NSNA Lê Văn Vĩnh và những khoảnh khắc cuộc đời

03/09/2013 16:05

(Baonghean) - Người Vinh xưa có lẽ không ai không biết tới Hiệu ảnh Hòa Bình - một trong những nhà ảnh đầu tiên tại Vinh và ông chủ nhỏ nhắn Lê Văn Vĩnh. Sinh năm 1934, năm nay, nhiếp ảnh gia Lê Văn Vĩnh đã chạm tuổi 80. Giữa phố thị ồn ào, căn nhà vườn nằm trong ngõ nhỏ của ông trên đường Lê Lợi vẫn còn giữ nét cũ càng của một nhà ảnh cách nay mấy chục năm. Và câu chuyện bên chén trà sớm đầy sương khói đã giúp tôi hiểu hơn câu cuộc đời của nghệ sỹ Lê Văn Vĩnh, một đời nghề gắn chặt với những thăng trầm của quê hương, xứ sở…

Bố người Hà Nội, là đầu bếp có tiếng trên các tàu buôn của Pháp (sau này là bếp trưởng của Giao tế Vinh, từng phục vụ cho Ủy ban LHQT Hữu nghị Giơ-ne-vơ tại Nghệ An); mẹ gốc Bắc Ninh, giỏi nghề làm đậu phụ, Lê Văn Vĩnh được sinh ra tại phố Đệ Thất khi bố mẹ ông chọn Thị xã Vinh làm nơi sinh sống, lập nghiệp. Ông kể: “Mẹ tôi tần tảo nuôi chúng tôi khôn lớn bằng gánh hàng đậu phụ. Ngày ấy, bố tôi hay theo quan Pháp đi các nước thuộc địa nên việc nhà mẹ tôi một tay chèo chống. Ở Vinh, còn có các cậu tôi, đều là công nhân Trường Thi - Bến Thủy đấy”.



NSNA Lê Văn Vĩnh

Do hay ốm yếu, không thể học lên cao hơn, cũng không thể làm được những công việc nặng nhọc khác, Lê Văn Vĩnh quyết định học nghề ảnh của một người hàng xóm tốt bụng gần nhà vào năm 15 tuổi. Người hàng xóm, cũng là người thầy đầu tiên của ông là NSNA Trần Đắc Bách (sau này trở thành phóng viên Báo Hình ảnh Việt Nam). 3 năm miệt mài với máy ảnh, thuốc in, ông thạo nghề và mở hiệu riêng tại nhà, lấy tên Hiệu ảnh Hòa Bình. Đó là một trong những hiệu ảnh đầu tiên và nổi tiếng tại Vinh. Biết tiếng thợ ảnh Lê Văn Vĩnh, những năm từ 1953 đến 1954, Thị xã đã điều động ông theo chân công nhân, dân công của đại công trường 311 Liên khu 4 để ghi lại những khoảnh khắc lao động của họ trên tuyến đường Vinh- Mường Xén phục vụ cho chiến dịch Thượng Lào, và để đón những phái đoàn Quốc tế đến với Việt Nam.

Ông nhớ, những ngày tháng đó đã khiến ông - một cậu trai 20 với tâm hồn yếu đuối được mở mang, lớn lên bằng những gian truân. Cho đến giờ, ông vẫn tự cười mình khi nói rằng: Có những đêm tôi khóc, khóc vì khổ quá, vì không tài nào mà ngủ được khi rất nhiều các loại côn trùng bò khắp cơ thể mình trong thăm thẳm rừng sâu. Vậy mà công nhân, dân công..., họ vẫn làm việc hăng say. Họ đổ biết bao mồ hôi, xương máu trên tuyến đường gian khổ. Cái máy ảnh phim to, một cuộn phim chỉ chụp được 8 kiểu ảnh lúc nào cũng khiến ông lỉnh kỉnh, vướng víu. Nhưng cuộc sống sôi động ấy đã thức dậy trong tim ông một sức mạnh mơ hồ. Ông bấm máy không biết mệt mỏi, trên những quãng đường lổn nhổn đất dá, trên những dốc núi cheo leo. Ông chụp những giấc nghỉ vội, chụp nụ cười còn lấm đất sáng lên trong nắng, chụp đôi tay chai sần... Và chụp tất cả sự quyết tâm, đồng lòng của một thế hệ, một dân tộc. Chỉ tới khi, cơn sốt rét ác tính quật ngã, tưởng chừng không sống nổi, ông mới trở về...

Ông không hiểu phép màu nào đã khiến ông vượt qua được “cửa tử” lần ấy. Có lẽ vì bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu biến động của quê hương đang cần đến lòng nhiệt tình, sự tài hoa của ông chăng? Vừa khỏi bệnh, ông lại được Ty Công an điều động đi chụp buổi đón anh em tù người Nghệ từ Côn Đảo về. Ông nhớ, từ con tàu nhỏ, ông ra đón con tàu lớn chở hàng ngàn tù binh cập Cảng Cửa Hội. Ông đã choáng váng khi hiện ra trước mắt mình là hàng ngàn bộ xương hom hem di động. Người gãy chân, người gãy tay, người mắt đã không còn thấy ánh sáng, người mang đủ thứ bệnh tật... với áo quần rách rưới được đón về trong vòng tay quê hương. Lúc giơ máy lên để chụp, ông không cầm được lòng mình. Ông đứng khóc nghẹn ngào sau khi chụp được vài chục kiểu ảnh, và sau đó, không tài nào cầm máy lên được nữa. Có bức ảnh của ông sau đó đã được đăng tải trên báo “Hình Ảnh” số 2 của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nói về sự kiện này.

Năm 1956, ông lại được điều theo chân Đoàn 2 - Đội cải cách ruộng đất về ghi lại những hình ảnh bóc lột của địa chủ với dân nghèo tại Nam Đàn, Hưng Nguyên. Sau đó, trở về, ông hăng hái tham gia công tác thanh niên ở Thị đoàn Vinh, được bầu làm Bí thư Thanh niên khu phố 1, rồi Chủ nhiệm HTX nhiếp ảnh Thị xã Vinh. Trong giai đoạn này, ông tham gia phong trào bổ túc văn hóa và được trao tặng Giấy chứng nhận Chiến sỹ thi đua, Huy hiệu Chiến sỹ thi đua.

Những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, ông có “chân” trong Ban điều tra tội ác giặc Mỹ của Thành phố Vinh (lúc này, Vinh đã được gọi là thành phố). Với những bức ảnh sống động về tội ác của giặc Mỹ xâm lược, những đau thương chúng trút lên quê hương này, người ta có thể thấy rõ sự lặn lội, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, cả tình yêu thương và lòng căm hận của người nghệ sỹ-chiến sỹ Lê Văn Vĩnh. Những bức ảnh thức tỉnh lương tri, những bức ảnh hơn ngàn lời nói đã đến với cộng đồng quốc tế, giúp bạn bè hiểu rõ hơn về cuộc chiến Việt Nam, góp thêm tiếng nói đấu tranh bảo vệ công lý. Đó là hình ảnh máy bay B52 Mỹ ném bom Nghi Phú, Tân Thắng..., người chết như ngả rạ. Là hình ảnh xác một em bé chừng 1 tuổi nằm nghiêng bên hố bom, lúc đó khói bom còn đang lên nghi ngút. Là hình ảnh những thân người bị ném lên không trung, vướng vào cành cây. Cả một thành phố tiêu điều, xơ xác trong mưa bom..

.Ông cũng đã bị thương vào cánh tay trong một lần chụp cảnh trận địa pháo cao xạ của ta lúc bắn máy bay Mỹ ở gần Ga Vinh. Khi ấy, ông đang ở trong hầm, giơ máy lên chụp thì một mảnh bom văng tới. Ôm cánh tay chảy máu ròng ròng, nhìn sang căn hầm cách ông chừng 100 m, một phóng viên ảnh, “hình như của TTX” (ông nhớ thế) đã hy sinh trong loạt bom giặc Mỹ. Ngớt bom, ông nén đau chạy ra khi nghe tiếng reo ta đã bắn rơi máy bay Mỹ. Một phi công giặc tử nạn. Lúc đó, ông đã nâng máy để chụp một nửa gương mặt còn lại của tên phi công nằm bên xác máy bay… Cái gương mặt không trọn vẹn được thu vào ống kính khiến ông nhớ đến giờ.



Bức ảnh chụp đón tù nhân từ Côn Đảo trở về đăng trên Báo Hình ảnh Việt Nam, số thứ 2 của nhiếp ảnh gia Lê Văn Vĩnh.

