Nồng ấm Đêm thơ Nguyên Tiêu tại Nga

16/02/2014 17:52

Nhiều thế hệ các nhà Việt Nam học tại Nga say sưa với những câu thơ thấm đượm tình cảm quê hương, đất nước.

Chiều tối 14/2, đúng ngày Rằm tháng Giêng năm Giáp Ngọ, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga tổ chức Đêm thơ Nguyên Tiêu. Hội tụ về đây không chỉ là những người Việt Nam xa xứ mà còn rất nhiều những người bạn Nga và rất nhiều sinh viên Nga đang học tiếng Việt tại nhiều trường đại học của LB Nga. Đây chính là điều làm nên nét đặc biệt của Đêm thơ Nguyên Tiêu tại LB Nga lần thứ 16 này.

Nhiều người bạn Nga đến tham dự Đêm thơ Nguyên Tiêu 2014
Nhiều người bạn Nga đến tham dự Đêm thơ Nguyên Tiêu 2014

“Quê hương là gì hả mẹ/Mà cô giáo dạy phải yêu/Quê hương là gì hả mẹ/Ai đi xa cũng nhớ nhiều/... Quê hương là con diều biếc/Tuổi thơ con thả trên đồng/Quê hương là con đò nhỏ/Êm đềm khua nước ven sông...”

Những câu thơ thấm đượm tình cảm quê hương được thể hiện qua các giọng đọc của những nhà Việt Nam học trẻ trung và dù chưa thật sõi, thật chuẩn... thì tình cảm các em gửi vào những vần thơ vẫn rất thật.

Là nơi có sáng kiến tổ chức Đêm thơ Nguyên Tiêu sớm nhất (từ năm 1994), những Đêm thơ Nguyên tiêu tại LB Nga được duy trì đều đặn hàng năm đã ngày càng thu hút sự quan tâm và hưởng ứng của nhiều nhà thơ chuyên và không chuyên trong cộng đồng Việt Nam tại LB Nga và cả những người bạn Nga biết tiếng Việt, yêu văn hóa, văn học Việt Nam.

Phát biểu chào mừng các vị khách quý và nói về ý nghĩa quan trọng của một hoạt động rất được mọi người yêu thích này, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại LB Nga Phạm Xuân Sơn nhấn mạnh: “Hôm nay là ngày hội thơ, tôi muốn khẳng định rằng, trong mối quan hệ giữa Việt Nam và LB Nga, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và cả văn học đóng vai trò rất quan trọng. Chính nền văn học Nga, văn học Xô-viết đã có sức mạnh đặc biệt và ảnh hưởng to lớn tới nhiều thế hệ người Việt Nam. Chính nền văn học Nga, văn học Xô-viết đã và đang trang bị cho chúng ta những nền tảng tinh thần vô giá, giúp chúng ta hiểu nhau hơn, yêu quý nhau hơn và nhờ đó giúp củng cố quan hệ hữu nghị anh em giữa hai nước chúng ta”.

Đại sứ Phạm Xuân Sơn phát biểu tại Đêm thơ Nguyên Tiêu

Cả khán phòng của Đại sứ quán Việt Nam kín chỗ và tất cả lại cùng say sưa thưởng thức những áng thơ hay của nhiều nhà thơ tên tuổi trong nền thi ca Nga và Việt Nam bằng cả hai thứ tiếng, sau bài giới thiệu ý nghĩa Tết Nguyên tiêu và Ngày thơ Việt Nam của nhà thơ Châu Hồng Thuỷ. Nhà Việt Nam học Evghenhi Kobelev đã đọc bài thơ “Nguyên Tiêu” và “Vọng nguyệt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trích trong tập “Nhật ký trong tù” cả lời Việt lẫn bản dịch sang tiếng Nga bằng chất giọng trầm ấm: “Trong tù không rượu cũng không hoa/Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ/Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.

Nhà thơ Huy Hoàng, Nguyễn Quốc Hùng từng được nhiều người trong cộng đồng Việt Nam tại LB Nga biết đến bởi những bài thơ hay được sáng tác hoặc chuyển ngữ từ tiếng Nga sang tiếng Việt đã đọc tác phẩm thơ nổi tiếng của Nga “Cánh buồm” của Lermontov, “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ và những bài thơ mới như “Kỷ niệm” và “Cho mỗi ngày”.

Các nhà Việt Nam học trẻ tuổi thể hiện bài thơ "Quê hương"

Ông Vladimir Ivanov, một nhà Việt Nam học cao niên nhất hiện nay ở Nga (đã 90 tuổi), là đồng tác giả của bộ từ điển Nga – Việt 2 tập, lần đầu tiên tham dự đêm thơ “Nguyên Tiêu” rất xúc động và đã đọc tặng các bạn trẻ những bài thơ do chính ông sáng tác: một là bài ông viết cách đây đã ngót 60 năm, khi ông lần đầu tiên sang Việt Nam công tác ở đảo Cát Bà và bài thơ ông viết khi thế giới bước vào năm “Con Ngựa” từ cách đây 24 năm. Tình cảm của ông như một lời khích lệ tinh thần học tập, nghiên cứu về Việt Nam của thế hệ các nhà Việt Nam học hôm nay.

Các nhà thơ cộng đồng như Đỗ Thị Hoa Lý, Nguyễn Khắc Thành cũng “lặn lội” từ nhiều vùng miền xa xôi của nước Nga và cả từ Ucraina đến với đêm thơ và đã nhận được sự tán thưởng của khán giả Việt và Nga khi trình bày những sáng tác của mình và những bài thơ hay của Nga. Nhiều người bạn Nga dù không học tiếng Việt nhưng yêu mến Việt Nam hoặc làm công tác liên quan đến Việt Nam cũng đã tham gia đọc thơ. Đặc biệt, ông Viatreslav Slezko, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga – Việt của Trường Đại học Tổng hợp Sinnherghia đã đọc tặng bài thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông viết khi nghe tin Đại tướng qua đời.

Câc đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Cũng nhân dịp này, Ban Tiếng Việt của Đài Tiếng nói Nước Nga đã công bố giải thưởng của cuộc thi viết “Nước Nga trong trái tim tôi” phát động trong năm 2013 vừa qua, dành cho những người Việt Nam đã từng hoặc đang học tập, công tác tại LB Nga, có tình cảm sâu nặng với nước Nga. Kết quả là 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải ba và 3 giải khuyến khích.

Tham dự và hết sức thán phục tâm hồn, tình cảm của những người bạn Việt Nam, bà Tamara Pletnheva, Phó Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Dân tộc của Hạ viện LB Nga phát biểu cuối cùng, nhấn mạnh: “Thực sự là tôi đã ngồi nghe và bị cuốn hút rất mạnh. Tôi biết và hiểu về Việt Nam rất ít. Bởi vậy, đối với tôi, hôm nay là “ngày mở mang”. Tôi vẫn biết rằng, người Việt Nam là những người rất yêu lao động, sống rất trật tự, rất nhân hậu, rất dũng cảm... nhưng tôi không hề biết rằng, họ có tinh thần dân tộc rất cao, họ rất có tài và thật nhạy cảm. Và bây giờ, thưa các bạn, khi thời gian tới, Quốc hội chúng tôi có chuyến thăm Việt Nam thì nhất định tôi sẽ tham gia và sang Việt Nam để tận mắt thấy cuộc sống thế nào, mặc dù tôi đã được nghe nhiều người đi về ca ngợi. Tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình để giải quyết những vấn đề mà rất nhiều người Việt Nam ở LB Nga mong mỏi”.

Đêm Thơ Nguyên Tiêu tại LB Nga kết thúc trong một dư vị vô cùng ngọt ngào của cả những vần thơ, những bài hát và nhiều hơn tất cả là những tình cảm lắng đọng của những người bạn Nga và Việt Nam trước cái hay, cái đẹp và cùng hướng đến những hoạt động đầy nhân văn này./.

Theo VOV.VN

Mới nhất

x
Nồng ấm Đêm thơ Nguyên Tiêu tại Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO