Nỗi lo khi điện, xăng tăng giá

14/03/2015 10:22

(Baonghean) - Với việc giá xăng tăng 1.610 đồng/lít từ ngày 11/3, tiếp đến giá điện tăng 7,5% từ 16/3 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống người dân. Dưới đây là một số ý kiến phản ánh do Phóng viên Báo Nghệ An ghi lại.

Ông Lưu Văn Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Lưu Hồng - Thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Lưu:

Công ty chúng tôi chuyên sản xuất vành bánh xe cho ô tô và máy nông nghiệp. Với đặc thù là ngành cơ khí nên phải sử dụng những máy móc có động cơ lớn, máy hàn công suất cao… Vì vậy mà giá thành sản phẩm phụ thuộc lớn vào giá điện (chiếm khoảng 10%). Mỗi lần giá điện tăng thường gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới giá thành sản phẩm và lợi nhuận của công ty. Trong lúc ngành sản xuất cơ khí trong nước đang gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh với hàng hóa của Trung Quốc nên sau khi tăng giá điện với mức 7,5% thì chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ phải tăng theo. Điều đó gây cho doanh nghiệp nhiều khó khăn hơn trong sản xuất và kinh doanh.

Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất Công ty TNHH Lưu Hồng.
Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất Công ty TNHH Lưu Hồng.

Trước thực tế đó, chúng tôi đang nghiên cứu để sản xuất vào những giờ thấp điểm và giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, những phương án đề ra đều có mặt hạn chế, bởi nếu thực hiện như vậy sẽ đảo lộn giờ giấc sản xuất, gây khó khăn cho công nhân lao động cũng như phải tăng giá thành sản phẩm nhưng cũng chưa chắc chắn có thể bù hết cho phần tăng của giá điện. Mặt khác, giá xăng dầu đã tăng, càng khiến cho chi phí sản xuất tăng theo gây cho doanh nghiệp nhiều bất lợi…

Ông Hoàng Xuân Trừ - Giám đốc Khách sạn Hoa Biển - Khu nghỉ mát Diễn Thành, Diễn Châu:

Khách sạn chúng tôi hiện có 50 phòng, mỗi phòng đều phải trang bị các thiết bị điện như bóng đèn, điều hòa, ti vi, tủ lạnh… Nhu cầu sử dụng điện là rất cao, do đó chi phí về điện chiếm một phần đáng kể, dao động khoảng từ 17 - 25% giá thuê phòng. Mỗi năm khách sạn đóng thuế hơn 30 triệu đồng, ngoài ra còn rất nhiều chi phí khác như tiền lương cho nhân viên, tiền bảo dưỡng khách sạn… nên giá điện tăng tới 7,5%, khách sạn chúng tôi dự kiến sẽ chuyển đổi toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng sang bóng compac tiết kiệm điện. Tuy nhiên điều này ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan của khách sạn. Nếu tăng giá phòng để bù lỗ do giá điện thì sức cạnh tranh sẽ giảm đi rất nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của khách sạn. Do đó, đây là vấn đề “đau đầu” không chỉ riêng đối với khách sạn chúng tôi mà sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp và mỗi gia đình.

THANH QUỲNH

(Thực hiện)

Ông Nguyễn Công Hòa - Phó tổng Giám đốc Công ty CP xi măng VICEM Hoàng Mai:

Do đặc thù của ngành sản xuất xi măng là lò nung Clanhke phải hoạt động liên tục và lượng điện tiêu thụ bình quân mỗi tháng của công ty khoảng 12 triệu kWh và nếu giá điện tăng 7,5% thì mỗi tháng doanh nghiệp sẽ phải chi phí thêm khoảng 1 tỷ đồng; với chi phí đó sẽ làm tăng giá thành sản xuất Clanhke và xi măng. Hiện nay, thị trường tiêu thụ xi măng đang gặp khó khăn và nếu tăng thêm chi phí trong giá thành sản phẩm, thì ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Để đối phó với tình hình giá điện luôn có xu hướng tăng như hiện nay, công ty tập trung nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tiết kiệm điện, như: Nâng hệ số cốt pi của thiết bị máy móc; một số thiết bị không cần thiết sẽ không sử dụng điện vào giờ cao điểm; thay thế các bóng tiết kiệm điện và tăng cường quản lý việc sử dụng điện năng… Sắp tới, công ty sẽ nghiên cứu, triển khai dự án điện nhiệt khí thải theo phương pháp thu hồi nhiệt ở lò nung Clanhke…

Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Điều hành, Công ty CP Dệt kim Hoàng Thị Loan:

Từ đầu năm 2015 đến nay, công ty chúng tôi đã sản xuất hơn 3.000 tấn sợi với mỗi tháng chi trả tiền điện là 5,5 tỷ đồng, nên công tác tiết kiệm điện được doanh nghiệp rất quan tâm. Công ty vừa đầu tư gần 1 tỷ đồng để lắp hơn 2.000 đèn LED tiết kiệm điện thay thế bóng đèn huỳnh quang; sử dụng hợp lý các thiết bị, máy móc công suất lớn, tránh vào giờ cao điểm.

Sản xuất tại Công ty CP Dệt Kim Hoàng Thị Loan Ảnh: Mai Hoa
Sản xuất tại Công ty CP Dệt Kim Hoàng Thị Loan Ảnh: Mai Hoa

Thời gian qua, do thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, nên doanh nghiệp phải tìm nhiều giải pháp để sản phẩm có giá bán phù hợp và chất lượng tốt, trong khi đó giá nguyên liệu lại liên tục tăng và nhất là giá điện làm ảnh hưởng đến việc sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, giá điện tăng thêm 7,5% và như vậy công ty sẽ phải chi phí thêm cho tiền điện khoảng 420 triệu đồng/tháng và khoản chi này sẽ làm tăng giá thành sản phẩm.

Vĩnh Hoàng

(Thực hiện)

Chị Nguyễn Thị Hường (xóm 2, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu): Thời gian qua, mọi thành viên trong gia đình đều có ý thức tiết kiệm điện, luôn tắt các thiết bị khi không sử dụng nên trung bình mỗi tháng gia đình tôi chỉ tiêu thụ khoảng hơn 100 ngàn đồng tiền điện. Với mức tăng giá điện như Nhà nước đã quyết định sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân chúng tôi khi nguồn thu chỉ dựa vào củ khoai, cây lúa…

Chị Phan Thị Sơn (xóm 5, xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương): Gia đình tôi ở gần trung tâm xã nhưng điện ở đây yếu lắm, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm từ 5h chiều đến 8h tối. Bình thường chúng tôi phải nấu cơm bằng nồi điện trước 4h chiều, sau khoảng thời gian đó thì điện rất yếu, cơm không chín. Hai cháu nhà tôi học bài cũng phải tầm sau 8h vì không đủ độ sáng để học, tôi rất sợ ảnh hưởng đến mắt của các cháu. Còn để sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng hơn như máy bơm nước hay máy giặt thì thường tôi phải dùng vào lúc 5, 6h sáng hoặc đến tối muộn. Bây giờ giá điện tăng mà hạ tầng lưới điện vẫn chưa được cải thiện thế này thì ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân chúng tôi.

Phương Thảo

(Thực hiện)

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Nỗi lo khi điện, xăng tăng giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO