Nói và làm: Cải cách ì ạch vì ngại khó

04/07/2011 09:34

Càng khó khăn, quá trình cải cách càng phải được đẩy mạnh để tái cấu trúc nền kinh tế. Đó mới chính là nỗ lực lớn nhất để vượt qua những yếu kém, vươn lên trong dài hạn.

Thời điểm này, khi chính sách tiền tệ thắt chặt ngày càng phát huy tác dụng, không chỉ các DN gặp khó khăn mà các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều gánh nặng và rủi ro.

Thậm chí, đã có thời điểm có một vài ngân hàng nhỏ yếu đã bị lung lay về thanh khoản buộc Ngân hàng Nhà nước phải ra tay giúp đỡ.

Chính vì thế, khi Chính phủ tuyên bố tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ càng khiến cho giới ngân hàng trở nên lo ngại về những hậu quả xấu có thể sẽ đến gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Đã có những tiếng kêu ca, nhưng lãnh đạo cơ quan quản lý tiền tệ vẫn liên tiếp khẳng định sẽ kiên quyết và mạnh tay xử lý.


Ảnh minh họa

Động thái liên tiếp điều chỉnh thị trường ngoại hối hay xử phạt đối với các tổ chức tín dụng không đáp ứng tiêu chí về cho vay phi sản xuất đã cho thấy: có vẻ như lần này cơ quan này sẽ làm thật.

Chính vì thế, các chuyên gia lại đặt một niềm hy vọng qua đợt khó khăn sẽ là một lần sát hạch và sàng lọc các đơn vị tín dụng yếu kém... Việc mà chúng ta đã nói nhiều lần mà chưa làm được.

Năm ngoái, khi tranh cãi về Thông tư 13 nổ ra giữa một bên là cơ quan quản lý với quan điểm muốn nâng cao các tiêu chuẩn an toàn tiếp cận với yêu cầu quốc tế và một bên là các tổ chức tín dụng. Mặc dù ban đầu có cơ quan nhà nước tỏ ra kiên quyết nhưng rồi cũng tạm chấm nhận lùi bước, gác lại các mong muốn cải tổ, nâng cao tiêu chuẩn hoạt động các tổ chức tín dụng của mình do "thông cảm" với những khó khăn mà các ngân hàng kêu ca.

Và như thế, những tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn của các ngân hàng vẫn chưa thể thực thi như dự định.

Cũng trong năm ngoái, các ngân hàng trong nước phải vất vả để tăng vốn đủ 3.000 tỷ đồng theo yêu cầu. Thế nhưng, vẫn có những ngân hàng không thể hoàn thành yêu cầu mà trước đó cơ quan quản lý đã nhiều lần khẳng định sẽ thực thi cứng rắn, không nhân nhượng và xử lý nặng ai không hoàn thành.

Tuy nhiên, cuối cùng, với lý do tình hình thị trường khó khăn, việc huy động vốn không như mong muốn nên một quyết định hoãn tăng vốn thêm một năm đã được đưa ra.

Cho đến nay, đã quá nửa thời gian gia hạn thì việc tăng vốn vẫn chưa được nhắc đến. Mà thay vào đó, cả cơ quan quản lý và các ngân hàng phải che chắn trước những khó khăn của lạm phát và thặt tiền tệ. Và dường như, với tình hình khó khăn năm nay thì việc tăng vốn sẽ lại khó đúng hẹn.

Yêu cầu nâng cao năng lực, đáp ứng các tiêu chuẩn hội nhập của các ngân hàng tiếp tục chậm.

Có vẻ như, dù biết các ngân hàng Việt Nam còn rất nhiều hạn chế, yếu kém, nhưng từ việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật đến đòi hỏi cơ bản về tăng vốn đều bị dừng lại trong năm qua vì các ngân hàng không thể thực hiện được.

"Thông cảm" với khó khăn nên thay vì xử lý như tuyên bố nhiều lần trước đó thì cách dễ thấy là tạm hoãn, chưa áp dụng...

Mới đây, Tổng công ty Thép Việt Nam đã tiến hành cổ phần hóa. Tuy nhiên, việc một tổng công ty 91 cổ phần hóa đã không đủ để khuấy động sự im ắng kéo dài của quá trình này thời gian qua.

Hơn thế, thị trường chứng khoán đang tụt dốc thảm hại. Kết quả, IPO của Tổng công ty Thép không đạt kế hoạch mong đợi đã khiến nhiều người dự báo rằng, dù sắp tới có 1-2 đơn vị lớn tiếp tục IPO, nhưng đó cũng chỉ là bước cuối cùng để hoàn tất nốt một quá trình CPH đã kéo dài và chậm trễ từ nhiều năm trước đó, còn những kế hoạch mới vẫn chưa thấy khởi động.

Thực tế này cho thấy, chắc chắn, cổ phần hóa các DN lớn của Việt Nam sẽ tiếp tục trong tình trạng chậm và dừng. Tiến trình đổi mới DNNN sẽ tiếp tục bị kéo dài.

Trong nhiều lý do biện minh cho sự chậm trễ này, người ta lại nhắc đến những khó khăn của nền kinh tế, bất lợi từ thị trường chứng khoán... như một nguyên nhân bất khả kháng.

Trước tình trạng này, các chuyên gia kinh tế đã tỏ ra lo ngại bởi một loạt chương trình cải cách đã bị đình trệ khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các chuyên gia và nhiều tổ chức quốc tế lại cho rằng, không thể vì khó khăn mà ngưng trệ các nỗ lực cải cách.

Đáng ra, càng khó khăn thì quá trình cải cách càng phải được đẩy mạnh để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh. Đó mới chính là nỗ lực lớn nhất để vượt qua những yếu kém, biến khó khăn thành cơ hội để vươn lên trong dài hạn.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho rằng, trong khi phải tập trung sức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2011, chúng ta phải triển khai thực hiện những giải pháp có tính cơ bản, lâu dài để bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững. Phải khẩn trương thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và nguồn lao động chất lượng thấp sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở áp dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và kỹ năng quản lý hiện đại.

Hy vọng, tinh thần này sẽ được cụ thể hóa vào thực tiễn mà không còn bị ngưng trệ như những trường hợp trên đây để tạo ra và duy trì động lực đổi mới và phát triển đất nước.


Theo vef.vn

Mới nhất
x
Nói và làm: Cải cách ì ạch vì ngại khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO