Nông dân sản xuất giỏi - Góp phần xây dựng nông thôn mới

09/01/2012 19:38

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, ở đâu cũng có những hạt nhân điển hình ứng dụng công nghệ mới, có năng suất và hiệu quả cao. Đó là những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (NDSXKDG).

Nhiều mô hình thoát nghèo

Họ không chỉ làm cho ruộng vườn mình tốt mà còn là những điểm son khuyến nông tự nguyện, là điểm tham quan học tập giúp bà con vượt khó, xóa nghèo, vươn lên khá giả. Ông Dương Văn Nhân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, cho biết, đã có 30.544 hộ nông dân ở TPHCM được công nhận là NDSXKDG, đạt tỷ lệ 50,8% hộ nông nghiệp (tăng lên so với 48% của năm 2007).



Không chỉ sản xuất giỏi, gia đình chị Trần Ngọc Tuyết (xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) còn là điểm tiêu thụ hoa cho bà con xung quanh. Ảnh: C. PHIÊN

Điều ghi nhận, vai trò của NDSXKDG trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiêp ngày càng thể hiện rõ hơn ở các xã xây dựng nông thôn mới (NTM), nhằm giúp bà con tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập. Trong số 18.000ha đất nông nghiệp ngoại thành chuyển dịch sang cây trồng hay vật nuôi khác có giá trị kinh tế hơn có trên 10.000ha của 2.199 hộ là của bà con NDSXKDG.

Tại TPHCM, hiện đã và đang xuất hiện nhiều gương nông dân NDSXKDG tiêu biểu như mô hình tổ hợp tác nuôi trăn ở phường Thạnh Lộc, quận 12 của gia đình ông Bùi Hoàng Long, Hồ Minh Huệ, Nguyễn Thông Quang. Tổ hợp tác này đã xây dựng mô hình nuôi trăn thịt, trăn nái, dịch vụ thuộc da trăn làm dây nịt, bóp, túi xách… cung cấp thịt cho các dịch vụ ăn uống.

Mô hình trồng lan cắt cành của chị Trần Ngọc Tuyết (ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích 2ha, khoảng 80.000 gốc lan Mokara, hàng năm thu nhập của chị Tuyết đạt trên 1,2 tỷ đồng. Nhiều năm trở lại đây, mô hình cá kiểng tại TPHCM phát triển mạnh mẽ, đang lan rộng.

Năm 2006 TPHCM chỉ sản xuất 6 triệu con đến năm 2011 đạt 65 triệu con cá cảnh. Điển hình về nuôi cá cảnh là các hộ ông Trương Trung Cường (A/174E ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh), hộ Tống Hữu Châu (quận 12), Lê Hữu Dục (huyện Củ Chi) đã từng bước xây dựng thương hiệu cá cảnh vươn xa ra thị trường trong nước và nước ngoài.

Gia đình ông Nguyễn Hồng Anh (ấp Lô 6, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) đã mạnh dạn chuyển đổi sang chăn nuôi 50 con bò, trong đó có 32 con đang cho sữa, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, thu nhập đạt 180 - 200 triệu đồng/năm. Với diện tích 1.000m² ao, chị Phạm Thị Năm (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) kết hợp nuôi heo nái, thịt và ao cá nuôi cá tra, cá phi, trắm cỏ, mè dinh, cá mùi, cá trê lai. Gia đình tận dụng nguồn phân heo làm nguyên liệu cho hầm biogas để giảm chi phí đầu tư, có thu nhập 100 - 120 triệu đồng/năm.

Nhờ áp dụng hình thức vừa sản xuất kinh doanh, vừa nhận chăm sóc bảo quản cây mai, đã có nhiều gia đình ở 3 phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước và Linh Đông (quận Thủ Đức) trồng mai ghép đã trở nên khá, giàu.

Giúp nhau làm giàu…

Nếu NDSXKDG là hạt nhân xây dựng NTM thì hội nông dân cũng góp phần không nhỏ vào việc này. 5 năm qua, Hội Nông dân TPHCM đã phối hợp tổ chức 6.215 lớp khuyến nông, bảo vệ vật nuôi cây trồng và vệ sinh môi trường nông thôn thu hút hơn 289.000 lượt người tham gia. Mở hơn 100 lớp dạy nghề theo phương thức “nông dân dạy nông dân” với các nghề phù hợp với nhu cầu chuyển đổi hiệu quả cao như kỹ thuật ghép mai, tạo dáng bonsai, nuôi cá kiểng, trồng hoa lan cắt cành, nuôi bó sữa. Nhiều hoạt động phối hợp tham mưu về tiêu thụ nông sản đã mở ra cho nông dân với các đơn vị tiêu thụ Sai Gon Co.op, Metro Cash & Carry, Vinamilk; hỗ trợ nông dân tham gia các hội chợ.

Điều đáng mừng là không chỉ ở cấp TP mà ngay ở cấp quận huyện vẫn có khả năng tổ chức các khóa học. Đặc biệt, hội còn thực hiện đề án đưa nông dân đi học kinh nghiệm sản xuất ở nước ngoài, với việc đưa 4 đoàn với 65 thành viên là NDSXKDG đi học kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa lan tại Thái Lan; cây kiểng, cá cảnh tại Trung Quốc (kể cả lãnh thổ Đài Loan).

Hội Nông dân các cấp còn giúp bà con tiếp cận với nguồn vốn vay có hỗ trợ lãi suất, đã có 15.193 lượt hộ nông dân vay vốn theo các chủ trương TP, với số tiền trên 1.600 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ nông dân TP đã cho hơn 20.700 lượt hộ với tổng nguồn vốn vay là 228,8 tỷ đồng (bình quân mỗi dự án vay trên 200 triệu đồng). Đồng thời tranh thủ các nguồn từ Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn 235 cho trên 80.200 hộ nông dân vay với số tiền 710 tỷ đồng…


Theo SGGP

Mới nhất
x
Nông dân sản xuất giỏi - Góp phần xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO