Nông dân Quỳnh Lưu không mặn mà sản xuất vụ đông?
(Baonghean.vn) Nhiều năm trước, vụ đông là vụ sản xuất đem lại giá trị thu nhập cao cho nông dân huyện Quỳnh Lưu. Nhưng mấy năm gần đây, diện tích sản xuất vụ đông của huyện liên tục giảm dần, người nông dân không còn mặn mà với vụ đông nữa...
Đi trên những cánh đồng của các xã ven Quốc lộ 1A từ Quỳnh Giang ra đến các xã vùng Hoàng Mai xuôi xuống Quỳnh Hưng, thật bất ngờ khi gần như toàn bộ diện tích đất sản xuất hai lúa của các xã đều để hoang. Nhiều năm trước, vụ đông về vùng đất này chứng kiến ngô, khoai, rau màu đua nhau xanh tốt. Chị Vũ Thị Nga (xóm 8 Quỳnh Hưng), chia sẻ: “Những năm trước, cánh đồng này ngô, khoai bời bời, giờ bỏ hoang không ai làm. Gia đình tôi mỗi năm trồng 4 sào lúa và 2 sào ngô, khoai vụ đông. Song năm nay không làm vụ đông vì thu hoạch chẳng ăn thua”. Chị Nga tính toán: Đầu tư trồng một sào ngô (gồm tiền giống và phân bón) hết 500 ngàn đồng/sào, chưa kể công sức chăm sóc. Nếu thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, rửa trôi phân bón thì phải đầu tư thêm. Trong khi đó, bình quân thu hoạch được 2 tạ ngô hạt/sào, bán với giá hiện nay (7.500 đồng/kg) được 1,5 triệu đồng. Trong khi trồng ngô, khâu làm đất rất vất vả, phải vun vồng cao, công chăm sóc nhiều, thường xuyên làm cỏ, thăm ruộng, diệt sâu, bón dắm... Hơn nữa, vụ đông sản xuất bấp bênh, lo thiên tai, lũ lụt như năm ngoái, bà con bỏ công, bỏ vốn ra đầu tư nhưng không có thu hoạch.
Sản xuất rau màu vụ đông tại xã Quỳnh Hưng.
Chị Vũ Thị Việt (xóm 9 Quỳnh Hưng), bộc bạch: "Vụ đông năm 2010, tôi và chị Đinh Thị Nhã trồng chung 7 sào gồm đậu leo, cải bắp, xu hào. Hai chị em ngày nào cũng ở miết ngoài đồng từ rạng sáng đến tối mịt mới về. Vất vả là vậy, nhưng nào ngờ mưa lụt hoành hành, mất trắng. Đến khi nước rút, đồng ruộng phẳng lì, tiếc công, tiếc của, chúng tôi cố gắng cuốc, cày trồng thêm một đợt xu hào, xà lách, hy vọng phục vụ thị trường rau Tết để có chút tiền trả nợ nhưng cũng mất luôn. Đến nay, sau một năm chúng tôi vẫn còn nợ 5 triệu đồng tiền phân, đạm, giống chưa trả được. Do vậy, vụ đông năm nay một phần do chậm lịch thời vụ, nhưng nguyên nhân chính là bà con thấy sản xuất không hiệu quả nên tâm lý chán nản không ai muốn làm".
Theo ông Trần Bình Trọng- Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hưng, thì: Vụ đông 2011, chỉ tiêu của huyện giao cho địa phương sản xuất 80 ha, đến thời điểm hiện nay toàn xã gieo trồng được 42 ha chủ yếu ngô và khoai lang (tính cả diện tích sản xuất trong vườn nhà), đạt 50% kế hoạch. Khoảng từ năm 2006 trở về trước, nhân dân Quỳnh Hưng rất say sưa sản xuất vụ đông, nhưng 5 năm gần đây không năm nào làm đạt chỉ tiêu của huyện giao. Nguyên nhân một phần do đồng đất của xã không thuận lợi để sản xuất vụ đông. Quỳnh Hưng nằm cuối tuyến kênh tiêu Bình Sơn nên mùa mưa đến nước ở các xã tuồn về đây, thường gây ngập úng đồng ruộng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, lịch thời vụ sản xuất vụ đông năm nay bị chậm gần 1 tháng ảnh hưởng đến thời vụ.
Song nguyên nhân chính khiến bà con không mặn mà với vụ đông vì thu hoạch không tương xứng so với công, của bỏ ra. Người nông dân nhận thấy đi tìm việc làm khác có thu nhập cao hơn so với sản xuất vụ đông. Quỳnh Hưng sẵn có làng nghề mộc mỹ nghệ phát triển, chị em phụ nữ đi làm đánh giấy nhám cho làng nghề, ngoài được gia chủ nuôi ăn cơm trưa còn được trả tiền công 70.000 - 80.000 đồng/ngày. Còn cánh đàn ông làm thợ xây dựng, phụ hồ, tiền công 120.000 - 150.000 đồng/ngày, cũng có thu nhập đáng kể. Trong khi trồng 1 sào ngô đông, thời tiết thuận lợi thì cho thu hoạch tối đa hơn 2 tạ ngô hạt/sào, bán được 1,5 triệu đồng, trừ tiền thuê cày bừa, phân bón, giống, công chăm sóc, còn lãi được khoảng 300 ngàn đồng. Hơn nữa, làm vụ đông chủ yếu phục vụ chăn nuôi, bây giờ chăn nuôi không nhiều, lại chủ yếu cho ăn cám cò nên cám ngô và rau xanh tiêu thụ ít. Đó là những nguyên nhân khiến người dân địa phương ngày càng hời hợt với vụ đông.
Nhớ lại giai đoạn khoảng từ năm 2005- 2008, chỉ riêng cây ngô vụ đông, năm nào huyện Quỳnh Lưu cũng sản xuất đạt 1.800- 1.900 ha. Vụ đông 2011 này kế hoạchtoàn huyện trồng 1.350 ha ngô, nhưng thực tế chỉ sản xuất được 700 ha, bằng 56% chỉ tiêu kế hoạch. Tổng diện tích sản xuất vụ đông 2011 của huyện theo kế hoạch đề ra là 5.500 ha, đến thời điểm hiện nay trồng được 2.570 ha, bằng 50% kế hoạch. Trong đó, ngô 700 ha, khoai lang 550 ha, lạc 120 ha và rau màu 1.200 ha.
Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Bích Hằng - Phó phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, cho biết: Mấy năm gần đây, diện tích sản xuất vụ đông của huyện giảm dần, do các nguyên nhân sau: thời tiết diễn biến phức tạp, vụ đông 2010 huyện nhà mất trắng toàn bộ diện tích, bà con làm đi làm lại mấy lần đều bị mưa lụt cuốn trôi, không có thu hoạch. Bên cạnh đó, giá vật tư phân bón, giá giống đầu vào cao, hiệu quả sản xuất giảm. Đối với cây ngô đòi hỏi thâm canh cao nhưng hiệu quả thu hoạch không tương xứng với công đầu tư, chăm bón, rủi ro cao.
Mặc dù giá giống ngô được tỉnh hỗ trợ 30%, và UBND huyện Quỳnh Lưu hỗ trợ thêm 20% cho người dân, như vậy giá giống ngô đến người nông dân chỉ còn 50% giá thị trường nhưng người dân cũng không mặn mà vì hiệu quả không cao. Thu hoạch vụ xuân 2011 chậm 1 tháng so với các năm trước, kéo theo vụ hè thu chậm, sản xuất vụ đông chậm 25 ngày nên các giống gieo trồng cũng hạn chế do lịch thời gian ngắn. Vừa qua, bão số 2 gây mưa kéo dài làm thiệt hại 195 ha ngô đông của huyện mới trồng bị hư hỏng, được tỉnh hỗ trợ 100% tiền mua giống để gieo lại toàn bộ diện tích. Thêm vào đó, lực lượng lao động trong vụ đông ít hơn so với các vụ khác, vì lao động nông thôn sau khi làm xong hai vụ lúa chính đều tập trung vào miền
Ngay từ đầu vụ, UBND huyện Quỳnh Lưu đã thành lập Ban chỉ đạo sản xuất vụ đông, thành viên gồm trưởng, phó các phòng, ban của huyện, mỗi người phụ trách một xã, trực tiếp xuống xã đôn đốc, kiểm tra giám sát nhân dân sản xuất. Ngoài các chính sách của tỉnh, huyện ban hành chính sách khuyến khích bà con sản xuất vụ đông như: hỗ trợ 50% giá giống bí xanh, bí đỏ trồng trên đất hai lúa, hỗ trợ 20% giá giống ngô. Đồng thời trích nguồn kinh phí của huyện để hỗ trợ các xã xây dựng những mô hình trồng cây mới, đưa các giống mới vào sản xuất. Hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng cho các xã xây dựng mô hình sản xuất mới trọng vụ đông. Những xã có diện tích ngô đông trên 50 ha và vượt kế hoạch 10 ha, được thưởng 1 triệu đồng, cứ tăng thêm 10 ha được thưởng 500 ngàn đồng. Dù vậy, bà con nông dân vẫn chưa mặn mà với sản xuất vụ đông.
Quỳnh Lan