Nông dân Diễn Châu ‘bỏ túi’ hàng trăm triệu đồng/ha nhờ giống ớt mới

Thanh Phúc 21/03/2023 06:40

(Baonghean.vn) - Hiện nông dân xã Diễn Phong (Diễn Châu) đang rộ vụ thu hoạch ớt cay xuất khẩu. Năm nay, đưa giống mới vào sản xuất, năng suất vượt trội, được công ty liên kết thu mua với giá gấp đôi năm ngoái, sau khi trừ chi phí, bà con “bỏ túi” hơn 200 triệu đồng/ha.

Nông dân xã Diễn Phong thu hoạch ớt cay. Ảnh: Thanh Phúc

Gia đình ông Quế Văn Sơn ở xóm Đông Hồ, xã Diễn Phong trồng 3 sào ớt chỉ địa trên diện tích đất màu. Sau 2,5 tháng chăm sóc, nay ớt đang vào vụ thu hoạch chính. Giống ớt chỉ địa này có năng suất vượt trội so với các giống ớt trước đó.

Theo ước tính, mỗi sào ớt cho năng suất 1,5 -2 tấn, với giá bán hiện nay là 12.000 - 15.000 đồng/kg ớt chín, ông Sơn thu về 45 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 35 triệu đồng. Ông Sơn phấn khởi: “Năm nay, ớt vừa được mùa, năng suất cao gấp đôi năm trước, giá cũng tăng gấp đôi nên nông dân có lãi lớn”.

Trồng 2 sào ớt chỉ địa, ông Trần Lân Long ở xóm Hướng Dương cũng rất phấn khởi khi năm nay, ớt sạch bệnh, năng suất cao lại được công ty thu mua toàn bộ với giá cao gấp 2-3 lần so với các năm trước.

Năm nay, ớt được mùa, năng suất cao vượt trội. Ảnh: Thanh Phúc

“Trà đầu tiên thu hái, giá ớt xanh là 8.000 đồng/kg, sau đó, ớt chín được thu mua với giá 12.000 đồng/kg và nay, chính vụ, giá lên đến 15.000 đồng/kg. Năng suất cao, giá thu mua cao nên mỗi sào, trừ chi phí người dân còn lãi từ 12-17 triệu đồng”, ông Long cho biết.

Vụ đông xuân năm nay, toàn xã Diễn Phong trồng 10 ha ớt, đây là cây trồng truyền thống của địa phương. Trước đó, bà con trồng các giống ớt chỉ thiên, năng suất thấp hơn, đầu ra bấp bênh.

Cây ớt cho thu hoạch từ sát Tết Nguyên đán đến hết tháng 4 âm lịch. Ảnh: Thanh Phúc

Bắt đầu từ năm 2017, Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ xã Diễn Phong liên kết với một công ty chuyên xuất khẩu ớt trồng và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Tuy nhiên, trước đó, các giống ớt vẫn kém năng suất và giá thu mua chỉ dao động từ 5.000 – 7.000 đồng/kg nên thu nhập từ cây ớt cay không cao.

“Sau 1 năm nghỉ trồng ớt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vụ đông xuân năm nay, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Diễn Phong liên kết với công ty xuất khẩu ớt đưa giống ớt mới vào trồng. Theo đó, công ty cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật, hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường. Đặc biệt, nhờ quản lý tốt dịch bệnh nên cây ớt sạch bệnh, cho năng suất cao.

Ớt được thu mua với giá thị trường, hiện ớt chín có giá 15.000 đồng/kg, cao gấp 2,5 lần so với các năm trước. Ảnh: Thanh Phúc

Theo ước tính, năng suất ớt đạt 30 tấn/ha, cá biệt, có những hộ chăm sóc tốt, năng suất lên đến 35-40 tấn/ha”, ông Quế Văn Duyên - Giám đốc Hợp tác xã cho biết.

Theo tính toán, mỗi sào ớt, nông dân chỉ phải đầu tư 2 - 2,5 triệu đồng và mất khoảng 2,5 tháng chăm sóc thì cho thu hoạch. Với giá thu mua hiện tại, trừ chi phí nông dân còn “bỏ túi” 200 – 300 triệu đồng/ha.

Bà Chu Thị Mai - cán bộ nông nghiệp xã Diễn Phong cho biết: “Cây ớt chỉ địa rất phù hợp với đồng đất xã Diễn Phong. Đầu vụ, do ảnh hưởng của mưa lớn nên toàn bộ diện tích ớt của bà con ngập úng, tưởng chừng như mất trắng. Nhờ tuân thủ quy trình chăm sóc phục hồi do một công ty chuyên về khoa học nông nghiệp hướng dẫn nên đã cứu được cánh đồng ớt, phục hồi lại nhanh, đạt năng suất cao.

Đợt lũ năm 2022 khiến cây ớt ngập úng nặng, héo rũ. Sau nhờ tuân thủ quy trình chăm sóc và quản lý dịch bệnh gây hại nên cây ớt phục hồi nhanh, cho năng suất cao. Ảnh: Thanh Phúc

Với thắng lợi về năng suất, giá cả ở vụ ớt năm nay, sang năm, xã sẽ phối hợp liên kết với công ty mở rộng diện tích trồng ớt, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng vụ đông xuân”.

Vấn đề nan giải nhất của nghề trồng ớt là bệnh thán thư gây hại. Bệnh thán thư gây hại trên nhiều bộ phận của cây ớt, từ lá, cành, quả, đặc biệt nếu đã gây hại nặng lên quả thì mọi biện pháp phòng trừ đều hiệu quả thấp. Bệnh gây giảm năng suất nghiêm trọng trên đồng ruộng và sau thu hoạch rất khó bảo quản vận chuyển vì mầm bệnh lây lan nhanh gây thối quả, gần như không thể xuất khẩu. Đối với bệnh thán thư, thường xuyên kiểm tra thăm đồng, tiến hành phòng trừ khi bệnh chớm xuất hiện trên lá, quả bằng thuốc Profesfar®Vosong 800WP kết hợp thuốc Mitop One 390SC. Nếu phát hiện kịp thời, xử lý đúng quy trình kỹ thuật, nên nông dân không phải phun thuốc nhiều lần, do nguồn bệnh được cắt ngay từ đầu giai đoạn từ ra hoa trở về trước. Đảm bảo thời gian cách ly dài, an toàn”.

Thạc sĩ nông nghiệp Phan Anh Thế

Mới nhất

x
Nông dân Diễn Châu ‘bỏ túi’ hàng trăm triệu đồng/ha nhờ giống ớt mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO