NSƯT Lệ Thanh: Trọn một tình yêu dân ca
(Baonghean) - Đón tôi trong căn nhà ấm áp. Vẫn gương mặt phúc hậu và nụ cười duyên dáng ấy, tôi bất ngờ Lệ Thanh đã bước sang tuổi 57. Có lẽ dân ca đã cho chị sự trẻ trung trên gương mặt lẫn tâm hồn chị chăng? Hơn 10 năm được nghỉ hưu nhưng Lệ Thanh vẫn dành trọn một tình yêu với dân ca. Tham gia dạy hát dân ca trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An, Trường Văn hoá Nghệ thuật tỉnh và luôn sẵn lòng dạy dân ca miễn phí nếu như ai đó thực sự yêu thích dân ca. Nhắc về nghiệp diễn, chị nhớ kỷ niệm hát ở Trường Sa và năm lên 6 tuổi...
Nghệ sỹ Lệ Thanh nhớ như in cái giây phút khấp khởi đan xen sự hồi hộp của cô bé mới bước sang 6 tuổi được theo ba (ông Ngọc Hùng - Trưởng đoàn Ca kịch Trị Thiên Huế) ra Hà Nội hát cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nghe trước khi ông vào Nam. Với vóc dáng nhỏ, các anh chiến sỹ bộ đội phải kê cho cô bé Thanh một chiếc bàn gỗ để Thanh đứng hát. “Em là con miền Nam, sống trong lòng đất Bắc lớn lên có Bác Hồ nuôi nấng thương yêu...”, bé Thanh đã nhận được những tràng pháo tay cỗ vũ của đông đảo khán giả bộ đội. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khen Thanh hát hay, có chất giọng ngọt ngào, ấm áp. “Cháu còn nhỏ thế này mà hát rất hay, chú tin cháu có rất nhiều triển vọng con đường ca hát, khi ấy, đừng quên hát cho chiến sỹ bộ đội nghe...”.
Nhớ lần ra Trường Sa, khi tàu vừa cập bến, các chiến sỹ bộ đội Trường Sa đã đón đoàn với những “nhành hoa” san hô của đảo, những nụ cười ngập tràn hạnh phúc, bấy nhiêu thôi đủ làm cho chị ấm lòng. Nhiều chiến sỹ ở đảo đã nhận ra chị sau khi chị thể hiện các ca khúc: Hà Tĩnh mình thương; Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác... Mọi người reo to: “Chị Lệ Thanh... đúng là giọng hát chị Thanh...”. Thì ra, nhiều đêm khuya, cán bộ, chiến sỹ Trường Sa nghe Đài Tiếng nói Việt Nam thường xuyên được nghe tiếng hát của chị. Sau lần ở Trường Sa về, Lệ Thanh không những tặng các chiến sỹ một chiếc rađiô bé nhỏ và mấy cuốn băng ghi âm những ca khúc quen thuộc, Lệ Thanh còn là người đưa thư nhanh, nhiệt tình mà các chiến sỹ Trường Sa nhờ chị chuyển cho gia đình, người thân.
Học hết lớp 10, trở thành đội văn nghệ của tỉnh Hà Tĩnh và 4 năm sau Lệ Thanh được tuyển thẳng vào Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4 và gắn bó cho đến lúc nghỉ hưu. Từ nhỏ, cô bé Thanh đã đắm mình trong những câu hát dân ca, âm hưởng sâu lắng của những khúc hát đã trở thành mạch nguồn thấm vào tâm hồn cô bé Thanh xinh đẹp của triền đất Hương Sơn (Hà Tĩnh). Thanh nhớ, lúc lên 4 tuổi, vào những đêm trăng sáng, trên dòng sông Ngàn Phố - quê hương của Thanh có rất nhiều đàn bà, con trai, con gái đi bè trên sông hò hát râm ran. Thanh cũng hoà chung vào những câu ca sâu lắng ấy đến 1, 2 giờ sáng mới chịu xuống bè về nhà. Từ đó, cô bé Thanh đã yêu và thuộc khá nhiều các bài hát về dân ca. Năm tháng qua đi, những câu hát mượt mà đêm đêm trên dòng sông Ngàn Phố, được thừa hưởng cái nôi văn nghệ của con nhà "nòi" đã ăn sâu vào tiềm thức, góp phần cho Lệ Thanh lên đỉnh cao của sự nghiệp ca hát.
Từ lớp 1 cho đến lớp 10 Thanh là cây văn nghệ của trường, xã, huyện và tỉnh Hà Tĩnh. Năm lớp 9, Thanh đạt giải Nhất bài hát Leo núi. Cuộc thi Liên hoan tiếng hay do tỉnh Hà Tĩnh tổ chức. Học hết lớp 10 vào bộ đội và trở thành đội viên đội văn nghệ của tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1979, về Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4 cho đến lúc nghỉ hưu. Với công chúng yêu mến dân ca không còn xa lạ khi nhắc đến hai chữ Lệ Thanh - một giọng ca ngọt ngào với những ca khúc mà chị thể hiện đã ăn sâu vào trái tim khán giả như: Người đi xây hồ Kẻ Gỗ; Khúc tâm tình người Hà Tĩnh; Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác... Không chỉ sở hữu chất giọng đẹp ngọt ngào, trong sáng mà chị còn luôn đem lại những cảm xúc riêng biệt và ấn tượng đối với khán giả mỗi khi chị cất lên tiếng hát.
Ngoài chất giọng trời phú, Lệ Thanh không ngừng học hỏi và khổ luyện giọng hát của mình. Hễ rảnh rỗi thời gian là hát, là tập luyện. Tất cả cố gắng ấy đã cho Lệ Thanh đạt đến danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú năm 1997. 3 Huy chương Vàng và rất nhiều Huy chương Bạc. Lệ Thanh tâm sự: “Hạnh phúc nhất trong cuộc đời ca hát của tôi là đi đến đâu đều được khán giả yêu mến đến đó”. Nhớ lúc con còn nhỏ, hôm thì vợ chồng Thanh mang con gửi về ông bà ngoại, lúc thì mang con đi theo đoàn, khi con lớn, bố mẹ đi diễn, con đi cỗ vũ, tặng hoa bố mẹ, hạnh phúc như được nhân đôi.
Nghệ sỹ Ưu tú Lệ Thanh sinh ra trong một gia đình có cái nôi văn nghệ. Ông bà nội của Thanh theo tuồng, cải lương từ lúc còn tấm bé, từng có một rạp hát tại Thành phố Huế, đêm nào cũng biểu diễn các vở tuồng, cải lương và các điệu ví 3 miền. Thanh khá thuận lợi và may mắn khi sinh trưởng trong một gia đình có cái nôi văn nghệ như thế, cộng với giọng ca trời phú và thừa hưởng cả dòng nước ngọt ngào của sông Ngàn Phố nơi Thanh cất tiếng khóc chào đời.
Ông Ngọc Hùng (ba của chị) khá phong phú trên từng vai diễn. Nhưng đạt nhất vẫn là những vai diễn đóng Tây. Sau những vai Tây, ông đi đến đâu đều bị dân làng đuổi rượt đến đó, từ lạ thành quen, khiến ông không còn nhớ mình đã bị rượt đuổi bao nhiêu lần. Ông còn bị đánh 2 lần nhừ đòn, bởi lý do đơn giản, họ ngỡ ông là Tây thật. Bé Thanh lớn lên, ông Hùng kể lại kỷ niệm nghiệp diễn của mình, tưởng con gái sợ, mà ngược lại Thanh lại khâm phục ba và đam mê. Thanh hát được tuồng, cải lương nhưng dân ca là làn điệu Thanh lựa chọn, đeo đuổi và dành trọn tình yêu cho làn điệu này.
Hỏi lý do vì sao không theo tuồng, cải lương như ông bà nội, ba của mình mà chỉ say với dân ca thì Lệ Thanh chỉ nói rất đơn giản: “Bởi vì tôi yêu những khúc hát dân ca”.
Thu Hương