Nơi xuất phát của " Đoàn tàu không số"

28/04/2014 19:27

(Baonghean) - “Đoàn tàu không số” - như tên gọi của nó, từ chuyến đầu tiên cho đến khi cuộc kháng chiến kết thúc, đoàn tàu ấy và tất cả những ai có mặt trên tàu, tại các bến tàu, đã phải đối mặt với vô vàn gian khó, hiểm nguy, mất mát… Họ là bài ca bất tử về sự mưu trí, đức hy sinh, lòng dũng cảm và tinh thần chiến đấu bất khuất...

Một ngày tháng Tư rực nắng, chúng tôi về thăm Di tích Quốc gia Bến K15 – Điểm xuất phát của đường Hồ Chí Minh trên biển, tại phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng. Bến K15 là mật hiệu suốt 14 năm kháng chiến đánh Mỹ, giờ đây đã trở nên thân thuộc và là “địa chỉ đỏ” thu hút đông đảo du khách về thăm bởi đó còn là di tích gắn liền với những chiến công và đóng góp lớn lao, độc đáo về nghệ thuật quân sự của quân và dân ta.

Di tích Bến K15 - Điểm xuất phát của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Di tích Bến K15 - Điểm xuất phát của đường Hồ Chí Minh trên biển.

Về tên gọi Bến K15, “K” là ký hiệu quân sự chỉ cảng, “15” là số hiệu lấy từ số của Nghị quyết của Trung ương Đảng về đường lối và phương pháp cách mạng miền Nam tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15. Nghị quyết 15 vạch ra một nội dung cơ bản, quan trọng về đường lối chiến lược giải phóng miền Nam là: Để sự nghiệp giải phóng miền Nam đi đến thắng lợi, chúng ta buộc phải sử dụng phương pháp đấu tranh vũ trang, đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, đoàn kết toàn dân trong một cuộc cách mạng lâu dài và gian khổ. Nghị quyết Trung ương 15 được ví như ngọn đèn soi đường cho cách mạng giải phóng miền Nam ngay từ lúc mới ban hành. Để vận chuyển hàng chi viện cho miền Nam, chủ yếu là vũ khí, nhằm hiện thực hóa phương pháp đấu tranh quân sự, đấu tranh vũ trang theo tinh thần Nghị quyết 15 của Đảng, tên gọi Bến K15 đã ra đời để chỉ bến tàu của “đoàn tàu không số” tại Đồ Sơn, Hải Phòng.

Tại Bến K15, ngày 11/10/1962, một con tàu gỗ thực hiện “chuyến hàng” đầu tiên, chở 30 tấn vũ khí, sau 5 ngày trên biển đã đến căn cứ Vàm Lũng (Rạch Gốc – Cà Mau) an toàn. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng bởi nó đánh dấu khả năng thiết lập một con đường vận tải chiến lược trên biển để nối liền hai miền Nam Bắc là hoàn toàn có thể. Bến K15 vì thế đã trở thành nơi xuất phát đầu tiên và chủ yếu của “Đoàn tàu không số”. Cũng từ đó, cùng với đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, quân và dân ta có thêm đường mòn Hồ Chí Minh trên biển để thực hiện nhiệm vụ “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Nếu vận chuyển bằng đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ phải tốn khoảng thời gian trung bình là hai tháng, thì mỗi chuyến vận chuyển theo đường mòn Hồ Chí Minh trên biển chỉ khoảng trong vòng một tuần.

“Đoàn tàu không số” hay còn gọi là “Đơn vị tàu không số”, thực chất chỉ là cách gọi để nhấn mạnh tính chất bí mật, thậm chí là tuyệt mật, của bộ phận công tác vận tải hàng hóa chi viện từ miền Bắc vào miền Nam (bằng đường biển). Bởi trong thực tế tất cả các chuyến tàu đều có số hiệu riêng trong hồ sơ của đơn vị.

Về với Bến K15 trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi được nghe biết bao giai thoại, bao câu chuyện, mà thực ra có thể xem là những huyền thoại của thế kỷ 20. Đó là trong giai đoạn Bến K15 trở thành nơi tập kết hàng hóa, tất cả những ai đặt chân đến đây đều phải giữ bí mật cho đến ngày chiến tranh kết thúc. Tương tự như vậy, tất cả những ai đã đặt chân lên các “tàu không số”, đi vào các bến tàu không số đều phải nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp, hình thức “kỷ luật sắt”. Để đảm bảo tuyệt mật, các chiến sĩ khi được giao nhiệm vụ chỉ được biết là cử đi tham gia công tác đột xuất, và phải thực hiện lệnh “cấm trại” đặc biệt của chỉ huy tại các tàu, các bến cho tới ngày chiến tranh kết thúc.

Đó còn là vô số những lần mà chiến sĩ ta đã mặt đối mặt với cái chết, thi gan với kẻ địch như trường hợp chuyến tàu gỗ chở 35 tấn vũ khí của thuyền trưởng Lê Văn Một, máy trưởng Năm Sao và chính trí viên Đặng Văn Thanh bị mắc cạn ở Phước Hải (Bà Rịa), cách Đồn Phước Hải chỉ khoảng 300 m. Mặc dù theo quy định là phải phá tàu khi có tình huống bị lộ, nhưng các đồng chí Đặng Văn Thanh, Năm Sao đã tự nguyện bám trụ lại trên tàu cả ngày để đối phó với hai tình huống: Nếu bị phát hiện thì nổ tàu và hy sinh cùng với tàu, còn nếu may ra không bị phát hiện thì chờ khi triều lên sẽ liều thân tìm cách thoát hiểm.

Bị máy bay địch vờn dọa nhiều lần, nhưng hai đồng chí vẫn giả dạng như ngư dân ngồi trên tàu bình thản, khi thì đưa rượu ra uống, khi thì đưa lưới ra vá, khi thì đưa cờ ra đánh… Việc thi gan suốt một ngày trời đã khiến kẻ địch hết nghi ngờ và chuyến tàu đã thoát hiểm. Những con người anh hùng vô song ấy, trong những khoảnh khoắc cam go gian khó, vì quý từng khẩu súng hòn đạn, vì quý từng giọt mồ hôi, giọt máu đã rơi trên đường vận chuyển hết sức gian nan, vì cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam phía trước, mà bất tuân thượng lệnh, bất chấp hy sinh, lách qua “khe cửa hẹp” giữa sống và chết để bám tàu giữ hàng… là một trong vô số những hành động mà quân ta đã trải qua để giữ được huyết mạch giao thông trên biển.

Với các chiến sĩ trên tàu, mỗi lần nhận nhiệm vụ chở hàng thực sự là một lần “vào sinh ra tử”. Các “tàu không số” phải luồn lách, ngụy trang để đi qua nhiều vùng kiểm soát của địch, luôn phải đặt trong nguy cơ bị phát hiện, phải chiến đấu, hy sinh. Trên mỗi “tàu không số” luôn chuẩn bị sẵn một khối thuốc nổ từ 500 kg - 1.000 kg, nếu bị phát hiện và không thể chạy thoát, chỉ huy tàu nhất quyết phải đánh thuốc nổ để phá tàu, để tàu và vũ khí không rơi vào kẻ địch, quan trọng hơn là để phá hết dấu vết, không để lộ bí mật.

Gọi là “đoàn tàu không số” còn là bởi phần lớn các hồ sơ, hải trình, thông tin… ngay sau mỗi chuyến đi buộc phải hủy toàn bộ để không để bất kỳ một số liệu, dữ liệu nào có nguy cơ lọt, lộ.

Chính vì giữ được “kỷ luật sắt” và tinh thần thép, chúng ta đã lập nên kỳ tích hào hùng là duy trì “mạch máu giao thông trên biển” cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Suốt 14 năm (1961-1975), “Đoàn tàu không số” đã thực hiện được 1.879 lượt chuyến tàu vận tải, vận chuyển được 152.876 tấn vũ khí, đạn dược, 80.026 lượt người, đi qua 3.758.000 hải lý trên đường Hồ Chí Minh xuyên biển Đông. “Đoàn tàu không số” đã phải đối mặt chiến đấu với 300 lượt chiếc tàu địch, 1.200 lượt chiếc máy bay, bắn chìm và bắn bị thương 10 tàu, bắn rơi 5 máy bay và bắn bị thương nhiều chiếc khác, tiêu diệt hàng trăm sinh lực địch, vượt qua hơn 20 cơn bão để vận chuyển vũ khí, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Bài, ảnh: Ngô Kiên

Mới nhất
x
Nơi xuất phát của " Đoàn tàu không số"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO