Nổi nênh một khúc sông này
Đ
(Baonghean) Đã ba thế hệ từđời ông đời cha đến đời con cùng sống phận lênh đênh. Đã từng được giúp đỡ trở về cố hương nhưng không làm sao quen được. Bao tháng năm nắng mưa cậy vào sóng nước, thuộc tôm cá từng khúc nông sâu và chứng kiến sự ra đi của những người thân trên chính dòng trôi tưởng như phẳng lặng ấy. Và thế là dắt díu nhau trở lại. Bàn tay chai sần vì kéo lưới lại đi tìm từng đoạn tre, mảnh gỗ dựng nhà. Phía bên kia, đô thị mới Vinh Tân lộ dần vẻ sầm uất, còn bên này, lác đác những mái lều mọc lại, xác xơ trong mưa gió...
"Xóm chài Quảng Bình" bên sông Cửa Tiền, Vinh Tân (TP. Vinh). Ven bờ, nơi người ta vẫn đem rác chợ Vinh ra đổ chất đống, tôi gặp lại cậu bé Tú. Tú đang mải miết bới từđống rác bốc mùi những trái đào chưa dập, chất vào xô nhựa. "Em đem vềăn, thừa thì cho bò". Chúng tôi hỏi: "Thế là mới trở lại à? Tưởng đã về quê Quảng Bình?". Tú gượng gạo: "Về quê nỏ sống được, nhà em lại quay trở lại. Bây giờ có 4 nhà quay lại rồi". Chúng tôi ngỏ ý muốn sang thăm "nhà", Tú mải miết chạy ra sông, quay mũi thuyền, rồi gọi với sang: " Cha ơi, có khách!".
Trải vội tấm chiếu trên "sàn nhà", anh Lê Văn Niên, bố Tú kéo từng người một lên khỏi thuyền, nhắc nhở: Cẩn thận, không rớt chân xuống sông! Chúng tôi ngồi trên "nhà", mấy con ngỗng bơi ngay phía dưới. Sàn nhà của anh Niên là những mảnh gỗ ghép tạm, có mảnh đã mục nát, dựng ngay trên mặt sông. Tất cả những gì ghép thành "nhà" của anh đều là đồ phế thải, anh tìm nhặt ở bãi rác hoặc được người ta quăng xuống sông.
Đồ mới nhất trong nhà anh chính là tấm ảnh Chúa và các tông đồ, cùng với bức tượng Chúa bịđóng đinh, treo ở giữa. Nơi đây, là "mái ấm" của 6 con người. Và câu chuyện của người đàn ông đen đúa, nét mặt hằn sâu khắc khổấy đã giúp chúng tôi hình dung ra quãng đời mấy chục năm của những phận người tha hương dừng chân tại đây, chọn khúc sông này mưu sinh...
Ba thế hệ, một con thuyền
Quê Quảng Minh, Quảng Trạch (Quảng Bình), anh Niên là con thứ 9 trong gia đình có 10 người con (chỉ nuôi được 7). Cha mẹ làm chài lưới trên sông Gianh, từ nhỏ, anh đã quen với sông sâu, sóng cả. Khi sinh người em út, mẹ anh qua đời. Một lũ con nhỏ dại, gặp đúng đận đói kém "đói đến ăn hết cảđọt chuối, hột mạch", người cha cầm theo một đoạn lưới và dắt díu lũ con lên tàu. Chỉ biết trên chuyến tàu chợ chạy ra hướng Bắc năm đó, anh Niên còn nhỏ xíu, đang cõng đứa em út đi xin cơm của hành khách trên tàu. "Hình nhưđó là năm 1978. Tui nhớ tàu đi mãi, đi mãi, như chính sự vô định của cha con tui. Nó còn bị trật bánh giữa đường. 2 ngày đêm, tàu dừng tại Vinh. Năm ấy, Vinh đang lụt. Cha tui quyết định xuống tàu. Và tìm đến khu vực chợ Vinh. Ông đã nhìn xuống dòng sông này, và nhìn đến đoạn lưới cầm trên tay mình. Ông là người đầu tiên lập nên làng chài tha hương này đó."
Ông Lê Văn Cửu đã chọn dòng sông Cửa Tiền để dừng chân. Ông sắm một con thuyền nhỏ, và chất cả lũ con lớn, bé trên thuyền. Nắng mưa, đau ốm cũng một con thuyền. Hàng ngày, ông chèo thuyền đi quăng chài kiếm cá. Mấy cô con gái đem cá lên chợ Vinh, ngày ấy còn chưa biết bán lấy tiền, mà đem đổi gạo ăn đắp đổi qua ngày. Trời rét, nằm quấn lấy nhau mà ngủ. Trời nóng, cậy ở gió trời, hơi nước. Vậy rồi cứ lớn dần lên. Lúc này, làng chài đông dần. Phần lớn cũng là người quê Quảng Bình, lần hồi ra khi đói kém. Cùng chung một chốn mưu sinh, đồng cảnh, gặp nhau "trên bến, dưới thuyền", "đi lưới với chắc", không ít đôi "thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau" như thế.
Nhưng chuyện vợ chồng của anh Niên lại bắt đầu từ "một cuộc rượu của hai ông già". Hai gia đình vốn thân thiết, trong một lần hai ông bố uống rượu say với nhau trên thuyền, họ hứa hẹn rồi "hất ngang" như thế (nói theo cách nói của anh Niên). Khi đó, anh Niên 19 tuổi, còn vợ anh, chị Tửu 17 tuổi. "Nhà ông ngoại cũng đông con lắm, những 11 người con với cha mẹ chất nhau trên cái thuyền nhỏ. Bọn tui chưa có ngày yêu. Cũng mới đưa nhau đi dạo trên bờđược một vài lần là... cưới, là về thuyền nhà tui ở, là chài lưới đến giờ...". Những đứa trẻ lần lượt được sinh ra trên chiếc thuyền nhỏ của đại gia đình. Từ bé, chúng đã chỉ biết có sông, nước. Chúng tự biết bơi từ nhỏ mà chẳng phải ai bày. Dòng sông thân thuộc làm bạn, cũng là cả thế giới tuổi thơ của lũ trẻ. Nó chính là chứng nhân lịch sử, nơi gói ghém mọi buồn vui của những gia đình xóm chài!
Lênh đênh phận người
Trên dòng sông này, anh Niên sinh được 4 đứa con. Chính dòng sông đã chứng kiến ngày cha anh ngã bệnh, sau đó ra đi. Cũng chính nó đã cướp đi sinh mạng 4 đứa cháu nhỏ của anh. Anh Niên với tay chỉ cho chúng tôi chỗ những đứa trẻđã vĩnh viễn ở lại. "Khúc ấy, một đứa rớt xuống vì đang tập bò. Thuyền thì quá chật, không ai kịp để ý. Hai đứa khác cũng trong hoàn cảnh tương tự. Chỉ có một đứa là rớt khi cha mẹ chúng đi bơm cát". Anh trầm mình tìm các cháu dưới lòng sông. Và anh cũng đã nhiều lần trầm mình để tìm người không may mắn chết đuối. "Tui cũng tham gia vớt đến chục xác người khi được người thân họ gọi nhờ". Cũng bàn tay anh đã cứu 3 người suýt bỏ mạng trên sông vì lật thuyền khi họ tìm cách ra giữa sông để lập lễ cúng phóng sinh.
Xóm chài "mọc lại" trên sông Cửa Tiền
Anh xòe bàn tay mình và giải thích: Đây, nước ăn bợt bạt hết cả. Những vết chai làm tay biến dạng. Bàn tay người chài lưới là như vậy đấy! Để phát hiện ra dân xóm chài, còn mấy đặc điểm "nhận dạng" nữa, ấy là gù lưng (mái vòm thuyền thấp, mái lều cũng thấp), trên lưng, nhất là bọn trẻđầy vết rạn, nổi u nổi cục (vì tựa lưng vào tấm gỗ dựng để lấy sức chèo đò). "Như thằng Tú nhà tui, lưng nổi 3 cục rạn đó. Nó biết chèo đò từ năm 5, 6 tuổi. Mà đứa mô cũng rứa, biết chèo đò từ thuở nhỏ xíu à".
Chỉ sang con gái út, tên Oanh, người nhỏ con đang ngồi rửa bát, anh Niên nói: "Nó cũng chèo thạo rồi đó. Vừa học xong lớp 1, nhưng nó biết chèo từ năm ngoái, năm tê". 4 đứa con, anh Niên đều cho theo cái chữ cảđể mong sau này bớt khổ. Ấy vậy nhưng đâu tránh được một buổi học, một buổi quăng chài. Đứa con trai lớn đang đi làm thuê trên phố, còn Tú 14 tuổi, đi thả lưới quét với bố. Đứa con gái 12 tuổi tên Hương thì đi bán cá trên chợ với mẹ. Còn đứa con gái út ở lại lều cơm nước, dọn dẹp.
Sợ nhất là những hôm mưa to gió lớn. Lều thì dột nát, lại đu đưa trong gió. Cả nhà trở dậy, bám chặt mấy cọc chống. Cũng có tới 7, 8 hộ làm ăn sung túc, đã rời xóm chài này đi. Hiện ở lại còn 4 hộ, trong đó có hộ hai ông bà già người Ninh Bình, anh Niên xem như cha mẹ nuôi. "Quần quật ngần ấy năm lo toan, chưa khá lên cũng vì con cái nhiều phen đau ốm. Như cái thằng Tú kia cũng đã từng ốm dặt ốm dẹo suốt 4 tháng trời. Cha con ôm nhau đi bộ xuống Viện Nhi. 3 lần nó được các bác sỹ cứu khỏi tay tử thần rồi đó. Qua tuổi Ωm bế, lại phải cố cho chúng đi học. Tui và mẹ nó đều mù chữ cả. Mong sao cho con cái sau này có tương lai sáng sủa hơn chăng...".
Hỏi về thu nhập, anh Niên cho hay: Mỗi ngày chài lưới cũng kiếm được dăm chục đến cao nhất là 100 ngàn đồng. Đồng tiền ấy phải chi phí vào đủ thứ: "Nặng nhất vẫn là chuyện học hành cho tụi nhỏ. Vợ chồng tui cũng chẳng nề hà gì, vất vả mấy cũng làm được để lo cho con. Mấy năm ni, tôm cá dường như cũng cạn dần. Không biết dòng sông này còn nuôi được chúng tôi bao lâu nữa. Nhưng đã hơn 30 năm cùng với nó, tui tin là vẫn còn có thể dựa vào nó mà sống được!".
Lời kết
Đã từng tìm về cố hương. "Nhưng cha mẹđâu còn. Hơn nữa, sông Gianh rộng lớn lắm, chúng tôi không có điều kiện mua phương tiện để kiếm cá như những người khác. Lại quay về khúc sông nhỏ này. Nó cũng là quê hương của lũ trẻ, là cả quãng dài đời tui. Hơn nữa, con cá nơi này cũng bám lưới hơn, con người nơi này đã cho chúng tôi chốn nương tựa". Còn niềm tin, còn hy vọng, gia đình anh Niên lại ríu rít trên chiếc lều xơ xác gió với niềm vui trông đợi mẻ lưới mỗi ngày...
Thùy Vinh