"Nóng" từ chính sách đến thực tiễn

15/07/2014 09:55

(Baonghean) - Chiều 14/7, HĐND tỉnh chia làm 8 tổ để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2014; các tờ trình và dự thảo nghị quyết; giải quyết các vấn đề đang đặt ra. Không khí thảo luận tại các tổ rất sôi nổi, nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến dân sinh được đưa ra phân tích, mổ xẻ.

Quan tâm đồng bào miền núi, dân tộc

Tại tổ 1, gồm các huyện: Kỳ Sơn, Quỳ Châu và Quế Phong, các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận các vấn đề liên quan trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống đồng bào khu vực miền núi phía Tây Nghệ An. Đại biểu Cụt Thị Nguyệt (Kỳ Sơn) nêu ý kiến: Hiện nay trên địa bàn Kỳ Sơn có 17 trường học bán trú, tuy nhiên do đặc thù địa hình đi lại khó khăn và xa điểm trường nên hầu hết học sinh phải học tập và sinh hoạt gần như nội trú. Các trường đều phải tổ chức bếp ăn tập thể và thuê người phục vụ, nấu nướng. Để duy trì hoạt động này, lâu nay huyện phải bỏ kinh phí thuê người, nhưng với điều kiện khó khăn như Kỳ Sơn, về lâu dài sẽ không đảm bảo. Do đó, các ngành liên quan cần quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện nhằm đảm bảo môi trường học tập, sinh hoạt của học sinh.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Chung
Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Chung

Một vấn đề dành được sự quan tâm thảo luận của các địa phương miền núi, đó là việc bố trí công việc cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu Lô Xuân Vinh (Quế Phong) cho rằng, công tác bố trí con em miền núi trong các cơ quan, đơn vị địa bàn đang đi theo hình chóp. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì đến một thời điểm nào đó sẽ thắt lại, không phát triển nữa. Vấn đề ở đây không phải là cục bộ địa phương, nhưng cũng cần có ưu tiên cho cán bộ dân tộc thiểu số vì những đặc thù của địa bàn. Nhiều đại biểu cũng đồng tình và đề nghị HĐND tỉnh cần có nghị quyết riêng về vấn đề này. Liên quan đến chính sách cho vùng đồng bào dân tộc, đại biểu Lữ Đình Thi (Quế Phong) kiến nghị, tỉnh và ngành nông nghiệp nên có cơ chế ưu đãi đối với các hộ trồng chanh leo. Bởi tỷ suất đầu tư trồng chanh leo lớn, bình quân mỗi 1 ha chanh leo phải đầu tư trên 200 triệu đồng. Vì vậy, cần phải tăng mức hỗ trợ mô hình trồng chanh leo. Ngoài ra, các đại biểu cũng quan tâm thảo luận về công tác quản lý khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập; giá nước sinh hoạt còn cao…

Đẩy mạnh Cải cách hành chính

Tại tổ 2, vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận về việc cải cách hành chính (CCHC) chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đại biểu Hoàng Văn Phi (Hưng Nguyên) băn khoăn về việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, thanh toán một số khoản hỗ trợ cho nông dân khi bị thiệt hại do thiên tai, bão lụt. Tiếp tục vấn đề này, đại biểu Hồ Đức Phớc (TP. Vinh) nhấn mạnh, nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm cần tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi nhiều nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư vào Việt Nam. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì đây sẽ là “nút thắt” ngăn cản sự tăng trưởng, đột phá trong phát triển KT-XH của tỉnh. Mặt khác, tăng cường giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh. Bên cạnh đó, đại biểu Hồ Đức Phớc cho rằng, cần quan tâm đến chương trình xây dựng NTM, trong đó chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Tại tổ 3, gồm đại biểu huyện Yên Thành và Diễn Châu đề nghị tỉnh ban hành chính sách, đầu tư nguồn vốn, đưa công nghệ cao vào nông nghiệp để tăng hiệu quả sử dụng đất nhằm nâng cao giá trị sản xuất, góp phần tăng thu nhập và đời sống cho người nông dân. Đại biểu Trương Văn Hiền (Yên Thành) nêu: Sản phẩm nông nghiệp của Nghệ An lâu nay chỉ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhưng trong thời điểm hiện nay việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải hướng tới việc xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản và các nước Châu Âu...; đây là những thị trường đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải có sự đầu tư bài bản, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp sạch nhằm tạo sự đột phá về sản lượng và giá trị tăng trên một đơn vị canh tác, đưa lại hiệu quả cho bà con nông dân; đồng thời, cần quan tâm đầu tư chế biến sau thu hoạch. Tuy nhiên, hiện tại Nghệ An chưa quan tâm đến vấn đề này. Thời gian tới, Nghệ An sẽ được Nhật Bản xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, vì vậy, tỉnh cần có chính sách chú trọng đầu tư vào lĩnh vực này.

Đại biểu Phan Văn Tuyên (Yên Thành) cho rằng: Tỉnh cần có chiến lược lâu dài và chính sách thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Xung quanh vấn đề này, đại biểu Hoàng Xuân Trường (Yên Thành) nêu ý kiến: “Nghệ An là địa phương có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp chiếm khá lớn trong nền kinh tế, trong khi đó, việc sản xuất đang phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, ảnh hưởng đến năng suất; thêm vào đó, giá cả bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định. Để nông nghiệp sản xuất bền vững, tỉnh cần có cơ chế, chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư một cách có hiệu quả, phát triển việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Xác định rõ tiêu chí ưu tiên trong xây dựng NTM

Trong phiên thảo luận tại tổ 5 và tổ 6, gồm Nam Đàn, Đô Lương, Anh Sơn, Tương Dương, Tân Kỳ, Thanh Chương, các đại biểu đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp nhiều ý kiến giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh 6 tháng cuối năm 2014. Các đại biểu đã tập trung nêu lên những khó khăn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và kiến nghị có giải pháp chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh chương trình NTM trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Anh Sơn) nêu: Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 8 xã đạt 19/19 tiêu chí, mục tiêu đến cuối năm là có 15 xã đạt 19/19 tiêu chí. Tuy nhiên, trong số trên 400 xã đang thực hiện nông thôn mới ở Nghệ An thì hiện có nhiều xã trong thời gian qua không tăng thêm được tiêu chí nào. Lý do là chưa lựa chọn được tiêu chí phù hợp với địa phương để tập trung đẩy mạnh đầu tư, lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện; nhiều nơi xuất hiện tư tưởng trông chờ ỉ lại, chỉ quan tâm đến nguồn đầu tư của Nhà nước mà chưa quan tâm, chú trọng đến nguồn xã hội hóa.

Còn đại biểu Trần Doãn Quý (Đô Lương) cho biết: Chính sách hỗ trợ xi măng làm GTNT của tỉnh thực hiện chậm và đang xuất hiện tình trạng cấp dãn vào những tháng đầu năm, dồn cục vào cuối năm – thời điểm mưa lụt khiến nhiều công trình xây dựng trên bùn lầy, không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, cần cung cấp xi măng kịp thời cho các địa phương, đồng thời tăng thêm việc hỗ trợ kinh phí vận chuyển xi măng cho các địa phương, giảm bớt khó khăn cho cơ sở.

Cùng quan tâm về việc thực hiện chương trình NTM, đại biểu Lữ Kim Duyên (Tương Dương), cho rằng tốc độ xây dựng NTM từ đầu năm 2014 đến nay được đẩy nhanh và mục tiêu năm 2014 có nhiều khả năng vượt. Vì vậy, trong chỉ đạo xây dựng NTM cần thay đổi tư tưởng theo hướng xác định rõ đặc thù của từng địa phương để có hướng chỉ đạo thực hiện mục tiêu nào trước, mục tiêu nào sau, chứ ở nhiều nơi vẫn quan niệm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được ưu tiên trước. Đồng thời cần chăm lo tập trung nâng cao thu nhập bình quân đầu người cho nhân dân, nhất là ở khu vực miền núi, từ đó tạo nguồn lực từ trong nhân dân để đầu tư trở lại cho xây dựng NTM. Muốn vậy, phải tăng cường các chính sách giải quyết khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, không để tư thương ép giá.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ 5, đại biểu Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thừa nhận: “Mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã (tương đương 87 xã) đạt 19 tiêu chí quả thật là một khó khăn, thách thức lớn, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, đồng tâm đồng lòng của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân tỉnh nhà. Trong năm 2015, UBND tỉnh cố gắng chỉ đạo để mỗi xã hoàn thành thêm từ 3-4 chỉ tiêu. Trong chính sách hỗ trợ xi măng, UBND tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt và thời gian tới sẽ tiếp tục có những chấn chỉnh kịp thời….

“Nóng” chuyện hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn

Vấn đề chậm hoàn trả lưới điện nông thôn là vấn đề “nóng” tại tổ thảo luận số 4, gồm các huyện Con Cuông, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn. Đại biểu Phan Thế Phương (Nghĩa Đàn) nêu ý kiến: Hiện nay, trên địa bàn còn 10 xã, đơn vị đang hoàn tất thủ tục để tiếp tục bàn giao lưới điện hạ áp cho ngành điện quản lý nhưng con số các xã, đơn vị đã bàn giao gấp 3 lần con số đó thì vẫn chưa có xã nào được hoàn trả. Tình trạng sau bàn giao không được đầu tư, dẫn đến chất lượng điện kém, cho nên các địa phương khó có thể đạt tiêu chí nông thôn mới về điện. Còn đại biểu Vi Xuân Giáp (Con Cuông) phân tích nguyên nhân việc hoàn trả lưới điện nông thôn cho người dân chậm là do không thống nhất, không gặp nhau giữa ngành điện và địa phương. Đề nghị tỉnh cần thành lập đoàn kiểm tra để đánh giá hiện trạng, hỗ trợ trong quá trình thực hiện việc hoàn trả này. Đồng tình với ý kiến đại biểu Giáp, đại biểu Vi Thị Khằm (Con Cuông) bổ sung: “Việc thực hiện hoàn trả lưới điện nông thôn được áp dụng theo Thông tư 32, yêu cầu phải có hóa đơn, chứng từ gốc thì đây là việc “làm khó” nhân dân bởi các hạng mục điện đã đầu tư cách đây hàng chục năm, làm sao mà có chứng từ, hóa đơn gốc được. Cần phải nghiên cứu có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhân dân, trả hay không trả phải trả lời trực tiếp để cho nhân dân biết”. Vừa là đại biểu HĐND tỉnh bầu tại Con Cuông, là vừa lãnh đạo UBND tỉnh, ông Thái Văn Hằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến về vấn đề này, nêu rõ: “Người dân thắc mắc cần phải hoàn trả sau khi đã bàn giao là hoàn toàn đúng đắn. Cần phải nêu lên để có thể chất vấn giữa kỳ họp nhằm thống nhất giải pháp, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhân dân về những gì mà họ đã đầu tư”.

Khó đạt mục tiêu giảm nghèo

Tại tổ 7 gồm các đơn vị: TX. Thái Hòa, TX. Hoàng Mai và TX. Cửa Lò, vấn đề được đại biểu quan tâm thảo luận đánh giá cao kết quả thực hiện kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2014 với nhiều gam màu sáng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu rất băn khoăn về những tồn tại, hạn chế đang đặt ra. Đại biểu Lê Xuân Đại cho rằng: “Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt cao hơn cùng kỳ 2 năm trước và cao hơn bình quân chung cả nước, nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra là 7-8%. Nếu không quan tâm chỉ đạo quyết liệt thì sẽ rất khó thực hiện được mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đề ra”. Một vấn đề nữa cũng được đại biểu Lê Xuân Đại quan tâm phân tích, mổ xẻ, đó là công tác giảm nghèo đang có biểu hiện chững lại. “Nếu như mấy năm trước, bình quân mỗi năm giảm được hơn 3,1% hộ nghèo/năm thì vài năm trở lại đây chỉ giảm được được 2,1%/năm. Mục tiêu giảm nghèo được tỉnh xác định về đích trước 1 năm Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, với tỷ lệ hộ nghèo còn 10% vào cuối năm 2014, trong khi đó rà soát đầu năm 2014, toàn tỉnh có 13,4% hộ nghèo. Như vậy, từ nay đến hết năm 2014 phải giảm 3,4% hộ nghèo thì không phải là đơn giản. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra của các cấp, các ngành và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần phải chỉ đạo quyết liệt, điều tra chặt chẽ để phản ánh đúng thực trạng hộ nghèo, từ đó đầu tư các nguồn lực và các giải pháp để thực hiện”.

Cũng đề cập đến những hạn chế, tồn tại, đại biểu Huỳnh Thanh Điền (Thị xã Hoàng Mai) thừa nhận: “Mặc dù tỉnh đã triển khai hạn chế việc đầu tư một số công trình, tránh dàn trải và nợ đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng quá trình điều hành vẫn có một số phát sinh không thể không đầu tư trong khi nguồn vốn không được bổ sung”. Tiếp nối vấn đề này, đại biểu Lê Đình Ty (Thị xã Cửa Lò), nêu thực trạng: Hiện nay trên địa bàn Thị xã Cửa Lò có khá nhiều công trình nếu được đầu tư nâng cấp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn như đường nối Quốc lộ 46 đi qua phường Nghi Tân xuống Cảng Cửa Lò; đường số 3 và kênh số 3..., nhưng vẫn không được đầu tư. Trong khi đó đường 72m Vinh – Cửa Lò vẫn chưa được giải phóng mặt bằng cơ bản toàn tuyến thì đang được đầu tư đoạn ở Cửa Lò là không cần thiết. Giải pháp để tránh dàn trải là cần lựa chọn các công trình có hiệu quả và giá trị kinh tế để tập trung đầu tư.

Sớm triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân

Tại tổ 8, gồm các huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc tập trung thảo luận đến chính sách hỗ trợ cho ngư dân và đề xuất sớm triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ theo chủ trương của Chính phủ. Đại biểu Nguyễn Đình Minh (Quỳnh Lưu) cho rằng: Thực tiễn lâu nay đã có nhiều chương trình hỗ trợ ngư dân vươn khơi, đánh bắt xa bờ của Trung ương và tỉnh đem lại hiệu quả. Và hiện nay, trong tình hình diễn biến phức tạp trên Biển Đông thì việc nhanh chóng hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt công suất lớn có ý nghĩa quan trọng về nâng sản lượng đánh bắt gắn với nhiệm vụ bảo vệ biển đảo. Phát biểu mang tính giải trình vấn đề này, đại biểu Hoàng Viết Đường (Nghi Lộc) cho biết: Chính phủ đã ban hành chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi và hiện tại Sở Tài chính đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan và các huyện ven biển tiến hành rà soát, tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh để sớm triển khai chủ trương này, đồng thời làm việc với hệ thống ngân hàng trong việc tạo điều kiện cho ngư dân nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn đóng tàu lớn vươn khơi.

Nhóm p.v

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

"Nóng" từ chính sách đến thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO