Nóng vấn đề xóa đói, giảm nghèo

12/12/2014 17:41

(Baonghean.vn) - Ngày làm việc thứ ba của kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XVI đã tiến hành chất vấn Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội liên quan đến giảm nghèo, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề. Đây là vấn đề nóng nhất tại kỳ họp lần này.

Đồng chí Trần Hồng Châu điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Đồng chí Trần Hồng Châu điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn


Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay là phần giải trình về công tác giảm nghèo với tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng chưa thật vững chắc, nguy cơ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới còn cao của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bằng Toàn. Theo giải trình, ngoài nguyên nhân khách quan do đại bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo nguồn thu chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt thì chủ quan mà nói có nhiều hộ dân nghèo còn thiếu kiến thức nên việc tiếp cận các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế, năng suất lao động thấp. Phần lớn hộ nghèo còn hạn chế trong việc tính toán cách làm ăn, không tích luỹ được cho tái đầu tư sản xuất kể cả chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ... Một số hộ vẫn nặng tư tưởng trông chờ vào nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, thiếu quyết tâm cao để thoát nghèo. Một số hộ nghèo có người mắc các bệnh tệ nạn xã hội, nghiện ma túy, cho nên thoát nghèo khó khăn. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp còn hạn chế; năng lực một số cán bộ làm công tác giảm nghèo tại một số địa phương còn yếu, nhất là cấp xã.

Giám đốc Sở LĐ_TB-XH Nguyễn Bằng Toàn giải trình và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực ngành
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Nguyễn Bằng Toàn giải trình và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực ngành

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng đã giải trình thừa nhận tình trạng một số vấn đề HĐND tỉnh đưa ra chất vấn, đó là việc điều tra, rà soát, bình xét hộ nghèo có biểu hiện chưa chính xác; công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề còn nhiều hạn chế, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu, chưa bám sát nhu cầu tuyển dụng lao động, dạy nghề cho lao động nông thôn hiệu quả chưa cao; tình trạng có một số tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng xuất khẩu lao động để lừa đảo, trục lợi chưa được ngăn chặn kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Bằng Toàn, cho rằng, các vấn đề còn tồn tại, hạn chế, với vai trò, trách nhiệm của mình, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội xin tiếp thu nghiêm túc và nhận trách nhiệm và sẽ quyết tâm phối hợp với các cấp, các ngành tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục sớm nhất những tồn tại, hạn chế đặt ra.

Phần chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh đối với Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội rất sôi nổi, nêu đúng trọng tâm nội dung chất vấn và thẩm quyền trách nhiệm của ngành. Có 12 đại biểu chất vấn trực tiếp với 23 nội dung liên quan. Mở đầu, đại biểu Phan Văn Tuyên (Yên Thành), chất vấn: “Việc giải quyết quyền lợi cho 25 lao động ở 3 xã của huyện Yên Thành của Công ty CP đầu tư Cửu Long đã thu tiền của người lao động nhưng không đưa người đi xuất khẩu lao động vẫn chưa được thực hiện. Trách nhiệm của ngành LĐ – TB và XH trong việc theo đuổi để giải quyết vấn đề này như thế nào?”. Trả lời vấn đề đại biểu nêu, ông Nguyễn Bằng Toàn, thừa nhận trả lời rõ: “Sự việc này từ thời điểm 2006, đến nay vẫn chưa giải quyết được. Lý do công ty này đã giải thể và thu hồi giấy phép hoạt động và hiện sự việc đang chuyển cho cơ quan điều tra để truy tố, xét xử. Tuy nhiên, với trách nhiệm ngành sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với Bộ LĐ – TB và XH, Bộ Công an để có thông tin trả lời cho đại biểu và cử tri sớm nhất”.

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Anh Tuấn (Quỳnh Lưu), đề nghị làm rõ trong số 55.000 lao động Nghệ An đang lao động ở nước ngoài thì có bao nhiêu lao động đi theo con đường chính ngạch, tiểu ngạch và bao nhiêu lao động phải trở về giữa chừng mà không được đảm bảo quyền lợi, Giám Sở LĐ – TB và XH, cho rằng: “Trong tổng số lao động đi xuất khẩu, cơ bản đi theo chính thống, còn số liệu cụ thể bao nhiêu lao động theo con đường tiểu ngạch, bao nhiêu bỏ về dở chừng thì ngành xin được tiếp thu để gửi thông báo sau bằng văn bản gửi đến đại biểu”.

Đại  biểu Phạm Anh Tuấn (Quỳnh Lưu) đề nghị làm rõ số lao động xuất khẩu theo con đường chính ngạch và tiểu ngạch

Cũng liên quan đến công tác quản lý xuất khẩu lao động, các đại biểu Phan Thế Phương (Nghĩa Đàn); Phan Thị Thanh Hiền (Tân Kỳ) quan tâm đến việc chỉ đạo ngành như thế nào để người dân có thông tin, tránh lừa đảo trong xuất khẩu lao động. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Bằng Toàn, nêu: Để khắc phục tình trạng lao động thiếu thông tin, giải pháp trong thời gian tới là đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người lao động. Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An tuyên truyền cụ thể về các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động có uy tín, địa bàn tuyển dụng lao động của từng doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cam kết với người lao động chặt chẽ để khi xảy ra vấn đề khó khăn đối với người lao động thì phải có trách nhiệm để xử lý kịp thời. Đặc biệt, vai trò kiểm soát của chính quyền các cấp, nhất là cơ sở rất quan trọng trong việc phát hiện các đường dây, cò mồi để chấn chỉnh, khắc phục, hạn chế thiệt thòi cho người lao động.

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn đó là những tồn tại, hạn chế đang đặt ra xung quanh công tác xóa đói, giảm nghèo. Đại biểu Cụt Thị Nguyệt (Kỳ Sơn), chất vấn: “Hiện tại tỷ lệ nghèo của huyện Kỳ Sơn cao nhất tỉnh, huyện cũng rất trăn trở nhưng chưa có giải pháp. Theo giải trình của ông, giải pháp trong thời gian tới được đưa ra trước hết tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo, nhất là làm cho bản thân người nghèo tự biết vươn lên thoát nghèo là chính, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng. Tuy nhiên, giải pháp này có mang tính khả quan và cần đổi mới tuyên truyền như thế nào để đạt hiệu quả?”.

Đại biểu Lê Văn Trí (Anh Sơn) chất vấn tình trạng nể nang trong bình xét hộ nghèo
Đại biểu Lê Văn Trí (Anh Sơn) chất vấn tình trạng nể nang trong bình xét hộ nghèo

Giám đốc Sở LĐ – TB và XH, khẳng định: “Ai cũng mong muốn thoát nghèo để làm chủ cuộc sống của mình, nhưng một số lại vẫn muốn ở lại trong danh sách hộ để hưởng các chính sách của Nhà nước và cộng đồng hỗ trợ. Vì vậy phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Và tuyên truyền có thiết thực, hiệu quả và đi vào lòng dân hay không vẫn là vai trò ở từng thôn, bản, khối, xóm và từng địa phương; vai trò của ngành LĐ – TB và XH chủ yếu là hướng dẫn, phối hợp với các địa phương để tuyên truyền. Đối với các hộ gia đình muốn ở lại trong danh sách hộ nghèo hoặc cố tình làm sai để vào hộ nghèo thì không ai đấu tranh có hiệu quả bằng cách đấu tranh trực tiếp và trực diện ở thôn, bản, khối, xóm”.

Ông Nguyễn Bằng Toàn cũng đã trả lời chất vấn của đại biểu Lê Văn Trí (Anh Sơn) về biện pháp khắc phục tính nể nang, cục bộ địa phương, dòng họ dẫn đến tình trạng bình xét hộ nghèo thiếu chính xác, số hộ không nghèo vẫn vào danh sách hộ nghèo. Theo ông Toàn, công tác bình xét hộ nghèo diễn ra ở từng phường, xã, vì vậy vai trò của cấp xã hết sức quan trọng và vai trò giám sát của cấp huyện cũng cực kỳ quan trọng. Có tình trạng danh sách hộ nghèo được lập chỉ thông qua trong cán bộ với nhau, không công khai, minh bạch và tạo ra sự không công bằng, chính xác. Về giải pháp, không có cách nào khác phải thực hiện nghiêm ngặt đúng quy trình 4 bước trong xác định hộ nghèo, gồm, bước 1 là xác định danh sách hộ cần điều tra và loại trừ những hộ không cần phải điều tra (những hộ chắc chắn không nghèo thông qua việc đánh giá tình trạng tài sản và những hộ nghèo chắc chắn chưa thoát nghèo); bước 2 là tổ chức điều tra thu nhập của hộ gia đình; bước 3 là tổng hợp sơ bộ kết quả điều tra, rà soát; bước 4 là tổ chức họp dân bình xét, biểu quyết danh sách chính thức hộ nghèo. Sắp tới, ngành sẽ tăng cường công tác tập huấn về quy trình 4 bước này đến tận cán bộ khối, xóm, thôn bản, từ đó tạo chuyển biến trong công tác bình xét, đảm bảo minh bạch và chính xác cao hơn”. Các vấn đề liên quan giải pháp hữu hiệu cho tình trạng muốn vào danh sách hộ nghèo của một bộ phận người dân; tình trạng con cái có điều kiện kinh tế nhưng lại tách hộ cho cha mẹ già ở riêng để trở thành hộ nghèo do già cả không có nguồn thu nhập để hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước; thời hạn bình xét hộ nghèo mỗi năm một lần liệu có phù hợp... của các đại biểu Lê Thị Nhan (Diễn Châu); Trần Xuân Trung (Hưng Nguyên); Vi Thị Khằm (Con Cuông) cũng đã được giám đốc Sở LĐ – TB và XH trả lời thấu đáo.

