Nông dân cung cấp 20.000 tấn khoai tây/năm phục vụ sản xuất bánh snack
(Baonghean.vn) - Trong suốt 18 năm đồng hành, chương trình ký kết hợp tác chiến lược toàn diện cùng Viện Sinh học nông nghiệp (IAB) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, là lời khẳng định mạnh mẽ của Orion đối với định hướng đầu tư vào việc phát triển khoai tây bền vững tại Việt Nam.
Ngày 25/1, Orion Vina đã thực hiện chương trình lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện cùng Viện Sinh học nông nghiệp (IAB) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Tham dự buổi lễ có các ông: Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Nguyễn Xuân Trường - Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp; Park Se Yeol - Tổng Giám đốc Orion Việt Nam; Yang Jin Han - Phó Tổng Giám đốc khối sản xuất; Jeong Jong Yeon - Phó Tổng Giám đốc khối Marketing; Jung Mun Kyo - Giám đốc Nông nghiệp; Park Sun Ho - Phó Tổng Giám đốc khối bán hàng; bà Vũ Thị Thúy Hương - Giám đốc điều hành nhà máy Yên Phong, cùng các đại diện khác.
Tại sự kiện, ông Park Se Yeol đã bày tỏ sự vui mừng cho hợp tác chiến lược toàn diện lần này của Orion và IAB. Từ ngày khởi phát sự hợp tác lần đầu tiên vào năm 2007, cả hai bên đã cùng nhau nghiên cứu và cho ra các loại giống khoai tây chất lượng.
Khoai tây tươi là nguyên liệu chính được Orion sử dụng trong sản phẩm snack O’Star và Swing. Nhờ vào chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu chất lượng tại địa phương, Orion đã chinh phục thị trường và trở thành doanh nghiệp sản xuất bánh snack khoai tây số 1 tại Việt Nam.
Chia sẻ về định hướng hợp tác và đầu tư, ông Jung Mun Kyo - Giám đốc Nông nghiệp ORION Việt Nam cho biết: “Sự hợp tác giữa Orion và INAB là một mô hình đại diện cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ sở nghiên cứu khoa học. Suốt 18 năm đồng hành, chúng tôi đã cùng với INAB phát triển các loại giống chất lượng. Bên cạnh đó, Viện cũng đã hỗ trợ Orion rất nhiều trong việc kết nối với các hợp tác xã và phát triển hơn 900ha trồng khoai tây tại miền Bắc Việt Nam, tư vấn kỹ thuật canh tác cùng nhiều hỗ trợ khác. INAB là viện nghiên cứu khoai tây đi đầu tại Việt Nam, và sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai.
Thông qua sự kiện ký kết này, chúng tôi mong muốn một lần nữa thể hiện sự thiện chí, chân thành, và cam kết mạnh mẽ trong dự án khoai tây quê hương, gia tăng sản lượng khoai tây chất lượng tại Việt Nam và góp phần gia tăng thu nhập cho nông dân”.
Ký kết hợp tác chiến lược với Orion lần này đánh dấu một bước ngoặt mới sau 18 năm cả hai cùng hợp tác để hỗ trợ nông dân trong canh tác khoai tây làm snack. Đây cũng là việc hợp tác hiếm có và chưa có tiền lệ giữa một tập đoàn lớn của nước ngoài với Viện Sinh học nông nghiệp.
Chúng tôi hợp tác với nhau thông qua sự tìm hiểu rất kỹ lưỡng. Orion trải qua quá trình tìm hiểu, đánh giá năng lực về con người, khoa học công nghệ của đối tác rất lâu mới bắt tay hợp tác.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp
Theo Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp: Khi hợp tác với Orion không chỉ Viện có cơ hội phát triển và nghiên cứu ra nhiều giống mới phù hợp với chất đất của từng vùng, mà còn giúp nông dân trồng khoai tây có năng suất cao. Nông dân không chỉ được bao tiêu đầu ra mà còn được hỗ trợ về giống, máy móc, thiết bị trong và sau thu hoạch. Đặc biệt, khoai tây là cây trồng ngắn ngày nên rất cần đầu ra ổn định và khi được Orion bao tiêu sản phẩm nông dân đã tránh được cảnh “được mùa mất giá”.
Sự hợp tác giữa Orion và INAB đã thúc đẩy tạo ra giống khoai tây Bliss, hiện đang được trồng rộng rãi tại các khu vực của địa phương. Trong thời gian tới, Viện cùng với Orion Agro sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu để tạo ra các loại giống khoai tây tốt cho bà con nông dân không chỉ ở phía Bắc mà còn ở các vùng Tây Nguyên và vùng cao.
“Hiện mỗi ha khoai tây mà nông dân canh tác để cung cấp cho Orion thu lãi 70-100 triệu đồng 1 ha (tuỳ vùng). Mức này đang cao hơn so với canh tác lúa và một số hoa màu khác từ 1-3 lần. Điều này cũng cho thấy, sự hợp tác này mở ra một nền sản xuất nông nghiệp ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc canh tác khoai tây đem lại hiệu quả rất cao cho cây trồng sau. Điển hình như khi trồng khoai tây vụ Đông Xuân xong, vụ sau canh tác lúa nông dân không phải dùng thêm phân bón nhưng cây vẫn phát triển tốt, ít sâu bệnh và năng suất cao.
Đợt ký kết hợp tác mới này, Viện và doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với bà con nông dân để mở rộng vùng nguyên liệu ổn định. Viện mong muốn Orion thu mua khoai tây cho người nông dân giá tốt hơn. Đồng thời, doanh nghiệp có các chính sách hỗ trợ cho nông dân về máy móc, thiết bị, cơ giới hoá, kênh mương, hệ thống tưới để canh tác theo hướng hiện đại hơn”.
Thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện này có hiệu lực trong suốt 10 năm với mục đích gắn kết hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến sản xuất, phát triển, cung cấp và kiểm soát chất lượng khoai tây giống và khoai tây tươi thông qua hợp tác kinh doanh giữa hai tổ chức.
Tính đến nay, Orion đã kết nối hợp tác hơn 10.000 nông dân tại 14 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc (bao gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Giang, Hải Dương, Thái Bình, Điện Biên, Hòa Bình) và 3 tỉnh khu vực phía Nam gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông theo nhiều hình thức cung cấp khoảng 20.000 tấn khoai tây mỗi năm cho việc sản xuất bánh snack.
Song song với định hướng phát triển nguồn nguyên liệu khoai tây tại địa phương, năm 2016, Orion đã thực hiện quỹ hỗ trợ mang tên "khoai tây quê hương" để giúp nông dân cải thiện năng suất, gia tăng thu nhập. 8 năm qua khoảng 1,3 tỷ KRW (tương đồng 25,3 tỷ đồng) đã được Orion trao tặng đến Viện Sinh học nông nghiệp và nông dân, thông qua việc trang bị máy nông nghiệp, quỹ nghiên cứu giống và học bổng cho sinh viên …