Nói tiếng "Thái, Ơ Đu"để nâng hiệu quả tuyên truyền
(Baonghean) - Sau gần 3 giờ đồng hồ vượt gần 80 km, chúng tôi đã có mặt tại đại bản doanh Đội xây dựng cơ sở số 4, Ban CHQS Tương Dương ở xã Nga My.
Hôm nay cán bộ, nhân viên của đội xuống cơ sở để tuyên truyền, vận động thanh niên nhập ngũ đợt 1 năm 2012, chỉ còn Trung tá Đinh Xuân Hồng, Phó đội trưởng và Thiếu tá Nguyễn Đình Tân, nhân viên ở nhà chăm sóc vườn rau. Thiếu tá Nguyễn Đình Tân ra đón chúng tôi, kèm theo câu chào "Nhăng khỏe bỏ!". Nói xong thấy chúng tôi ngơ ngác, anh mới chợt nhớ mình đang chào người lạ bằng tiếng dân tộc Thái.
Vào trong nhà, các vật dụng sinh hoạt của đơn vị đều được dán các nhãn bằng tiếng dân tộc Thái và tiếng Ơ Đu. Trung tá Đinh Xuân Hồng giải thích: "Cán bộ, nhân viên trong đội phần lớn là người dưới xuôi lên nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vì không nghe, nói được tiếng của dân bản, do đó, đòi hỏi anh em phải tự học tiếng của đồng bào để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động. Vì không có các lớp dạy tiếng dân tộc nên anh em tự học và quy định trong giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày phải nói bằng tiếng Thái và Ơ Đu".
Đội xây dựng cơ sở số 4 giúp gia đình thanh niên Lo Văn Quyền ở bản Văng Môn sửa nhà trước lúc lên đường nhập ngũ
Thiếu tá Nguyễn Đình Tân tâm sự: "Ngày mới lên đây công tác, do không biết tiếng dân tộc nên nhiều lần vào bản tuyên truyền, vận động gặp những hôm bà con lên nương chỉ còn các cụ già ở nhà đành phải quay về, vì ở đây nhiều người lớn tuổi không biết tiếng Kinh.
Thế là tôi quyết tâm học bằng được tiếng Thái và sau đó là học tiếng Ơ Đu. Cũng may trong đội có ba nhân viên người dân tộc Thái nên việc học tiếng Thái cũng tương đối thuận lợi. Ba đồng chí dân tộc Thái được anh em trong đội phong là "giáo viên ngoại ngữ". Ban ngày các anh vào bản vận động, hướng dẫn đồng bào thực hiện nếp sống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi,... tối đến, sau giờ xem thời sự, mọi người lại ngồi vào bàn đánh vần từng con chữ như học trò vỡ lòng. Phòng giao ban của đội được dùng làm lớp học, giáo viên và học trò đều là cán bộ, nhân viên trong đội. Và cứ thế bắt đầu từ những nguyên âm, phụ âm, những từ đơn giản, thông dụng, đến nay nhiều đồng chí có thể thay thế cương vị "thầy giáo". Cùng với việc tự học và học lẫn nhau, đội còn tăng cường đưa cán bộ, nhân viên xuống bản cùng làm với nhân dân để trau dồi vốn tiếng Thái của mình".
Được biết, sau khi đã nghe và nói được tiếng Thái, các anh lại tiếp tục học tiếng Ơ Đu. Ơ Đu là một trong 9 dân tộc ít người nhất cả nước nên phong tục tập quán và ngôn ngữ của họ cũng rất đặc thù. Do vậy, để học được tiếng đồng bào, cán bộ, nhân viên Đội xây dựng cơ sở số 4 phải xuống bản cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con một thời gian dài. Qua thời gian làm việc, sinh hoạt, giao tiếp với bà con, dần dần các anh đã phần nào nghe, hiểu được những câu từ thông dụng của tiếng Ơ Đu. Cũng nhờ thường xuyên bám bản, bám dân nên hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ đồng bào và việc học tiếng của anh em trong đội được nâng lên. Đến nay, hầu hết cán bộ, nhân viên của đội đều nghe và nói được tiếng Thái và Ơ Đu.
Không chỉ vậy, nhờ nghe và nói được tiếng đồng bào nên cán bộ, nhân viên Đội xây dựng cơ sở số 4 đã tạo được niềm tin, sự gần gũi với bà con. Kết quả sau 4 năm đứng chân trên địa bàn xã Nga My, cán bộ, nhân viên Đội xây dựng cơ sở số 4 đã góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự trị an và giúp bà con từng bước vươn lên thoát nghèo.
Phùng Ngọc Thăng