Nơi xuất phát những con tàu Không số

20/10/2011 09:58

Đồ Sơn những ngày cuối thu, bầu trời như trong xanh hơn, rừng thông xanh mướt mát và tiếng sóng biển rì rào. Dưới chân đồi Nghinh Phong là Bến tàu Không số K15- nơi xuất phát của những con tàu không số chở hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, vừa được Bộ văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

(Baonghean) - Đồ Sơn những ngày cuối thu, bầu trời như trong xanh hơn, rừng thông xanh mướt mát và tiếng sóng biển rì rào. Dưới chân đồi Nghinh Phong là Bến tàu Không số K15- nơi xuất phát của những con tàu không số chở hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, vừa được Bộ văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, năm 1959 Quân đội ta đã thành lập hai đường vận chuyển chiến lược nhằm chi viện sức người sức của cho đồng bào và chiến sỹ miền Nam, một trên bộ vượt núi Trường Sơn và một trên biển xuyên biển Đông.

Tượng đài Di tích đường Hồ Chí Minh trên biển tại Đồ Sơn, Hải Phòng

Tháng 10 – 1961, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn 759, đoàn vận tải thủy có nhiệm vụ chở hàng chi viện cho miền Nam bằng đường biển. Bắt đầu từ đây, cán bộ, chiến sỹ Đoàn 759 với những chiến công hiển hách, việc làm phi thường đã làm nên con đường huyền thoại mang tên Bác, kỳ tích có một không hai trong lịch sử dân tộc.


Ông Tô Hải Nam- Chiến sỹ phục vụ tại Bến tàu Không số K15 hồi tưởng lại những năm tháng hào hùng.

Cũng bắt đầu từ đây xuất hiện những con tàu không số lúc ẩn lúc hiện như thần thoại. Trang nhật ký vận chuyển vào thời điểm quan trọng còn ghi: “K15 (nằm ở đầu bán đảo Đồ Sơn) đã chứng kiến chiếc tàu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí rời bến lên đường đi Cà Mau. Ngày 16/10/1962, con tàu cập bến thành công tại Vàm Lũng (Cà Mau). Tiếp đó, đội tàu số 2, rồi số 3 và hàng trăm lượt tàu xuất phát từ địa điểm này, chở không biết bao nhiêu hàng hóa, vũ khí chi viện cho miền Nam ruột thịt, đánh giặc thắng lợi, góp phần vào chiến thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất nước nhà.”

Đến Đồ Sơn lần này, chúng tôi may mắn được gặp ông Tô Hải Nam, nguyên đại tá, Tổng biên tập Báo Hải Quân, hiện là Phó giám đốc Resort Hòn Dấu. Người lính từng tham gia phục vụ trên các chuyến tàu không số từ năm 1972-1975 kể lại: “Ngày đó, tôi viết đơn tình nguyện bằng máu xin đi làm nhiệm vụ và được phân công vận chuyển hàng lên tàu.

Dấu tích ở bến tàu không số K15.

Lúc đó cũng chỉ biết là chuyển hàng lên tàu thôi, chứ không biết là hàng gì, vận chuyển đi đâu, mục đích gì. Tất cả đều bí mật, bí mật tuyệt đối. Tàu nhận hàng vào lúc nửa đêm, trong một khoảng thời gian rất ngắn. Những lúc đó, các chiến sỹ trên tàu phải làm việc gấp đôi, gấp ba bình thường... Bom đạn giặc bắn phá, những trận cuồng phong, biển càng động, sóng càng to thì những chuyến tàu càng hoạt động tích cực để che mắt địch. Chúng tôi xác định, mình nằm trong đội quân cảm tử, nên không nề hà bất kỳ gian nguy nào. Mãi sau này, tôi mới biết mình được làm nhiệm vụ trên những chuyến tàu không số anh hùng, lúc đó thấy thật hãnh diện, tự hào.”

Hiện nay, ở bán đảo Đồ Sơn, ở thung lũng Xanh dưới chân đồi Nghinh Phong, tượng đài kỷ niệm di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển lồng lộng và trang trọng giữa mây trời. Đây là công trình được xây dựng và hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Hải Phòng. Giữa màu xanh của núi đồi Đồ Sơn, trong tiếng rì rào của sóng biển, di tích K15 là biểu tượng anh hùng ca ngợi lòng quả cảm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc của cán bộ chiến sỹ trên những con tàu không số năm xưa. Hiện, K15 còn lại những cột bê tông trường tồn như nốt nhạc của bài ca đi cùng năm tháng, khắc ghi chiến công chói lọi, đánh dấu trang sử hào hùng của quân đội ta. Và đúng vào ngày 23/10 năm nay, đây là 1 trong 8 điểm cầu truyền hình trực tiếp dịp kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển.


Thanh Phúc

Mới nhất
x
Nơi xuất phát những con tàu Không số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO