Nỗi lòng du học sinh Việt đón Tết ở nước ngoài
Nghe những trải lòng của du học sinh người Việt tại Đại học Hawaii về quê hương, gia đình, về ngày tết cổ truyền sắp đến trong một bữa ăn tối giản dị khiến chúng tôi càng trân trọng và cảm phục họ hơn.
Mặc dù lần đầu tiên đến Honolulu, thủ phủ của quần đảo Hawaii, nhưng tôi không có cảm giác xa lạ bởi sự chân tình, thân thiện của các bạn du học sinh người Việt đang học tập tại Đại học Hawai.
Anh Kim Lavane, chủ tịch hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Hawaii cho biết, sinh Việt Nam du học tại trường thời điểm 2006 - 2012 khá đông, có lúc lên đến 70 - 80 người, phần lớn theo học bổng của các Quỹ VEF, Ford Foundation, Fulbright...
Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, nhiều bạn đã về nước sau khi hoàn thành chương trình học tập, đồng thời, một số quỹ cũng chấm dứt hoặc cắt giảm học bổng nên số sinh viên hiện chưa đến 20 người, phần lớn là nghiên cứu sinh, thạc sỹ trong các lĩnh vực như công nghệ xử lý môi trường, đô thị, quản lý giáo dục, ngôn ngữ học, thư viện học...
Bữa tối giản dị của du học sinh Việt Nam tại Hawaii |
Mặc dù chỉ còn là một cộng đồng nhỏ nhưng các du học sinh Việt Nam tại đây rất gắn bó, thân thiện, vui vẻ, nhiệt huyết sẻ chia, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Mỗi người đến từ những vùng miền khác nhau nhưng có một ngôi nhà chung chan chứa tình người ở vùng đất Hawaii xinh đẹp.
Được nghe những trải lòng của họ về quê hương, gia đình, ngày tết cổ truyền sắp đến trong một bữa ăn tối giản dị ở bếp ăn tập thể của sinh viên càng khiến tôi trân trọng và cảm phục họ hơn.
Chi Diệp Kim Chi, công dân lâu năm nhất của cộng đồng đến Hawaii từ năm 2006, tiến sỹ về ngành thư viện và đang học thạc sỹ về quản lý giáo dục là người gây nhiều bất ngờ nhất bởi trông chị trẻ hơn tuổi thật của mình và con trai của chị cũng đang học thạc sỹ tại chính ngôi trường này.
8 năm đi học là cũng chừng đó thời gian một mình chị và sau đó là hai mẹ con ăn tết với nhau ở đất khách quê người. Chị kể vào những dịp Tết, cảm giác nhớ nhà, nhớ không khí Tết cổ truyền dân tộc khiến hai mẹ con rất buồn.
“Mình thích nhạc Trịnh, chỉ nghe nhạc Trịnh, nhưng nhạc Trịnh buồn lắm, nên vào những lúc nhớ nhà, nhờ người thân, đặc biệt vào những dịp lễ tết, thường không dám nghe nhạc vì sợ không cầm lòng được”.
Chị bảo, nhiều bạn gái trẻ sau khi học xong thạc sỹ hỏi chị có nên ở lại học tiếp tiến sỹ hay không, chị đều khuyên nên cân nhắc vì người phụ nữ đi học ở nước ngoài sẽ phải đánh đổi rất nhiều thứ. Đó là sự thiếu hụt, mất mát rất lớn tình cảm đối với gia đình, người thân ở trong nước, là sự day dứt về trách nhiệm của một người mẹ xa con, người vợ xa chồng, là những mất mát tuổi thơ của con trẻ khi không có mẹ bên cạnh... Những sự mất mát đó chị cảm thấy rất thấm thía từ chính cuộc đời của mình.
Tôi cảm nhận được trong lời nói của chị Chi ẩn chứa sự day dứt khi chưa làm tròn bổn phận của người vợ cho dù chính nhờ sự hy sinh đó, con trai chị được học tập và rèn luyện ở một môi trường mà nhiều người ao ước như hiện nay.
Còn anh Phùng Văn Huy, du học sinh về ngôn ngữ trẻ nhất của ngôi nhà chung, mới đến Hawaii từ tháng 8 năm ngoái theo học bổng Fulbright, lại có cảm xúc rất riêng. Huy kể, lúc mới qua, anh cũng chưa có cảm giác gì đặc biệt vì đang có sự háo hức của tuổi trẻ ở một môi trường mới. Nhưng khi đã ổn định, anh bị "rơi vào một trạng thái trầm cảm đến mức cực độ" vì nhớ vợ con và gia đình.
"Nhưng em khác với chị Chi, vẫn nghe nhạc buồn, cải lương, nhạc vàng, thậm chí cả tiếng đàn bầu réo rắt... nghe cho tới khi hết buồn thì thôi”, Huy pha trò.
Mặc dù sau này không còn rơi vào trạng thái như vậy nữa vì suốt ngày phải vùi đầu vào sách vở nhưng thỉnh thoảng trong lúc học bài, Huy vẫn có giây phút rơi vào khoảng "lặng" khi nhớ về gia đình bé nhỏ và bố mẹ.
Huy đang trải qua những ngày cuối năm của một cái Tết đầu tiên xa nhà và những khoảng "lặng" dường như ngày một nhiều hơn, không chỉ nhớ đến những người thân yêu mà là nhớ cả một không gian tinh thần mà Huy rất khó diễn tả.
Cảm giác như một sự chia ly, mất mát là những gì anh Nông Hữu Dương, người dân tộc Tày, nghiên cứu sinh về lĩnh vực đô thị nhớ lại khi chia tay người vợ mới cưới để đi du học.
Anh rất đồng tình với chị Chi khi cũng trải qua thời gian dù không dài vợ chồng con cái xa nhau mà theo anh tốt nhất là không nên để xảy ra. Vì như chính anh thổ lộ, anh rơi vào trạng thái mất cân bằng ngay từ những ngày đầu đặt chân đến Hawaii khi phải xa những người thân yêu nhất. Nhưng anh vẫn may mắn hơn chị Chi khi cuối cùng cũng có được một gia đình đầy đủ bên cạnh. Anh và gia đình nhỏ của mình đã cùng nhau đón được hai cái tết ở Hawaii. Đó là niềm vui và hạnh phúc nhất mà không gì có thể đánh đổi được. Tôi cảm nhận điều đó trong từng lời nói của anh.
Còn anh Kim Lavane, Chủ tịch hội sinh viên để lại trong tôi ấn tượng về sự chín chắn, trách nhiệm ở một góc nhìn khác ẩn sau những lời nói bông đùa thường thấy ở anh. Anh không thể hiện những cảm xúc rõ rệt như du học sinh khác nhưng tôi cảm nhận đằng sau đó là sự khao khát mãnh liệt về ngày trở về, nơi vợ anh và cô con gái từ lúc sinh ra chưa được biết mặt bố.
Tết đến hằng năm, chị Chi và các bạn du học sinh cũng tự tổ chức Tết cho mình. Cũng làm bánh chưng, bánh tét và nấu các món ăn truyền thống; cũng tổ ăn uống, biểu diễn văn nghệ và mời các giáo sư, sinh viên quốc tế đến tham dự; cũng không thiếu vài ly rượu cho đúng phong tục ngày tết.
Tết cũng là dịp để họ vơi đi nỗi nhớ nhà, quên đi bao vất vả của một năm đèn sách, để tự thưởng cho mình những phút giây thoải mái nhất. Mỗi người một hoàn cảnh riêng, có những suy nghĩ khác nhau về quê hương và ngày tết của dân tộc nhưng tôi chắc rằng họ vẫn luôn đau đáu ngày trở về để gặp gỡ những người thân yêu nhất của mình. Tôi cảm nhận rất rõ nỗi khát khao đó trong mỗi con người của họ.
Chia tay Honolulu, Hawaii trong một chiều se lạnh, lòng tôi vẫn cảm thấy ấm áp và an tâm hơn khi đất nước có những người trẻ biết vượt lên hoàn cảnh, khó khăn riêng của bản thân, gia đình và xã hội để chinh phục những đỉnh cao của tri thức nhân loại, với kỳ vọng về một tương lai tươi sáng không chỉ cho bản thân mà cho cả đất nước.
Theo VTC news