Nói với con

21/07/2014 19:09

(Baonghean) - Trong những ngày Biển Đông dậy sóng, bố khăn gói tìm đường đến thăm con đúng vào Ngày Gia đình Việt Nam (28/6). Trưa ấy, trong bữa cơm đầm ấm yêu thương, bố đã thay mặt các gia đình có con trên con tàu KN781 nâng ly chúc sức khỏe để các con sẵn sàng ra khơi gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Gần 40 năm trong quân ngũ, gót giày bố bao lượt vẹt mòn, bàn chân bố đã đi suốt chiều dài đất nước… Nhớ ngày sinh con, bố đang hòa vào dòng thác thần tốc tiến vào Sài Gòn giành toàn thắng. Những tưởng sau hai cuộc chiến tranh, đất nước đã được sống trong hòa bình mãi mãi. Nào ngờ biên giới phía Bắc lại bất ổn. Bố cùng đồng đội lại hành quân ra biên giới phía Bắc. Do hoàn cảnh riêng, 3 tuổi con đã đi với bố theo trung đoàn. Những ngày đơn vị luyện tập con thường được các chú cho đi theo xe kéo pháo ra chơi ngoài trận địa, hái sim rừng. Những ngày đầu chuẩn bị lên Lạng Sơn con vừa tròn 5 tuổi. Chiến tranh biên giới xẩy ra. Bố gửi con trong làng Xuân Bảng rồi sau đó chú đưa về Khu gang thép Thái Nguyên sống cùng với chú.

Sáng 17/2/1979, tiếng súng gầm vang trên toàn tuyến biên giới. 35 năm rồi, bố vẫn nhớ như in cái ngày lịch sử ấy. Vào 4h sáng, từ đài quan sát Pha Chai, Tiểu đoàn trưởng Võ Thái Mai đặt ống nhòm quan sát trên tuyến Cửa khẩu Đồng Đăng quân địch đã ào qua biên giới, tiếng trống, tiếng kèn thanh la inh ỏi. Từ đài quan sát báo cáo về trung đoàn xin lệnh nổ súng. Trung đoàn báo cáo đợi lên quân khu. Trong tình thế khẩn cấp Tiểu đoàn trưởng Võ Thái Mai quyết định toàn Tiểu đoàn 23 nổ súng. 400 quả đại bác 130 li dồn dập xé nát đội hình cầm chân địch. Chiến công đầu của Trung đoàn 166 PB làm nức lòng quân dân cả nước. Khi phóng viên báo quân đội phỏng vấn đồng chí Tiểu đoàn trưởng vì sao đồng chí dám cho nổ súng khi chưa có lệnh cấp trên. Đồng chí Tiểu đoàn trưởng Võ Thái Mai nói: “Mệnh lệnh cao nhất của người lính là khi Tổ quốc bị xâm lăng, “giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh”. Trong lúc tôi cầm quyền chỉ huy một tiểu đoàn đại pháo trong tay ngồi yên nhìn quân địch tràn qua biên giới là có tội với Tổ quốc”.

Nhiều đồng đội của bố đã ngã xuống để giữ vững biên cương, máu của đồng bào, chiến sỹ đã nhuộm đỏ trên cột mốc số 0. Máu của quân địch cũng đã hòa vào dòng nước sông Kỳ Cùng chảy về hướng Tây trả về biên kia biên giới. Bố không thể quên được sự hy sinh của Trung úy Đại đội trưởng Nguyễn Tiến Quân khi nhận nhiệm vụ từ đài Pa Chai về sở chỉ huy. Trong lễ truy điệu buổi chiều hôm ấy bố đã nhìn thấy những giọt nước mắt lăn trên gò má của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong giờ phút tiễn biệt người con trai yêu quý nhất của mình. Những giọt nước mắt ấy qua ánh mặt trời lóe lên muôn ngàn tia lửa. Cả cuộc đời vị Tướng gắn với Trường Sơn huyền thoại và cả chính người con trai của ông đã dâng hiến cuộc đời để gìn giữ từng tấc đất, khoảng rừng của Tổ quốc.

Sau những ngày đó bàn chân bố lại cùng đồng đội in dấu khắp Mẫu Sơn, Lộc Bình, Đồng Đăng, Khánh Khê, Na Sầm, Thất Khê vào tận các chốt Đăng Van, Tri Phương, Quốc Khánh... Thời gian trôi đi, măng đã thành tre, con đã thành chiến sỹ kiểm ngư. Từ một người lính biển con đã được giao chỉ huy KNTS 08, KNHQ 956 nhiều năm dạn dày sương gió. Nhiều lần, con đã kể với bố, những năm qua các con đã chịu đựng bao nhiêu cơn sóng ngầm do Trung Quốc gây ra mà người lính biển phải chấp nhận hy sinh.

Con có nhớ không những ngày biên giới phía Bắc tạm yên, bố được chuyển vùng về khu IV. Suốt 4 năm bố cùng anh em công binh ra xây dựng tuyến phòng thủ đảo Mắt anh hùng. Những năm tháng ấy, kinh tế còn khó khăn, ngày nghỉ hè bố cho con ra đảo vừa đi chơi biển, vừa tìm củi khô gửi thuyền các chú đưa về đất liền cho mẹ nấu cám lợn. Những buổi chiều trên đảo, bố đã đem con đi xem các trận địa pháo Trung Quốc giúp ta xây dựng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Lúc ấy, bố đã nói cho con tại sao 3 trận địa họ giúp ta hướng bắn chính diện là khu vực Cửa Lò, Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn. Hướng phải chỉ có thể bắn đến Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Hướng trái vào Nghi Xuân, Đức Thọ. Còn các hướng bắn ra Biển Đông thì không thể bắn được? Vì vậy, đơn vị của bố mất hàng chục năm để xây dựng các trận địa ở cao điểm 200 và 3 khẩu pháo để đảo Mắt anh hùng, xứng đáng là con mắt Biển Đông trấn giữ vùng đất thiêng Nghệ - Tĩnh.

Nhận cương vị thuyền trưởng KN781 là Tổ quốc đã gọi đến tên mình. Ngày mai, tàu các con sẽ ra khơi bám giữ vùng biển quê hương thân thuộc Trường Sa – Hoàng Sa. Ở đó, những giàn khoan dầu của ta đang tỏa sáng. Ở đó, những người ngư dân chất phác hiền lành đang gom nhặt từng con cua, con cá để mưu sinh. Ở đó, những con thuyền gỗ mỏng manh chung thủy ngàn đời đang chờ đợi sự che chở bảo vệ của các con.

Mặc dù cuộc sống còn đầy rẫy khó khăn, cháu Diệp Linh mới lên 3 tuổi, vợ con chưa tìm được việc làm. Suất lương con phải sẻ làm ba. Bố mẹ già sức khỏe đã gửi lại hầu hết ở các chiến trường và các cung đường, đau yếu triền miên nhưng vẫn dành tất cả tình thương yêu cho các con. Bên con, có anh em đồng đội và lòng dân cả nước.

Con hãy xứng đáng với tình yêu của quê hương, đất nước!

Hãy xứng đáng là người con của một người lính trên quê hương Bác Hồ vĩ đại con nhé.

Tạ Quang Dư

Mới nhất
x
Nói với con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO