Noi theo tấm gương vì nước, vì dân

10/10/2013 17:55

(Baonghean) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người “anh Cả” của lực lượng vũ trang, vị tướng tài ba của dân tộc đã đi vào giấc ngủ ngàn thu. Tất thảy các tướng lĩnh, sỹ quan, quân nhân, quân đội cùng hàng triệu trái tim người dân Việt Nam đau đớn, hụt hẫng trước mất mát to lớn này. Tưởng nhớ người “anh Cả” kiệt xuất, lực lượng vũ trang QK4 nói chung, lực lượng vũ trang Nghệ An nói riêng đang ra sức rèn luyện, phấn đấu noi theo tấm gương vì nước, vì dân của Đại tướng.

Dấu ấn thao lược quân sự của Đại tướng ở “Liên khu 4”

Lần giở những tư liệu lưu về những cuộc làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lực lượng vũ trang QK4, bàn tay Đại tá Nguyễn Công Thành - Giám đốc Bảo tàng QK4 run run. Còn đó như nguyên vẹn những tư tưởng bao quát, chỉ đạo kịp thời của Đại tướng với mảnh đất QK4 có địa bàn khó khăn, hiểm trở, nắng gió khắc nghiệt, nhưng là “đòn gánh” của hai đầu đất nước. Trong quá trình hoạt động, Đại tướng đã có 4 chuyến về làm việc chính thức với lực lượng vũ trang QK4. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu chính trị, quân sự, lịch sử, trong 4 lần đó, đều gắn với những dấu mốc quan trọng đối với cách mạng nước ta.

Lần thứ nhất vào năm 1946, lúc đó, đất nước mới giành độc lập, Đảng, Chính phủ lâm thời và nhân dân phải đối mặt với nạn đói, “giặc dốt”, “thù trong, giặc ngoài” với rất nhiều thử thách, khó khăn. Chính thời điểm này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về làm việc với bộ đội Liên khu 4 để chuẩn bị lực lượng cho kháng chiến. Lần thứ hai, vào năm 1965, khi cả nước đang dồn sức người, sức của cho miền Nam đánh đế quốc Mỹ. Giai đoạn này, vấn đề mở đường giao thông trên chiến trận là một trong những yếu tố quan trọng, nhất là ở các tỉnh Bắc Trung bộ. Trước tình hình đó, Đại tướng đã về QK4 chỉ đạo lực lượng vũ trang tăng cường công tác xây dựng giao thông. Ngay sau đó, các tuyến đường vào trận được đẩy nhanh tiến độ, giúp bộ đội hành quân từ Bắc vào Nam thuận lợi hơn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc với QK4 năm 1978.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc với QK4 năm 1978.

Vào năm 1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về QK4 lần thứ 3. Khi đó, hiệp định Paris đang được bàn luận, trên chiến trường còn nhiều ác liệt. Đại tướng bí mật vào mặt trận Quảng Trị để động viên cán bộ, chiến sỹ vững vàng trận địa, tiếp tục tấn công trên mặt trận quân sự, đồng thời đánh giá đúng thực chất tình hình chiến sự tham mưu cho T.Ư Đảng và phục vụ đàm phán. Ngay đêm đầu vào “trận địa”, Đại tướng đã làm việc với Sư đoàn 320- Cánh Đông do đồng chí Sùng Lãm (sau này là Trung tướng - Phó Tư lệnh QK4) chỉ đạo các phương án đánh địch. Trong đêm đó, bộ đội ta đã bắn cháy 24 xe tăng của địch. Sáng sớm hôm sau, bộ đội trên chiến trường thực sự bất ngờ khi thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện vừa thăm hỏi anh em vừa nắm tình hình thực tế. Sự có mặt của Đại tướng lúc đó có giá trị vô cùng to lớn động viên bộ đội vững vàng thế trận tiến công, vượt qua sông Bến Hải, tiến vào giải phóng các tỉnh phía Nam, thống nhất đất nước. Và lần thứ 4, vào năm 1978, Đại tướng về làm việc với Bộ Tư lệnh QK4, triển khai những nhiệm vụ quân sự, quốc phòng quan trọng, trong đó có nội dung chuẩn bị lực lượng, lương thực cho cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước.

Theo phân tích của PGS.TS Nguyễn Quang Hồng - Trưởng bộ môn Lịch sử Việt Nam - Khoa Lịch sử Trường Đại học Vinh, những lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp về làm việc chính thức với lực lượng vũ trang và nhân dân QK4 thể hiện tầm chiến lược quân sự xuất sắc. “Thông qua hoạt động đó, chúng ta thấy Đại tướng đánh giá cao vai trò, vị trí về đất rộng, người đông các tỉnh QK4 trong tiến trình lịch sử dân tộc. Thực tế, sau những lần về thăm, Đại tướng đã khơi dậy được tinh thần yêu nước của quân dân quân khu, đóng góp nhân lực, tài lực, vật lực cho kháng chiến, kiến quốc, góp phần cùng quân dân cả nước đi đến thắng lợi...”. Sau này, còn có nhiều lần Đại tướng về thăm lại dải đất quân khu, ông luôn lưu ý các đơn vị vũ trang cần phát huy những lợi thế về đất và người của QK4 trong xây dựng “thế trận phòng thủ khu vực vững chắc”, “sẵn sàng chiến đấu cao”, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Một tấm gương tỏa sáng

Nhắc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân đội và nhân dân trong nước luôn kính trọng một con người tài - đức, văn - võ song toàn, còn giới quân sự các nước, kể cả những thế lực thù địch, thực sự nể phục, tôn vinh ông là một trong những vị tướng tài ba nhất thế giới. Đặc biệt hơn, Đại tướng được ngợi ca về tính nhân văn trong thao lược cầm quân của một nhà quân sự. Chiến thắng là mục tiêu nhưng phải cố gắng hạn chế thấp nhất thiệt hại, thương vong về người. “Điều này xuất phát từ một yếu tố căn bản nhất trong bản chất con người Đại tướng. Bởi ông xuất thân từ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu và cuộc chiến tranh vệ quốc chúng ta thực hiện là “chiến tranh nhân dân” với lối đánh du kích kết hợp với địch vận khôn khéo.

Đây là quan điểm và cái cốt lõi làm nên chiến thắng của dân tộc trước những kẻ thù hùng mạnh. Chính vì vậy, trong thời đại ngày nay và cả sau này, xây dựng “thế trận quốc phòng toàn dân” là “kim chỉ nam” trong đường lối quân sự. Điều này đòi hỏi lực lượng vũ trang QK4 nói riêng và toàn quốc nói chung phải không ngừng trau dồi đạo đức, gắn bó mật thiết với nhân dân, học tập theo tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tiếp tục làm tỏa sáng hình ảnh bộ đội Cụ Hồ mà Đại tướng là một điển hình tiên tiến, đẹp đẽ nhất…”, Thiếu tướng Trần Tiến Dũng - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh QK4 khẳng định.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thị sát chiến trường Quảng Trị năm 1973.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thị sát chiến trường Quảng Trị năm 1973.

Tưởng nhớ Đại tướng, lực lượng vũ trang Nghệ An tăng cường công tác tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Đại tướng đến tất cả cán bộ, chiến sỹ; phát động trong toàn lực lượng đợt thi đua cao điểm lập nhiều thành tích trong học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu từ nay (tháng 10) đến 22/12/1013. Đại tá Bùi Hoài Thanh- Chính ủy BCHQS tỉnh chia sẻ: “Tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thắp lên ngọn lửa về nghị lực, trí tuệ, đạo đức và tình yêu đất nước cho mỗi cán bộ, chiến sỹ. Chúng tôi cùng anh em từ cấp chỉ huy đến cán bộ, chiến sỹ quyết tâm biến đau thương thành hành động, thi đua lập công xuất sắc trên mọi lĩnh vực và xem đó là lẵng hoa tươi thắm dâng lên vị dũng tướng của lực lượng vũ trang… ”.

Trong những ngày qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, Trung đoàn 764 thuộc BCHQS tỉnh có nhiều hoạt động ý nghĩa như tăng cường tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương vì nước, vì dân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên các thao trường, bãi tập và hệ thống truyền thanh nội bộ đơn vị; đồng thời, phát động phong trào thi đua giành nhiều đỉnh cao quyết thắng, học tập theo nhân cách đạo đức của Đại tướng trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động dã ngoại giúp nhân dân các miền quê phát triển kinh tế-xã hội. Binh nhất Dương Nhật Linh - Chiến sỹ Trung đoàn 764 tâm sự: “Đối với em, từ hồi còn đi học, những bài học lịch sử đã làm cho em cùng các bạn thật sự kính phục tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Giờ đây, được phục vụ trong quân ngũ, tấm gương của Đại tướng càng thúc giục em vươn lên trong thực hiện nhiệm vụ cũng như sinh hoạt đời thường…”.

Tài năng trong thao lược quân sự, phẩm chất đạo đức, ý chí cách mạng của Đại tướng luôn là điểm tựa quan trọng cho mỗi một quân nhân trong bước đường quân ngũ. Soi vào tấm gương vĩ đại ấy, mỗi người đều tự thấy mình phải học tập để lớn lên…

BAN LIÊN LẠC CHIẾN SỸ ĐIỆN BIÊN HUYỆN YÊN THÀNH LẬP BÀN THỜ TƯỞNG NIỆM ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Sau khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, Ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên huyện Yên Thành đã lập bàn thờ tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay tại gia đình ông Vũ Trọng Tài- Trưởng ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên huyện Yên Thành (xóm 4 xã Tăng Thành). Tại đây, sau khi thắp hương tưởng nhớ Đại tướng, những người chiến sỹ Điện Biên năm xưa đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ mà họ là những người đã từng vinh dự gặp gỡ và làm việc dưới sự chỉ huy của Đại tướng với niềm xúc động và tiếc thương vô hạn.

Quỳnh Trang (Đài Yên Thành)

Nguyên Sơn

Noi theo tấm gương vì nước, vì dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO