Nông dân đợi "tiếp sức"
(Baonghean) - Đợt hạn hán lịch sử đầu tháng 6/2015 đã làm cho hàng ngàn ha ngô bị chết, hàng ngàn ha mạ phải bỏ đi, 1.964 ha chè bị cháy lá, gần 700 ha chè bị chết hẳn, 104 ha ngao bị chết và hàng chục ha tôm cũng “đi tong”.
Lạc, chanh, rau màu... tất cả đều bị thất thu. Thiệt hại do hạn hán gây ra rất lớn, nhiều nông dân lâm vào cảnh trắng tay. Nhiều xóm đứng trước nguy cơ đói giáp hạt trong vụ tới. Thế nhưng, nông dân vẫn chưa được sự “tiếp sức” từ chính sách hỗ trợ thiên tai, từ giống ngô, lúa... cho tới tiền hỗ trợ. Nguyên nhân, theo đại diện ngành Nông nghiệp là chủ trương đã có nhưng vẫn phải đợi các xóm, xã, huyện thống kê danh sách gửi lên.
Sự thật thì không hoàn toàn như vậy bởi không riêng đợt thiên tai này, mà hầu như tất cả những vụ mùa thất bát từ trước đến nay, từ mưa bão, hạn hán cho tới lốc xoáy... nông dân đều mòn mỏi đợi chờ chính sách hỗ trợ không chỉ hàng tháng mà từ năm này sang năm khác. Mất mùa vụ xuân năm nay thì vụ xuân năm sau cũng chưa chắc đã được hỗ trợ. Sự chậm trễ đã thành bệnh “mãn tính”, dây chuyền khi nơi này đổ cho nơi kia, nơi kia đá bóng sang nơi này. Cấp trên thì đổ lỗi tại cấp dưới, còn cấp dưới lại bảo đang chờ cấp trên duyệt. Việc thống kê thiệt hại sao lâu đến thế? Chúng tôi biết cấp xóm thường không đánh máy văn bản mà thống kê bằng văn bản viết tay, liệu có phải thế nên khi lên cấp xã, nhân viên cấp xã ngại đánh máy khiến cho danh sách “nóng” bị “ngâm” thêm một nhịp.
Rồi lên huyện, huyện bảo nhiều việc quá, để chờ cái đã. Rồi lên sở lại càng nhiều việc hơn nữa, nào chăn nuôi, trồng trọt, nào lâm nghiệp, nông thôn mới, nào thủy lợi, thủy sản, nào kế hoạch, tiến độ mùa vụ, tờ trình... Mỗi cấp “ngâm” thêm một thời gian cho tới khi sang bên “cấp phát” lại đợi nữa, đợi nữa... Vậy là chậm “toàn tập” chứ không hẳn chỉ chậm ở cấp xóm. Đó là lý do chính sách hỗ trợ thiên tai của nông dân cũng bị kéo dãn ra cho tới khi nông dân... thấy không cần nữa, mà trước đó họ cũng đã tự đứng lên lo mùa vụ, sản xuất để “trời làm mất, bắt đất phải đền”. Vì thế, đồng tiền bát gạo lúc cần nhất đã không tới, đến khi nhận được thì đã chẳng còn nhiều ý nghĩa. Những lúc như thế, giá như các cấp ngành, địa phương tích cực hơn nữa thì khó khăn của nông dân sẽ được vợi bớt.
Trân Châu.