Nôi tạo nguồn cán bộ cơ sở
Năm 1946, Tỉnh ủy Nghệ An mở lớp tập huấn cán bộ đầu tiên, đặt nền móng cho sự ra đời của hệ thống các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sau này. Đến năm 1997, trường chính thức mang tên: Trường Chính trị Nghệ An. Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, trường tự hào là cái nôi đào tạo cán bộ cho tỉnh nhà...
(Baonghean.vn) Năm 1946, Tỉnh ủy Nghệ An mở lớp tập huấn cán bộ đầu tiên, đặt nền móng cho sự ra đời của hệ thống các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sau này. Đến năm 1997, trường chính thức mang tên: Trường Chính trị Nghệ An. Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, trường tự hào là cái nôi đào tạo cán bộ cho tỉnh nhà...
Ngay từ những ngày đầu thành lập, dù ở trong hoàn cảnh hết sức khó khăn: phải liên tục sơ tán nhiều nơi; cơ sở vật chất của trường thiếu thốn đủ bề, nhưng trường luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, liên tục mở lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu phục vụ kháng chiến, kiến quốc.
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho giai đoạn cách mạng mới, đặc biệt từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), tỉnh đã thành lập các trường: Trường Hành chính tỉnh, Trường Chính trị miền Tây và Trường Thanh vận Lý Tự Trọng.
Hệ thống các trường chính trị ra đời cùng với Trường Đảng của tỉnh tiếp tục sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị toàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn cách mạng mới, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965). Trong hoàn cảnh sơ tán, những mái đình, cây đa, nhà thờ họ, hội quán, thậm chí một rặng phi lao cũng trở thành "giảng đường" của một lớp học. Có nơi, trường chỉ đặt địa điểm vài tháng đã phải di chuyển, có nhiều phân hiệu phải di dời địa điểm đến hàng chục lần. Tuy vậy, việc mở lớp huấn luyện vẫn được duy trì liên tục và được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Kết quả từ năm 1965 đến 1973, trường đã đào tạo, bồi dưỡng trên 250 lớp với gần 2 vạn cán bộ chủ chốt cơ sở.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị của tỉnh được thành lập để gánh vác trọng trách, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Từ những lớp huấn luyện ngắn ngày, tập trung bồi dưỡng các chuyên đề, chuyển thành những lớp đào tạo dài ngày, có hệ thống, theo chương trình sơ cấp, trung cấp.
Ngày 3 tháng 6 năm 1993, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An ra quyết định hợp nhất Trường Đảng Trần Phú, Trường Quản lý Nhà nước, Trường Đảng tại chức, Trường trung cấp Thanh vận Lý Tự Trọng thành Trường Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ Nghệ An. Đến năm 1997, Trường được đổi tên thành Trường Chính trị Nghệ An. Phát huy truyền thống của các trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ trước đây, trường luôn bám sát mục tiêu, đối tượng, từng bước mở rộng loại hình, đa dạng hoá hình thức, đổi mới phương thức đào tạo bồi dưỡng cán bộ, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch hàng năm tỉnh giao.
Hiện nay, trường đang trực tiếp thực hiện 3 chương trình đào tạo trung cấp, 6 chương trình bồi dưỡng, liên kết với các đơn vị Trung ương đào tạo cử nhân, cao cấp chính trị, cử nhân báo chí, cử nhân hành chính... Việc mở rộng và đa dạng hoá loại hình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đã đáp ứng nhu cầu cơ bản về số lượng, từng bước chuẩn hoá đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp, nhất là cơ sở.
Trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng, trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng; cải tiến quy trình quản lý đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, nhất là khâu kiểm tra đánh giá kết quả dạy và học; tích cực đổi mới phương pháp dạy học...
Nhờ đó, chất lượng đào tạo bồi dưỡng không ngừng được nâng lên. Hầu hết cán bộ được đào tạo bồi dưỡng tại trường đều tiến bộ và trưởng thành, được đề bạt lên những chức vụ cao hơn.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong thời gian từ 2006 đến 2010, cán bộ, giảng viên nhà trường đã trực tiếp nghiên cứu và phối hợp nghiên cứu 37 đề tài khoa học, trong đó có 2 đề tài cấp tỉnh, 10 đề tài cấp trường, 25 đề tài cấp khoa; biên soạn 2 giáo trình đào tạo, 6 chương trình và tài liệu bồi dưỡng, xuất bản 3 tập kỷ yếu khoa học, phát hành 14 nội san nghiên cứu trao đổi lý luận và thực tiễn.
Đội ngũ cán bộ, giảng viên được bổ sung số lượng, trẻ hoá và được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Trong số 76 cán bộ, giảng viên của trường có 31 thạc sỹ (chiếm 60%), 40 đại học chuyên ngành, 17 giảng viên chính, chuyên viên cao cấp. Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại: hệ thống nhà cao tầng với sức chứa 400 - 500 học viên nội trú, hệ thống lớp học phục vụ 1.000 người với các phương tiện dạy học hiện đại.
Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, trường vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2006; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2011 cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen, Cờ thi đua của các cấp, các ngành...
Tự hào truyền thống 65 năm, thời gian tới, tập thể cán bộ nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn lý luận với thực tiễn, đào tạo những cán bộ có trình độ, vừa hồng vừa chuyên, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII tỉnh Đảng bộ, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Thanh Phúc