Ông - người nghệ sỹ nhiếp ảnh, đáng lẽ ra phải được rung cảm nhiều hơn với cái đẹp của cuộc đời này, nhưng vì cuộc chiến đã trút lên quê hương mình, ông đã tự chọn và được chọn để ghi dấu những căm hờn, đau buốt. Những khoảnh khắc bấm máy của ông đôi khi chỉ cách cái chết có một ly thôi. “Nhưng trong trái tim của tôi hay bất cứ người dân yêu nước nào cũng có niềm thôi thúc, mình phải được sống cùng với những gian truân, những đau thương, những vinh quang của dân tộc”- ông nói vậy với tất cả sự giản dị, tự hào. Và trong trăm ngàn khoảnh khắc đau thương của chiến tranh, những bức ảnh của ông vẫn ngời dậy niềm tin, tình yêu.

Ông lục tủ để chỉ cho tôi xem bức ảnh “Con tiễn bố lên đường” ông chụp năm 1960. Trong bức ảnh đen trắng, người lính vòng tay ôm chặt cô con gái chừng 12 tuổi. Anh cúi xuống, ánh mắt nhìn con đầy trìu mến. Cô bé thì cười rất tươi, đôi mắt đen nhánh, vòng tay qua cổ bố. Ông kể rằng, bố con người lính này ở Hà Nội. Cô bé theo xe tiễn bố ra trận và chia tay tại Vinh. Giây phút bấm máy, cũng là giây phút xúc động đến khó kìm của ông. Họ đẹp quá, họ cao cả quá… Những tình cảm thiêng liêng nhất, hòa quyện nhất của tình yêu đất nước, tình yêu gia đình dạt dào trong ánh mắt, trong cử chỉ của họ. Bức ảnh đã khiến cho ông và gia đình người lính ấy còn giữ mối liên hệ đến tận hôm nay…

Còn nhiều lắm những khoảnh khắc của trên 60 năm cầm máy, để lưu giữ làm tài liệu ông đã nộp lại cho Nhà nước quản lý. Ông tiếc nhất là nhiều bức ảnh quý về thời gian chiến tranh đã mất sau trận cháy bom. Từ chiếc máy ảnh cũ kỹ chỉ có thể điều chỉnh tốc độ bằng khẩu quay cho đến nhiều chiếc sau này, hiện đại hơn; từ hiệu ảnh Hòa Bình đến hiệu ảnh Cô Nghệ nổi tiếng thành Vinh, cho ta chân dung một “thợ ảnh” đã sống bằng nghề ảnh và có được những vinh quang từ ảnh. Sau chiến tranh, ông lặng lẽ làm nghề, lặng lẽ tìm những khoảnh khắc bình yên của cuộc sống để lưu lại cho mình.

Ông quay sang chụp phong cảnh, chụp nghệ thuật, rồi truyền nghề cho các con. Các con ông có 4/5 người theo nghiệp của cha. Họ lần lượt là chủ các hiệu ảnh nổi tiếng của Thành phố Vinh ngày nay: Cô Nghệ, Trà Giang, Hồng Nhung, Quang Phúc… Còn ông, trong sự nghiệp cầm máy của mình cũng đã có ảnh đến với 5 triển lãm lớn tại Hà Nội, nhiều triển lãm tại Vinh (trong đó có một triển lãm thời chống Mỹ). Ông đã từng có một giải nhất ảnh trong Liên hoan Ảnh khu vực Bắc Miền Trung, và cho đến năm ngoái, “tay máy” gần 80 tuổi vẫn vào tận Bản Đôn (Đắc Lắc) để chụp bằng được tấm ảnh về voi bản Đôn.

Không cầu danh lợi, ông lặng lẽ sống trong căn nhà đầy nét cũ càng cùng người con thứ - NSNA Lê Quang Dũng. Chính vì thế, ông đã bỏ qua nhưng lần xét tặng danh hiệu NSNA từ mấy chục năm về trước, và chỉ nhận được nó cách đây khoảng 10 năm, theo nguyện vọng tha thiết của những đứa con mình.

Hàng ngày, ông vẫn lặng lẽ tưới những bụi hoa trước thềm, ăn bữa cơm do vợ chăm chút và mãn nguyện với một đời cầm máy “sắp qua”- ông nói thế với một ánh cười.


Bài, ảnh: Thùy Vinh

Mới nhất

x
NSNA Lê Văn Vĩnh và những khoảnh khắc cuộc đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO