Nỗi lo mùa mưa bão

26/07/2013 14:53

Nghệ An là tỉnh có ngư trường rộng lớn, với đội tàu khai thác thủy sản trên 4.000 tàu thuyền và hàng trăm tàu từ các tỉnh khác đến khai thác mỗi năm. Trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, hằng năm trên biển xảy ra nhiều cơn bão, lốc xoáy gây không ít thiệt hại cho bà con ngư dân. Dù nhiều dự án tránh, trú bão đã được xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho tàu thuyền neo đậu...

(Baonghean) - Nghệ An là tỉnh có ngư trường rộng lớn, với đội tàu khai thác thủy sản trên 4.000 tàu thuyền và hàng trăm tàu từ các tỉnh khác đến khai thác mỗi năm. Trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, hằng năm trên biển xảy ra nhiều cơn bão, lốc xoáy gây không ít thiệt hại cho bà con ngư dân. Dù nhiều dự án tránh, trú bão đã được xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho tàu thuyền neo đậu...

Sau mấy ngày đi biển, ngư dân Đậu Trần Hùng ở xóm Quyết Thành, xã Diễn Bích (Diễn Châu) đưa tàu về bến Lạch Vạn neo đậu. Tàu mang biển hiệu NA90270-TC, công suất 350CV của anh Hùng được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo đảm an toàn để ra khơi mùa biển động như phao cứu sinh, bộ đàm, thiết bị định vị… Anh Đậu Trần Hùng cho biết: “Tàu cá hoạt động trên biển quanh năm phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nguy hiểm, đặc biệt vào mùa mưa bão.

Vì vậy, khi có tin báo bão, chúng tôi luôn chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của các cấp, các ngành đưa tàu vào khu trú ẩn. Nhưng do khu neo đậu chật chội, hàng trăm chiếc tàu lớn nhỏ mạnh ai nấy chen, xô đẩy lẫn nhau. Va đập, hư hỏng tàu thuyền thường xuyên xảy ra. Khó khăn nhất hiện nay là luồng lạch khu neo đậu bến Đông Kỷ quá nông do bị bồi lắng, đành phải nằm lại chờ nước lên mới di chuyển tiếp vào trong bến. Chúng tôi mong muốn Nhà nước đầu tư kinh phí nạo vét khơi thông luồng lạch Vạn, sớm hoàn thành xây dựng giai đoạn II khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân khi thiên tai xảy ra".


Bến Đông Kỷ - lạch Vạn chật, tàu thuyền vào neo đậu, trú tránh bão thường xuyên phải chen lấn, va đập vào nhau.

Ông Cao Văn Thái - Phó phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết: "Diễn Châu hiện có 1.400 tàu thuyền, bè mảng các loại, trong đó tàu từ 90CV trở lên có 108 chiếc. Cửa lạch Vạn phục vụ tàu thuyền chủ yếu cho 2 xã Diễn Bích và Diễn Ngọc. Tại bến lạch Vạn đang triển khai thực hiện dự án xây dựng khu tránh trú bão cho tàu thuyền giai đoạn II, đảm bảo cho 400 tàu neo đậu với tổng kinh phí 90 tỷ đồng, gồm các hạng mục như nạo vét các vũng neo đậu một số đoạn của lòng sông Bùng, bờ kè neo đậu tàu thuyền, xây dựng 66 trụ bê tông neo đậu... Đến thời điểm hiện tại, tiến độ thực hiện của dự án đạt khoảng 50% khối lượng nạo vét và hoàn thành 56 trụ bê tông. Trong đó giai đoạn I đã triển khai xây dựng từ năm 2009, với tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng, quy mô đáp ứng cho 500 tàu thuyền ra vào neo đậu, cỡ lớn nhất 200 CV".

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến tháng 6/2013 toàn tỉnh có 4.001 tàu thuyền các loại, trong đó tàu có công suất từ 90CV trở lên là 1.060 chiếc. Theo Quyết định 1349/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/8/2011, điều chỉnh quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Nghệ An có 5 điểm quy hoạch làm khu neo đậu tránh trú bão tập trung, bao gồm: Lạch Cờn quy mô đáp ứng cho 400 tàu thuyền, lạch Quèn: 500 chiếc, lạch Vạn: 500 chiếc, lạch Lò: 500 chiếc, lạch Thơi: 300 chiếc.