Các đại biểu tham dự kỳ họp
Các đại biểu tham dự kỳ họp

Ngoài hai nội dung nêu trên, Giám đốc Sở LĐ – TB và XH cũng đã trả lời chất vấn của các đại biểu Lữ Đình Thi (Quế Phong); Lê Văn Trí (Anh Sơn); Đỗ Đình Quang (Thành phố Vinh). Trong đó tập trung làm rõ các tiêu chí phân bổ nguồn kinh phí đào tạo nghề cho các địa phương dựa trên cơ sở chỉ tiêu đào tạo hàng năm được giao cho các địa phương, trên cơ sở rà soát, đăng ký nhu cầu của người học. Về tiêu chuẩn đánh giá trình độ, chất lượng đào tạo nghề được dựa vào trình độ của người lao động, cơ sở sử dụng lao động đã học nghề và cơ quan kiểm định chất lượng dạy nghề. Ông Nguyễn Bằng Toàn cũng đã phân tích, làm rõ kết quả cũng như nguyên nhân chất lượng đào tạo tại cơ sở đào tạo nghề và đào tạo nghề cho nông dân chưa đạt như mong muốn...

Kết luận phần chất vấn của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và xã hội, đồng chí Trần Hồng Châu đề nghị Sở LĐ – TB và XH cần chủ động tham mưu UBND tỉnh để rà soát lại các quy định, tiêu chuẩn, quy trình nhằm đánh giá thực chất hộ nghèo, tránh 3 khuynh hướng diễn ra. Thứ nhất, đó là bệnh thành tích, nhất là thời kỳ chuẩn bị đại hội, các địa phương muốn hoàn thành chỉ tiêu đại hội nên báo cáo hộ nghèo không đúng thực chất; thứ 2 là tính ỷ lại, trông chờ trong một bộ phận nhân dân, dẫn đến không có ý chí vươn lên để thoát nghèo; thứ 3 là tính không khách quan trong bình xét hộ nghèo. Ba “căn bệnh” này đang khá phổ biến ở các địa phương và cần phải chấm dứt. Việc xóa đói, giảm nghèo phải tiến hành đồng bộ và nhiều biện pháp, trong đó giáo dục nâng cao trình độ dân trí, ý thức tự lập, tự cường, tự tôn của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ. Ngành LĐ –TB và XH cần phối hợp với ngành Giáo dục – Đào tạo để định hướng học nghề trong học sinh, tránh tư tưởng bằng mọi giá đi học đại học, không có khả năng cũng đi học đại học để khi ra trường không tìm được việc làm. Rà soát nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề, có thầy giỏi mới có trò giỏi; lựa chọn nội dung đào tạo bám với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thị trường để người học sau khi ra trường sống được với nghề đã được học. Kiên quyết chống tình trạng dạy nghề để giải ngân. Cần gắn trung tâm đào tạo nghề với các cơ sở sản xuất, đơn vị, doanh nghiệp đề vừa nâng cao kỹ năng, thực hành trong quá trình học, vừa tạo việc làm sau khi tốt nghiệp. Đào tạo kiến thức đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng lao động để người học có cơ hội việc làm trong các cơ sơ bền vững. Đồng chí Trần Hồng Châu cũng yêu cầu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cần tập trung các giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác xuất khẩu lao động, quản lý hoạt động xuất khẩu lao động ngày càng hiệu quả hơn.

MAI HOA

Nóng vấn đề xóa đói, giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO