NSƯT - Biên đạo múa Lữ Kiều Lê: Vẻ đẹp từ sự dung dị

18/02/2015 10:53

(Baonghean) - Từng là người dàn dựng những tiết mục trong SEA Games, Para Games, là người đã đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ liên hoan chuyên nghiệp quốc gia, quốc tế. Chị cũng là nghệ sỹ múa được vinh danh NSƯT khi mới 28 tuổi.

Người nghệ sỹ ấy không nhớ nổi đã bao nhiêu lần mình được xướng tên lên bục vinh quang nhận giải thưởng. Với chị giải thưởng không phải là điều quyết định vinh danh một nghệ sỹ mà điều quan trọng những tác phẩm của họ có đọng lại trong lòng công chúng không, có chuyển tải được hơi thở cuộc sống và hồn cốt dân tộc không? Dấu ấn trong mỗi tác phẩm múa của chị chính là cách chị kể một câu chuyện giản dị nhất về cuộc sống...

NSƯT - Biên đạo múa Lữ Kiều Lê:
NSƯT - Biên đạo múa Lữ Kiều Lê

Tôi gặp chị trong một buổi chiều đông hanh hao nắng, thoạt tiên tôi không nghĩ đó là NSƯT - Biên đạo múa nổi tiếng, Chủ nhiệm khoa múa Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội, Thượng úy Lữ Kiều Lê. Bởi trong tưởng tượng của tôi khi xem “Cặp ba lá”, nhạc kịch “Đất nước đứng lên” hay “Gạo mới” mà chị dàn dựng và “ẵm” nhiều giải thưởng danh giá tại các liên hoan chuyên nghiệp quốc gia, quốc tế thì ắt hẳn nữ nghệ sỹ mà tôi ngưỡng mộ phải là người kiêu sa lắm. Chị xuất hiện trước tôi với vẻ ngoài giản dị, không son phấn, dáng người mảnh mai trong chiếc áo len rộng thùng thình. Chị nói: “Mình đến với múa như là duyên trời định, bởi từ nhỏ mình đã theo bố mẹ đi hết sân khấu này đến sân khấu khác, những ngôn ngữ hình thể đã ngấm vào mình từ lúc nào không hay và mình chọn múa hay múa chọn mình là điều khó cắt nghĩa”...

Kiều Lê sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố là nhạc công chơi Saxophone, mẹ là diễn viên múa thuộc Đoàn ca múa kịch Nghệ An (nay là Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An). Ngày trước mỗi khi bố mẹ đi tập diễn chị em Kiều Lê đi theo, lê la ở cánh gà rồi múa theo, hát theo, đến lúc vở kịch công diễn thì cũng là lúc chị em Kiều Lê thành thạo các tiết mục, thế nên các cô chú trong đoàn nhận thấy ở chị một tài năng sớm hé lộ. Học hết cấp III cũng là lúc Kiều Lê không thể cưỡng lại sức hút từ bộ môn múa. Năm 1989 chị nạp đơn xin vào đoàn của bố mẹ, và dĩ nhiên chị trúng tuyển.

Vào đoàn được hai năm chị được cử đi đào tạo tại Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội với bộ môn múa. Cũng tại đây chị đã được tiếp nhận được những giá trị sâu sắc trong mỗi tác phẩm múa. Mỗi tiết mục múa có thể ví như một tác phẩm văn chương có thân phận, có cao trào, có “thắt nút” và “cởi nút”. Mỗi tác phẩm múa đều phải chuyển tải được ý tưởng, được thông điệp của nó. Mỗi phân cảnh là một phân đoạn văn học mà người diễn viên đang truyền tải đến khán giả điều biên đạo muốn nói. Đôi khi mỗi tác phẩm múa là một tác phẩm hội họa mà khi trình diễn đã giúp người xem nắm bắt được hồn cốt của bức tranh.

Chị nghĩ, nếu chỉ dừng lại ở người chuyển tải ý tưởng thì khó mà nuôi dưỡng đam mê được lâu dài và cũng không thể chuyển tải hết được những điều mình muốn mang tới cho khán giả. Thế nên chị quyết định học thêm 3 năm biên đạo múa ở Trường Sân khấu Điện ảnh. Sau khi xem những tác phẩm trình diễn trong đêm thi tốt nghiệp của chị, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật đã quyết định tuyển dụng chị làm giảng viên...

Nếu đã được xem “Gạo mới”, “Mùa về” do chị biên đạo, dù khán giả khó tính nhất, dù biên đạo múa gạo cội nhất cũng bị cuốn theo những dòng chảy âm thanh, dòng chảy nhịp điệu và ngôn ngữ cơ thể được người diễn viên dẫn dắt từ đầu đến cuối câu chuyện. Hai tác phẩm này đều lấy chất liệu từ dân ca dân tộc Khơ Mú.

Chị chia sẻ: “Ở người Khơ Mú có sự hào sảng, lạc quan và tình yêu thiên nhiên. Mẹ tôi cũng là người Khơ Mú, qua bà, tôi yêu con người, tập quán và vùng đất mà họ sinh sống. Có phải vì thế chăng mà khi được dàn dựng những tiết mục mang chất liệu dân gian miền núi, tôi như được về tắm ở con khe, con suối, như được tha hồ khoả vào dòng nước mát lành ở miền biên viễn, nơi mà tuổi thơ mẹ tôi đã được nuôi dưỡng”.

Thế nhưng nếu nói dân gian đương đại là thế mạnh của chị cũng chưa hẳn đã đúng bởi nhiều tác phẩm mang hơi thở hiện đại của chị cũng được hội đồng nghệ thuật trong các liên hoan lớn cho rằng: không có đối thủ. Chị luôn tìm tòi cái mới, luôn cách điệu hóa những điều dung dị trong cuộc sống, đưa nó lên sàn diễn.

Tác phẩm “Nhịp sống” không có âm nhạc, người diễn viên dùng đạo cụ để tạo âm thanh, người diễn viên cũng tự hát khúc hát lao động để tạo ra âm nhạc. Đây là điều mà cả hội đồng nghệ thuật bất ngờ và đây chính là sự tìm tòi, là sự hiện đại trong cái dung dị và sự dung dị trong cái hiện đại của tác phẩm mà chị mang đến hội thi và giành HCV toàn quân, HCV toàn quốc. Chị cho rằng, tiêu chí trong tác phẩm của chị đầu tiên phải là sự giản dị và dù có “bay” đến mấy, có kỹ thuật đến nhường nào thì cuối cùng, sự dung dị cũng được đặt lên hàng đầu. Bởi cái đích mà người nghệ sỹ mang tới khán giả chính là thông điệp về cái đẹp trong cuộc sống. Mà, cái đẹp nhất trong cuộc sống chính là sự giản dị.

Khi tôi hỏi, vậy có khi nào chị thấy cạn ý tưởng không, chị trả lời không do dự: “Không bao giờ”. Bởi trong mắt chị cuộc sống đẹp lắm, dung dị lắm và cuộc sống đã cho chị những sáng tạo không ngơi nghỉ. Lúc nào cuộc sống còn vận động lúc ấy chị vẫn còn đề tài, còn cảm hứng sáng tạo.

Chị kể, có lần lên Sapa công tác, lúc đấy đã chiều, trời rét lắm, chị trông thấy một khách du lịch người nước ngoài đang trò chuyện với một người phụ nữ Dao gùi đứa con đang say ngủ. Ngạc nhiên chị lại gần thì thấy người phụ nữ này đang chỉ đường cho người khách một cách tận tình, với vốn tiếng Anh lưu loát. Và hình ảnh đó đã cho chị nguồn cảm hứng để sáng tạo nên “Cặp ba lá” đạt giải Nhì (không có giải Nhất) trong liên hoan tài năng múa trẻ toàn quốc. Những hình ảnh đẹp như người phụ nữ mang tơi ra đồng cấy trong những ngày đông giá rét, hay hình ảnh những em bé hồn nhiên, những cụ già chậm rãi trên các con phố đông đúc đô hội cũng gây nhiều cảm xúc mạnh mẽ với một người nhặt nhạnh những điều dung dị trong cuộc sống để đưa nó lên sàn diễn, cách điệu thành bộ môn nghệ thuật múa như chị.

Vì thế chị luôn trăn trở làm sao để người diễn viên cũng thấm đẫm được điều đó, và đưa nó vào hồn cốt của động tác, của ngôn ngữ hình thể. Với chị, muốn bộ môn múa đến gần với công chúng, thì người biên đạo, người diễn viên trước hết phải trang bị cho mình được phông văn hóa dày dặn mới có thể chuyển tải được ý tưởng của biên đạo và mới có thể đưa múa gần với khán giả. Điều này một lần nữa lại đặt lên vai chị những trăn trở trong công tác đào tạo. Và mỗi chuyến đò đầy cô giáo Kiều Lê chuyên chở, đều mang nặng những tâm tư nhưng cũng đầy lạc quan về một thế hệ múa mới, họ sẽ mang đến cho nghệ thuật múa Việt Nam những hơi thở mới, những hơi thở của kế thừa và phát huy tinh hoa của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Khi được hỏi về trách nhiệm của người nghệ sỹ biên đạo trong việc tôn vinh di sản dân ca xứ Nghệ, chị trầm ngâm: “Tôi cũng đã từng nghĩ đến điều này. Là người Nghệ, mỗi khi nghe câu hát ví giặm cũng khiến tôi nao lòng bồi hồi nhớ tuổi thơ, và trong tương lai hình ảnh những cô gái chàng trai phường vải sẽ được tôi chuyển tải trong những tác phẩm múa của mình”. Chị cũng cho rằng tuy không ở lĩnh vực ca hát nhưng múa là bộ môn nghệ thuật để âm nhạc được cất cánh, và không có cớ gì ví, giặm lại không được bay lên khi âm thanh trong ngôn ngữ múa được người Nghệ thổi vào đó hồn vía và cốt cách phường vải xa xưa...

Thanh Nga

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
NSƯT - Biên đạo múa Lữ Kiều Lê: Vẻ đẹp từ sự dung dị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO