Nơi tiếng hát vút bay
(Baonghean) - Tin Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An đạt giải cao tại “Cuộc thi nghệ thuật Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015” được đăng tải đầy ắp trên các trang mạng xã hội. Nhấc điện thoại gọi cho ca sỹ Quế Thương, cô như reo lên: “Đoàn mình đạt được 9 giải anh ơi! Trong đó có 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc...” Đúng là vui thật, ai có thể ngờ…
Cuộc thi nghệ thuật Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 không chỉ là một hoạt động biểu diễn nghệ thuật thuần túy, mà trên hết thể hiện bản sắc văn hóa các vùng, miền, những giá trị tinh thần của mỗi địa phương, trong đó các nghệ sỹ, diễn viên là nhịp cầu nối. Với thành phần 57 người, bao gồm ca sỹ, diễn viên, nhạc công... Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An mang đến cuộc thi 12 tiết mục có chủ đề “Quê mình xứ Nghệ”. Trên tổng thể hơn 70 phút, chương trình gồm có 3 phần, gồm: “Quê mình xứ Nghệ”, “Ký ức một thời” và “Bình minh quê hương”.
Giữ vai trò là chỉ đạo nghệ thuật và Tổng đạo diễn chương trình, nhạc sỹ Trịnh Văn Thuận cho biết, để đến được với cuộc thi lần này đoàn đã phải chuẩn bị 2 năm trời. Ngay từ việc hình thành ý tưởng, kết cấu chương trình, dựng bài, tìm nhạc sỹ phối khí, dàn dựng âm nhạc, đến tạo hình tượng, phục trang, đạo cụ... tất cả đều phải làm chi tiết từng bước một. Tại Thành phố Thái Nguyên – Chiến khu Việt Bắc xưa, khán giả đã không khỏi ngạc nhiên và thích thú khi được thưởng thức, được nghe những khúc hát, điệu múa chan chứa ân tình của những người con đến từ quê hương Bác Hồ. Điều đặc biệt, xuyên suốt nội dung chương trình của đoàn Nghệ An là những làn điệu sâu lắng, ngọt ngào của Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Chính điều này đã tạo sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ và thuyết phục được những khán giả khó tính nhất.
Tuy vậy, theo nhạc sỹ Trịnh Văn Thuận - Trưởng Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An, các nghệ sỹ đã phải chịu một sức ép chuyên môn vô cùng lớn khi đến với cuộc thi lần này. Bởi lẽ trong số các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tham gia tranh tài có những đoàn thực sự có “thương hiệu”. Ví dụ như: Nhà hát Tuổi trẻ Trung ương, Nhà hát Vũ kịch Trung ương, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Đoàn Nghệ thuật Quân khu I – Tổng Cục chính trị, Đoàn Nghệ thuật Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng… Điều này vừa làm nên chất lượng của cuộc thi, vừa tạo ra một cuộc đua tranh không kém quyết liệt. Thế nhưng vượt qua mọi trở ngại, đoàn nghệ thuật đến từ quê hương của dòng sông Lam, của câu hò, điệu ví đã tạo nên những điều khác biệt.
Nếu như trong tiết mục “Đêm hội khắc luống”, khán giả của “thủ đô gió ngàn” được sống trong một không gian lễ hội cổ xưa nhất, đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc Thái thuộc miền Tây Nghệ An, thì đến ca khúc “Tìm về câu ví, giặm” mọi người lại được hòa vào cái tình, cái nghĩa của một miền quê nắng nồng, chất phác. Đây cũng là 2 tiết mục được trao Huy chương Vàng tại cuộc thi. Ở tiết mục đơn ca nữ, ca sỹ Quế Thương với chất giọng ngọt ngào, tình cảm và giàu nội lực đã tiếp tục mang về cho đoàn Nghệ An thêm 1 Huy chương Vàng qua ca khúc “Lời ru nguồn cội” – một sáng tác mới của nhạc sỹ Xuân Thủy. Ca sỹ Quế Thương chia sẻ: “Món quà này em xin gửi tặng khán giả quê hương, những người đã đồng hành, dõi theo mỗi bước trưởng thành trên con đường nghệ thuật của em trong suốt thời gian qua”.
![]() |
Một tiết mục của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An tại cuộc thi. |
Nghệ sỹ ưu tú Diễm Hằng lại có một niềm hạnh phúc khác. Lần đầu tiên Diễm Hằng tham gia cuộc thi với tư cách là biên đạo múa và cũng là lần đầu tiên những tác phẩm của người nghệ sỹ trẻ này chỉ đạo, dàn dựng được bước lên bục vinh quang. Đó chính là tiết mục được trao Huy chương Vàng: “Tìm về câu ví, giặm” và Huy chương Bạc: “Đêm trăng bắt cá”. Năm 2012 Diễm Hằng được công nhận danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú và khi đó cô là diễn viên múa trẻ nhất của cả nước được trao danh hiệu cao quý này.
Theo đánh giá của Cục Nghệ thuật biểu diễn – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, chương trình của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An có kết cấu hợp lý, sáng tạo và cũng rất tinh tế. Đó là đã phản ánh được những nét bản sắc văn hóa đa dạng của quê hương Nghệ An, từ những sắc màu của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Tây cho đến sự hồn hậu, chất phác trong đời sống, sinh hoạt của cư dân bên bờ sông Lam. Chương trình là bức tranh tái hiện những chặng đường phát triển của tỉnh thuộc trung tâm Bắc Trung bộ.
Chính vì vậy, đoàn Nghệ An chỉ “chịu” xếp thứ 4 sau các đơn vị nghệ thuật trung ương. Và nói như nhạc sỹ Trịnh Văn Thuận, Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Nghệ An, điều quan trọng hơn nữa là tất cả các tiết mục của đoàn đều có tính “ứng dụng” cao trong việc biểu diễn phục vụ cộng đồng khán giả. Tại cuộc thi, Nghệ An cũng là 1 trong 2 đơn vị vinh dự được Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tặng Bằng khen vì đã tái hiện thành công chủ nghĩa anh hùng cách mạng qua tác phẩm múa: “Truông Bồn mùa hoa mua tím”. Chung niềm vui với thành công của đoàn, các nghệ sỹ - nhạc công còn có niềm hạnh phúc riêng khi được Hội Nhạc sỹ Việt Nam tặng Bằng khen vì sự chuyên nghiệp, ấn tượng trong phong cách biểu diễn.
Cuộc thi đã khép lại nhưng dư âm của nó vẫn còn vang xa. Ngay lúc này đây các nghệ sỹ, diễn viên Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An lại bắt đầu một hành trình mới. Họ đưa tiếng hát của mình đến với muôn nẻo đường trên quê hương xứ Nghệ, những nơi mà cuộc sống của người dân hãy còn nhiều thiếu thốn, đói khổ. Ở đó, tiếng hát sẽ vút bay và nụ cười sẽ ở lại.
Đào Tuấn