"Nóng" cháy nổ mùa cao điểm

05/05/2015 10:04

(Baonghean) - Mùa nắng nóng bắt đầu, kéo theo đó là nguy cơ về cháy nổ cao. Đặc biệt là tại các chợ và các điểm du lịch. Do đó, công tác phòng, chống cháy nổ ở các “điểm nóng” này cần được quan tâm đặc biệt…

Những điểm “nóng”

Là trung tâm kinh tế, thương mại của cả tỉnh nên TP. Vinh là nơi tập trung nhiều nhất các chợ, với hơn 20 chợ lớn, nhỏ. Ở hầu hết các chợ, công tác PCCC đang bị xem nhẹ. Nằm ở ngã tư đường Nguyễn Văn Trỗi - Lê Duẩn, gần Đại học Vinh, chợ Bến Thủy (hay còn gọi là chợ Đại học) thu hút rất đông khách đến mua sắm. Ngoài các gian hàng thực phẩm, trong chợ có một số lượng khá lớn các gian hàng vải vóc, quần áo. Để hút khách hàng, các tiểu thương không ngần ngại cơi nới mái che, bày hàng tràn ra cả lối đi lại. Nhiều gian hàng, chủ kinh doanh dường như phớt lờ các quy định về an toàn PCCC, căng dây điện chằng chịt để treo bóng điện, nối ổ cắm... Một số tiểu thương chủ quan, không trang bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện PCCC. Cả chợ chỉ có một bể chứa nước thể tích 70m3, 3 họng cứu hỏa, 6 vòi nước, 36 bình chữa cháy. Trong lúc đó, theo quy định, mỗi hộ kinh doanh phải trang bị ít nhất 1 bình cứu hỏa.

Dây điện thắp sáng chằng chịt do mắc sai quy định ở chợ Nghi Trung (Nghi Lộc).
Dây điện thắp sáng chằng chịt do mắc sai quy định ở chợ Nghi Trung (Nghi Lộc).

Là trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh, chợ Vinh là nơi tập trung gần 2.900 hộ kinh doanh với đa dạng các loại hàng hóa, trong đó có nhiều mặt hàng như vàng mã, vải vóc, các thiết bị điện… Từ sau vụ cháy lớn năm 2011, BQL chợ Vinh đã đặc biệt quan tâm tới công tác phòng, chống cháy nổ.

Ông Tô Thanh Nhân - Trưởng Ban Quản lý chợ Vinh cho biết: "Hiện nay, chợ Vinh có 3 đội PCCC cơ sở, gồm 1 đội trực ngày và 2 đội trực đêm. Chợ cũng đầu tư, mua sắm nhiều trang thiết bị phục vụ công tác PCCC như bể nước dự trữ 600m3, 7 máy bơm chữa cháy, máy phát điện 275 KVA phục vụ máy bơm chữa cháy tự động khi hệ thống điện lưới bị mất, trang bị 40 họng nước vách tường, 360 bình bột, đặt 200 thùng nước xen kẽ dọc khu vực các hộ buôn bán hàng mã, hàng dễ cháy tại khu vực phía Đông… Điều đáng lo ngại là nhiều tiểu thương chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC. Hiện nay, khu vực phía Đông và phía Tây của chợ, đường đi lại rất chật hẹp, tiểu thương thường xuyên bày hàng hóa choán lối đi, tại các quầy hàng như vải vóc, hàng mã, người dân căng bạt, kéo điện khá lộn xộn...”.

Không chỉ các chợ trên địa bàn TP.Vinh mà ở các chợ nông thôn, công tác phòng chống cháy nổ cũng chưa được coi trọng. Ví như chợ Nghi Trung do UBND xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc quản lý có tổng diện tích 3000m2 với gần 70 hộ kinh doanh. Chợ có 1 đình chính, các dãy ki-ốt được xây dựng bằng khung thép, tường gạch, mái lợp ngói prô-xi-măng. Trong các gian hàng tồn trữ nhiều chất nguy hiểm dễ gây cháy như: hàng mã, vải vóc, giấy và thiết bị điện... Một số quầy hàng ăn uống sử dụng lửa và kinh doanh vải vóc, hàng mã lại sắp xếp gần nhau. Hệ thống các thiết bị điện, dây điện, công tơ, ổ cắm, quạt, đèn chiếu sáng… lắp tự phát, ẩn chứa nhiều nguy cơ gây hỏa hoạn.

Việc trang bị hệ thống phòng, chữa cháy ở các chợ nông thôn dường như chưa hề được quan tâm đúng mức khi không có hộ kinh doanh nào trang bị bình cứu hỏa cũng như các thiết bị cứu hỏa khác như xô nước, câu liêm… Mùa nắng nóng cũng chính là thời gian cao điểm của mùa du lịch. Do đó, việc đảm bảo an toàn PCCN ở các điểm thăm quan, các khu di tích, khu nghỉ dưỡng được đặc biệt quan tâm. Đô thị du lịch biển Cửa Lò hiện có 275 cơ sở lưu trú, gần 300 cơ sở kinh doanh ăn uống và hệ thống cảng biển, kho bãi. Hàng năm, TX. Cửa Lò đón trên 2 triệu lượt khách đến nghỉ dưỡng, nguồn điện sử dụng lớn… do đó nguy cơ cháy nổ rất cao.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần chục vụ cháy chợ. Năm 2006 là các vụ cháy ở chợ Mường Xén (Kỳ Sơn), chợ Sa Nam (Nam Đàn); năm 2007 ở chợ Quán Lau (TP. Vinh), chợ Vinh; năm 2011 là các vụ cháy chợ Vinh, chợ Vân (Quỳnh Lưu), chợ Mường Xén, chợ Hưng Dũng (TP. Vinh); năm 2012 là chợ Mường Xén và vụ cháy chợ gần đây nhất là cháy chợ Tuần (Quỳnh Lưu) vào tháng 9/2014.

Hầu hết các vụ cháy chợ trên địa bàn tỉnh đều gây thiệt hại nặng nề, từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng, đặc biệt vụ cháy chợ Vinh vào tháng 6/2011 đã thiêu rụi hơn 120 gian hàng, thiệt hại ước tính hơn 10 tỷ đồng. Qua điều tra của các cơ quan chức năng, nguyên nhân của các vụ cháy nói trên, trước hết, là do sự bất cẩn của con người trong quản lý, sử dụng điện, trong sản xuất, kinh doanh liên quan đến lửa và vật liệu dễ bắt lửa, trong sử dụng bếp ăn và thắp hương, hóa vàng, hút thuốc lá. Mặt khác, lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động không hiệu quả, báo cháy chậm, không linh hoạt xử lý sự cố ngay từ đầu, để thời gian cháy tự do kéo dài...

Các quầy hàng quần áo choán hết lối đi ở chợ Bến Thủy (TP. Vinh).
Các quầy hàng quần áo choán hết lối đi ở chợ Bến Thủy (TP. Vinh).

Đại tá Lê Xuân Hoài, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC - Cứu hộ, cứu nạn tỉnh cho biết: “Ngoài sự thiếu ý thức, kiến thức PCCC của người dân, người kinh doanh buôn bán trong chợ, thì điều đáng nói là nhiều cơ quan chủ quản, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC, thiếu sự quan tâm hoặc coi nhẹ công tác PCCC, thậm chí cố tình vi phạm quy định về PCCC, có thái độ phó mặc cho lực lượng Cảnh sát PCCC.

Công tác PCCC rất quan trọng đối với các chợ, nhưng còn tới hơn 60% số chợ tạm không bảo đảm an toàn về PCCC, có tới hơn 90% số chợ đang hoạt động nhưng chưa được cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt về PCCC, nhất là những chợ, trung tâm thương mại xây dựng trước năm 2000. Ngoài ra, chỉ có hơn 20 chợ được trang bị máy bơm chữa cháy chuyên dùng, còn lại đều thiếu thiết bị chữa cháy thông dụng, nguồn nước phục vụ chữa cháy không đáp ứng được yêu cầu. Không chỉ phương tiện, lực lượng tại chỗ vừa thiếu, vừa yếu, hầu hết các chợ đều ở trong tình trạng quá tải về số lượng quầy hàng và khối lượng hàng hóa, tận dụng tối đa mặt bằng nên không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC”.

Hàng năm, lực lượng cảnh sát PCCC đều phối hợp với BQL các chợ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn phòng cháy, chữa cháy cho tiểu thương ở các chợ. Tuy nhiên, để ngăn chặn nguy cơ cháy nổ ở các chợ, không để “mất bò mới lo làm chuồng”, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước mắt, các ngành chức năng của tỉnh khẩn trương rà soát lại việc quy hoạch các chợ để giảm tình trạng tạm bợ, xây dựng các chợ mới có thẩm duyệt về PCCC; tăng cường kiểm tra công tác an toàn tại các chợ trọng điểm có nguy cơ cháy cao; chú trọng công tác phòng cháy và giáo dục ý thức phòng cháy cho các hộ kinh doanh tại các chợ và đông đảo quần chúng nhân dân.

Các ban quản lý chợ cần thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền cho các tiểu thương thấy được việc PCCC là trách nhiệm không của riêng ai; đồng thời rà soát, kiểm tra, sắp xếp lại, không để hàng hóa dễ cháy ở khu vực gần nguồn lửa, bố trí các quán ăn có đun nấu ở khu vực xa hàng hóa dễ bén lửa; đầu tư lắp đặt thay thế những đường điện đã cũ nát; tăng cường nhắc nhở và xử lý nghiêm những hộ kinh doanh bất cẩn trong việc sử dụng điện thắp sáng, đun nấu, câu mắc điện tràn lan, thắp hương, đốt vàng mã trong khu vực chợ, bán hàng xâm phạm lối đi, hành lang thoát hiểm phục vụ phòng cháy, chữa cháy…

Bên cạnh đó, cần tăng cường biên chế và hoạt động của lực lượng chữa cháy tại chỗ, yêu cầu lực lượng này ứng trực thường xuyên cả ngày lẫn đêm tại các chợ, làm tốt nhiệm vụ theo dõi, phòng cháy, báo cháy, kịp thời xử lý đám cháy khi mới phát sinh, tránh cháy lan, cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Và trên hết, việc các hộ kinh doanh và người tham gia mua bán phải thấy rõ việc thực hiện tốt công tác PCCC là tự bảo vệ mình và phải tự giác thực hiện các quy định, nội quy an toàn PCCC ở chợ; mỗi sạp kinh doanh cần tự trang bị bình chữa cháy xách tay, nước... để khi xảy ra cháy thì có phương tiện để chữa cháy kịp thời.

Minh Quân - Thanh Sơn

Mới nhất
x
"Nóng" cháy nổ mùa cao điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO