thấy, so với cùng kỳ 2011, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp toàn tỉnh 10 tháng đầu năm 2012 tăng 8,49%, trong khi đó, sản xuất vật liệu xây dựng nhìn chung giảm, xi măng 1.114 nghìn tấn, giảm gần 20%; gạch quy chuẩn 489 triệu viên, giảm 12% so với cùng kỳ… Tìm hiểu được biết, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động 50-70% công suất để giảm lượng hàng tồn kho và ngoài khó khăn do tồn kho, một số doanh nghiệp còn vất vả vì đang mất khả năng cân đối tài chính. Thời gian lưu kho dài, đồng nghĩa với gánh nặng lãi vay càng lớn đối với doanh nghiệp. Nguồn vốn của đa số dự án sản xuất vật liệu xây dựng là vốn vay, vốn chủ sở hữu thấp nên vấn đề chi phí tài chính lớn, trượt giá ngoại tệ, lãi suất… đang đè nặng doanh nghiệp. Vì thế, để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đang phải tự tìm hướng đi mới cho mình. Các công ty đã phải cắt giảm tối đa mọi chi phí và tăng cường tiếp thị. Chẳng hạn, giờ làm việc cũng được thay đổi để tránh sử dụng điện vào giờ cao điểm dẫn đến chi phí sẽ tăng cao. Huy động nhiều người bán hàng, ngay cả giám đốc cũng sẵn sàng đi tiếp cận cũng là cách tháo gỡ khó khăn hiện nay. Đặc biệt, một mặt phải tìm hiểu khó khăn của khách hàng để hỗ trợ, hợp tác, nhưng mặt khác phải tăng cường thu hồi nợ khách hàng để giảm chi phí vốn…

Hiện đang là thời điểm vào mùa xây dựng nhưng sức mua ở hàng loạt sản phẩm vật liệu xây dựng vẫn ở mức thấp khiến chỉ số tồn kho tiếp tục cao. Để không bị giam vốn ở hàng tồn, các doanh nghiệp đã phải liên tục điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Hơn bao giờ hết, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về vốn, nguyên liệu, mặt bằng sản xuất và cả đầu ra sản phẩm là rất cần thiết hiện nay. Do đó, các ngành liên quan cần tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giúp doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất.


Thu Huyền

Mới nhất
x
Nỗi lo hàng tồn kho
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO