Nội thuỷ và lãnh hải theo Luật Biển quốc tế có nội dung pháp lý nào?
Công ước quốc tế năm 1982 là một Hiến pháp về biển và đại dương khi đưa ra khái niệm đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải mà theo đó các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia có: nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
+ Nội thuỷ: theo Điều 8, khoản 1, Công ước 1982 định nghĩa nội thủy là "các vùng nước ở phía bên trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải". Trong vùng nội thuỷ, quốc gia thực hiện chủ quyền của mình như trên lãnh thổ đất liền. Một quốc gia có thể có nhiều vùng nội thuỷ với các chế độ pháp lý khác nhau: nội thuỷ, nội thủy trong đó quyền qua lại vô hại của tàu thuyền được tôn trọng và vùng nước lịch sử được đặt dưới chế độ nội thuỷ.
+ Lãnh hải: lần đầu tiên, lãnh hải của các quốc gia có một bề rộng thống nhất 12 hải lý (mỗi hải lý tương đương 1.850 m). Điều 2 của Công ước 1982 xác định: "Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và các vùng nội thủy tới một vùng biển tiếp giáp với chúng dưới tên gọi lãnh hải và có bề rộng không vượt quá 12 hải lý". Chủ quyền giành cho quốc gia ven biển trên lãnh hải không phải là tuyệt như trên các vùng nội thuỷ. Đi qua được coi là không gây hại chừng nào việc đi qua này không làm phương hại đến hoà bình, an ninh, trật tự hay lợi ích của quốc gia ven biển. Điều 19, Công ước 1982 đưa ra danh sách cụ thể mà tàu thuyền nước ngoài không được phép tiến hành trong vùng lãnh hải của quốc gia ven biển khi thực hiện quyền đi qua:
- Đe doạ hoặc dùng vũ lực chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của quốc gia ven biển hay dùng mọi cách khác trái với nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc.
- Luyện tập hoặc diễn tập với bất kỳ kiểu loại vũ khí nào.
- Thu thập tình báo gây thiệt hại hoặc tuyên truyền nhằm làm hại cho quốc phòng hay an ninh quốc gia ven biển.
- Phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tàu các phương tiện bay; phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tàu các phương tiện quân sự.
- Xếp hoặc dỡ hàng hoá, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu trái với các luật và quy định về hải quan, thuế khoá, y tế hoặc nhập cư của quốc gia ven biển.
- Gây ô nhiễm cố ý và nghiêm trọng, vi phạm công ước; đánh bắt hải sản; nghiên cứu hay đo đạc.
- Làm rối loạn hoạt động của mọi hệ thống giao thông liên lạc hoặc mọi trang thiết bị hay công trình khác của quốc gia ven biển; mọi hoạt động khác không trực tiếp quan hệ đến việc đi qua....
Tàu thuyền nước ngoài khi thực hiện quyền qua lại không gây hại trong lãnh hải phải tuân thủ luật pháp của quốc gia ven biển về các vấn đề trên (còn nữa).
Phòng Bạn đọc