Nỗi lo thường trực bên bờ sông Hiếu, sông Dinh

11/06/2015 08:00

(Baonghean) - Sông Hiếu đoạn đi qua xã Châu Tiến (Quỳ Châu), sông Dinh qua xã Tam Hợp (Quỳ Hợp) thời gian gần đây trở nên hung hãn hơn vào mùa mưa lũ và “ngoạm” sâu vào diện tích đất canh tác, đất thổ cư hai bên bờ, ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhân dân...

Chúng tôi tìm đến bản Minh Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu), men ra bờ sông Hiếu và chứng kiến cảnh tượng sạt lở kéo dài, có chỗ sông “ăn” sát cả vào nhà dân, có những chỗ sạt lở mái sâu 10 - 12m... Ông Đặng Ngọc Phan (55 tuổi) ở bản Minh Tiến dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, nói: “Bờ sông chỉ cách nhà chừng 6 - 7m. Gia đình tôi đã đầu tư mua rọ đá thả chống sạt lở, nhưng rồi nước lũ đã cuốn đi hết”. Sát đó là căn nhà của chị Nga chênh vênh bên mép sạt lở; chị cho hay: “Cách đây mấy năm, sạt lở đã cuốn trôi ngôi nhà của gia đình tôi xuống sông. Tôi dịch vào trong cất nhà khác ở, nhưng giờ đang nguy cơ mất nốt”.

Những ngôi nhà đúc cọc bê tông vẫn mọc lên sát bờ sông Hiếu.
Những ngôi nhà đúc cọc bê tông vẫn mọc lên sát bờ sông Hiếu.

Vào mùa mưa lũ hàng năm, nước sông Hiếu dâng cao cuộn réo đỏ ngầu, cuốn đi khá nhiều bụi tre và cây to ở sát sông. Một số gia đình phải đến nơi khác nhờ lánh nạn, nhưng cũng có những hộ dân liều mình bám trụ. Được biết sạt lở bờ sông Hiếu đoạn qua bản Minh Tiến dài khoảng gần 1 km, điểm sạt lở chỗ thấp nhất 4 - 5m, chỗ cao nhất hơn 10m. 5 năm trở lại nay bản Minh Tiến đã bị sông lấn mất gần 1 ha đất thổ cư. Hiện tại bờ sông đã ăn sát vào nhà các hộ dân, đe dọa tính mạng người dân trong mùa mưa lũ. Khi hỏi một số hộ dân là vì sao không di dời đến nơi an toàn, thì bà con cho biết chưa muốn đi do đã sinh sống ở đây hàng chục năm, ven mặt đường QL 48, gần điểm du lịch hang Bua nên dễ kinh doanh buôn bán.

Ông Nguyễn Thanh Hoài - Trưởng phòng Tài chính huyện Quỳ Châu cho biết thêm: “Bản Minh Tiến có trên 40 hộ dân sống dọc bờ sông Hiếu nằm trong tình trạng nguy hiểm do sạt lở bờ sông. Nhiều năm qua UBND huyện không cấp “bìa đỏ” cho các hộ dân ở dọc sông; đồng thời huyện, xã cũng tuyên truyền vận động, nghiêm cấm bà con xây dựng, cơi nới nhà cửa... Giải pháp đặt ra hiện nay là quy hoạch và tái định cư cho trên 40 hộ dân di dời đến nơi an toàn. Tuy nhiên, khó khăn là quỹ đất của xã hạn hẹp, kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng cho tái định cư chưa có”.

Sông Dinh, đoạn xã Tam Hợp (Quỳ Hợp) ở các xóm Quyết Tiến, Tân Mỹ, Tân Mùng, xóm Dinh, Đồng Chảo cũng bị sạt lở nham nhở. Nhà chị Hồ Thị Hai ở xóm Tân Mùng chỉ cách mép sông chưa đầy 10 mét; chị Hai lo lắng: “Đất vườn nhà tôi vốn rất rộng, vậy mà mấy năm gần đây sông “ăn” rất nhanh nay gần sát vào nhà ở, mong sao Nhà nước có giải pháp kè bờ sông để chúng tôi ổn định cuộc sống”...

Chị Hồ Thị Hai ở bản Tân Mùng (Tam Hợp, Quỳ Hợp) tại vệt sạt lở sông Dinh.
Chị Hồ Thị Hai ở bản Tân Mùng (Tam Hợp, Quỳ Hợp) tại vệt sạt lở sông Dinh.

Riêng ở xóm Tân Mùng, có trên 130 hộ dân (chủ yếu dân tộc Thổ) đang phải hứng chịu nguy cơ sạt lở mạnh nhất. Xóm bị sạt lở mất trên 20 ha đất canh tác, 10 ha đất thổ cư, có trên 30 hộ dân nằm trong tình trạng cảnh báo phải di dời. Ông Hoàng Xuân Ngư, Chủ tịch UBND xã Tam Hợp cho biết: Sạt lở kéo theo dọc bờ sông Dinh khoảng trên 3 km, toàn xã có khoảng trên 150 hộ dân thuộc diện cảnh báo nguy cơ sạt lở. Trong đó có trên 50 hộ dân nằm ở vùng đặc biệt nguy hiểm phải di dời gồm các bản Quyết Tiến, Tân Mỹ, Tân Mùng, xóm Dinh, Đồng Chảo …

Từ năm 2011 đến nay, xã chỉ mới di dời được gần 10 hộ dân đến nơi an toàn, còn lại hầu hết các hộ dân vẫn đang bám trụ ở bờ sông vì cuộc sống còn quá khó khăn không đủ tiền mua đất. Ngoài thiệt hại về đất đai, tài sản của nhân dân, sông Dinh đã xoá sổ con đường cũ 532 dài hơn 2 km. Trụ sở UBND xã vừa xây dựng mới cũng chỉ cách bờ sông Dinh trên 50m. Để đối phó với tình trạng sạt lở, những năm qua UBND xã đã huy động bà con nhân dân trồng tre, đóng cọc tre, một số điểm sạt lở nặng nhưng cũng chẳng ăn thua, cứ đến mùa lũ tất cả lại trôi xuống sông. “Từ năm 2013 đến nay, cán bộ tỉnh, huyện đã nhiều lần về khảo sát có kế hoạch kè bờ sông Dinh, tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thấy gì” - ông Ngư nói.

Nguyên nhân khiến các dòng sông trở nên hung hãn vào ùa mưa nuốt dần bãi bờ, theo người dân bức xúc phản ánh, là do tình trạng khai thác rừng và khoáng sản ồ ạt, bừa bãi phía đầu nguồn và trên lòng sông... Nhưng dẫu sao đó cũng là chuyện “đã rồi”... Vấn đề là một mùa mưa lũ nữa lại sắp đến, cán bộ và nhân dân các địa phương nói trên đang ngập nỗi lo sạt lở.

Văn Trường

Mới nhất

x
Nỗi lo thường trực bên bờ sông Hiếu, sông Dinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO