Nông nghiệp công nghệ cao: Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
(Baonghean) - Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An đã có bước phát triển khá toàn diện và đúng hướng. Tuy vậy, ngành Nông nghiệp Nghệ An vẫn chưa phát huy được tiềm năng hiện có, năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi còn khá thấp so với bình quân chung cả nước. Đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao áp dụng đối với ngành trồng trọt đang còn lúng túng, gần như đang dừng lại ở chủ trương và khái niệm.
Hiện nay, xu thế toàn cầu hoá và biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng sâu sắc đến sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2008 đến nay ở khu vực Bắc Trung bộ biểu hiện bất thường về thời tiết xuất hiện với tần suất cao hơn như rét đậm, rét hại kéo dài, lượng mưa thất thường và luôn biến đổi, vụ hè thu mưa lũ thường xuyên đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Tình trạng thoái hoá đất ngày càng diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là các huyện ven biển. Dọc theo ven biển, diện tích “Cát hoá” từ Thị xã Cửa Lò cho tới Quỳnh Lưu lên đến cả ngàn ha, nhiều năm qua bỏ hoang không canh tác được. Trước những thách thức trên, xin dẫn liệu phương thức canh tác nông nghiệp công nghệ cao đã và đang thực hiện thành công trên đất cát bạc màu ven biển thuộc xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Văn Thục - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên giống và vật tư nông nghiệp MITACO chia sẻ: Trăn trở trước yêu cầu của ngành Nông nghiệp cần tìm giải pháp để cải tạo đất cát bạc màu ven biển, nhằm chủ động chống biến đổi khí hậu, sa mạc hoá, tạo ra một vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững. Dựa trên kỹ thuật canh tác của các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp ở Hồng Kông trên đất cát, để áp dụng trên vùng đất cát bạc màu ven biển. Biện pháp canh tác áp dụng được trên diện rộng và không nhất thiết phải đầu tư hàng chục ha nhà kính. Giải pháp này chỉ cần đầu tư một số vườn ươm cây con, để sản xuất cây giống trong điều kiện mùa mưa, còn các mùa vụ khác thì gieo trồng trực tiếp trên đất cát và đất cát ở đây được xem như giá thể.
Sử dụng công nghệ tưới phun cho rau màu ở Quỳnh Lưu. Ảnh: Trần Tố |
Quan trọng nhất là áp dụng hệ thống “Tưới phun mưa cố định và bán cố định” được đầu tư trên toàn bộ diện tích canh tác. Căn cứ đặc tính của giống, xác định độ ẩm thích hợp cho từng loại cây, để áp dụng chế độ tưới phù hợp nhất, là một trong các biện pháp thâm canh hữu hiệu trên đất cát bạc màu. Tính ưu việt của phương pháp tưới phun mưa là đảm bảo nguồn nước tiếp cận mọi diện tích đất trồng; Nâng cao khả năng thẩm thấu của đất, làm mát không khí; Duy trì độ ẩm đất thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển mạnh ngay từ đầu; Nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm khô héo của cây trong giai đoạn thu hoạch và mùa nóng.
Ngoài hệ thống tưới, trên đất cát cần phải tính toán hệ thống tiêu, thoát nước: Phải đào mương tiêu úng, đảm bảo luôn luôn chủ động thoát nước, không bị ngập úng trong suốt quá trình sản xuất. Đối với vùng đất thấp, phải có hệ thống ống tiêu thoát nước (ống địa kỹ thuật và cuốn vải địa kỹ thuật) để đưa lượng nước thấm do mưa hàng ngày ra mương thoát, mực nước ngầm cố gắng giữ thấp hơn 70cm. Vấn đề này đặt ra giải pháp kỹ thuật lên luống như thế nào, đối với từng mùa vụ và kỹ thuật gieo trồng của từng loại cây. Quy trình đang được áp dụng là gieo cây con vào bầu trong mùa mưa, đối với mùa khô gieo trực tiếp bằng dụng cụ kéo lỗ có định vị.
Hai là, yếu tố đặc tính giống: Tiềm năng năng suất, chất lượng và khả năng thích nghi của giống là tiền đề, để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn trên đơn vị diện tích. Giống củ cải và bắp cải đã được nhập từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Giống Liyou Seed và Goodseed 863, có khả năng sinh trưởng trong vụ đông, vụ xuân và xuân hè, với năng suất bình quân 45-60 tấn/ha. Riêng đối với giống Turnip Seed năng suất đạt 90 tấn/ha, thích hợp trong vụ đông xuân. Giống cà chua cao sản Hồng Kông năng suất thực thu đạt trên 40 tấn/ha.
Ba là, chế độ dinh dưỡng: Phân bón phải đầu tư ở mức thâm canh cao, đảm bảo đúng quy trình cho từng loại cây trồng. Ví dụ mức đầu tư phân bón cho cải củ (loại giống củ lớn) tính trên sào (500m2): Mùn tinh được lấy từ phân rác hữu cơ 1,2-1,5 tấn; 45 - 50 kg NPK 16:16:8; Đạm Urê 8 - 10 kg; Kali 20 - 22 kg và Boron 1-1,2 kg. Thực hiện kỹ thuật bón lót đồng bộ trước khi lên luống và bón thúc theo rãnh.
Bốn là, nắm rõ chế độ tưới ở từng giai đoạn, đối với từng loại cây trồng để lập lịch tưới và lưu lượng trong từng đợt tưới; áp dụng kỹ thuật tạo hạn cục bộ ở một số giai đoạn để điều khiển rễ hướng âm tìm nước, găm sâu và kéo dài rễ cũ. Nếu không có hệ thống cảm biến tự động đo độ ẩm đất, kết nối với hệ thống bơm nước, thì phải kiểm tra trực tiếp để điều chỉnh chế độ tưới.
Năm là, nếu có sâu bệnh phát sinh gây hại, thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chỉ sử dụng các hợp chất có nguồn gốc sinh học như: Marshal 200 SC, Proclaim 1.9 EC.
Tóm lại, việc ứng dụng kỹ thuật tưới phun mưa đang được phát triển mạnh trên thế giới; nhất là các nước công nghiệp phát triển thì kỹ thuật tưới phun mưa đã được sử dụng trên 90% diện tích đất trồng trọt. Đối với vùng đất cát bạc màu ven biển Nghệ An nói riêng và các vùng đất có thành phần cơ giới nhẹ, nghèo dinh dưỡng ở các địa phương khác, áp dụng những ưu điểm của kỹ thuật tưới phun mưa, cùng với lựa chọn đúng đối tượng cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, kết hợp biện pháp canh tác thâm canh cao, trong đó chú trọng sử dụng phân bón hưu cơ vi sinh, sẽ tạo nên phương thức canh tác khoa học đồng bộ, đây chính là cơ sở khoa học để tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra bước đột phá trong sản xuất trồng trọt, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích, chủ động ứng phó kịp thời đối với biến đổi khí hậu và tình trạng sa mạc hoá. Tuy nhiên, để tổ chức thục hiện thành công, cần sự quan tâm của chính quyền các cấp trong việc hỗ trợ đầu tư ban đầu và vai trò tiên phong đầu tư của các doanh nghiệp là không thể thiếu được, để thúc đẩy, phát triển và duy trì nền sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững.
Thạc sỹ: Hoàng Đức ân