Các khu neo đậu tránh, trú bão được thiết kế chắc chắn, an toàn cho tàu có công suất từ 200- 600CV, hệ thống luồng lạch rộng, tàu thuyền ra vào thuận tiện. Căn cứ vào quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo lập và triển khai các dự án đầu tư các khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền nghề cá của từng khu vực. Có thể coi đây là tín hiệu vui cho bà con ngư dân, bởi khi các dự án được hoàn thành sẽ là nơi an toàn và tin cậy cho các tàu thuyền tập trung về tránh, trú bão.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 4 dự án được UBND tỉnh quyết định đầu tư, trong đó lạch Quèn đã triển khai xây dựng từ năm 2007 với tổng mức đầu tư 84 tỷ đồng; quy mô đáp ứng cho 500 tàu thuyền ra vào neo đậu, cỡ lớn nhất 200 CV. Lạch Cờn có quy mô đáp ứng cho 600 tàu thuyền ra vào, với tổng mức đầu tư 119 tỷ đồng, nguồn kinh phí do Chính phủ đầu tư. Lạch Vạn cũng được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn I với tổng kinh phí 32 tỷ đồng, đã hoàn thành dự án xây dựng khu neo đậu; giai đoạn II hiện cũng mới chỉ hoàn thành được khoảng 50% khối lượng công việc. Khu tránh trú bão lạch Lò do Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng số vốn 53 tỷ đồng (vốn đối ứng 12 tỷ đồng), dự kiến đầu năm 2014 mới thi công. Lạch Thơi đã được UBND tỉnh cho chủ trương lập dự án và đã thẩm định xong, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đã thoả thuận nguồn vốn, nhưng do thực hiện Nghị quyết 11 nên dự án vẫn đang nằm trên giấy, chưa được triển khai thực hiện...

Như vậy, hiện mới chỉ có khu tránh trú bão lạch Quèn, lạch Vạn cơ bản hoàn thành, với năng lực mỗi bến đáp ứng cho khoảng 500 tàu thuyền neo đậu. Song trên thực tế, tại 2 bến thường xuyên có khoảng 700- 750 phương tiện ra vào nên bến cá luôn trong tình trạng quá tải. Chưa kể mỗi khi có gió bão, tàu thuyền từ các tỉnh Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Ninh... cũng vào lưu trú, do đó, quy mô tránh trú bão so với nhu cầu vẫn chưa đáp ứng được. Mặt khác, tại các cửa lạch trên đều có cầu bắc qua sông, làm cho tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn khó lọt qua, không thể đi sâu vào trong lạch để tránh trú bão, chỉ neo đậu ở phía ngoài cửa lạch.

Theo hầu hết bà con ngư dân xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu), bến lạch Quèn phục vụ tàu thuyền cho ngư dân 4 xã Quỳnh Long, Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa, An Hòa, với hơn 700 phương tiện thường xuyên ra vào trao đổi hàng hóa đang quá tải trầm trọng, năng lực không đủ đáp ứng cho các tàu thuyền vào ra bến. Từ năm 2007 đến nay, mặc dù đã được tỉnh đầu tư nạo vét luồng lạch, xây dựng 1,2 km tuyến kè tại khu vực cửa lạch nhưng mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của ngư dân. Ngoài tình trạng quá tải, gần khu vực bến có 2 vỉa đá ngầm nằm ngay khu vực luồng nên tàu thuyền thường xuyên bị va đập, hư hỏng tài sản.

Việc xây dựng các khu neo đậu trú, tránh bão là vấn đề cần được quan tâm. Bởi đây là những công trình góp phần thúc đẩy nghề khai thác biển phát triển; giúp tàu cá có nơi trú đậu ổn định và thuận lợi khi xuất hiện mưa bão, áp thấp nhiệt đới, hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra cho ngư dân. Đồng thời bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, tạo cơ sở hình thành và phát triển các làng cá vệ tinh, cơ sở hạ tầng nghề cá; tăng hiệu quả đầu tư phát triển đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tăng cường bảo vệ quốc phòng - an ninh vùng biển.


Bài, ảnh: Ngọc Anh

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Nỗi lo mùa mưa bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO