PV: Sau khi giành Giải Nhì chung cuộc Sao Mai toàn quốc năm 2001 với ca khúc “Người Chiến sỹ ấy” - một sáng tác của nhạc sỹ Hoàng Vân, nhiều công chúng yêu nhạc đã biết đến anh - người nghệ sỹ áo lính Vũ Tiến Lâm. Anh có thể tiết lộ lý do nào đã đưa anh đến với con đường âm nhạc?
NSƯT Tiến Lâm: Tôi sinh ra trong gia đình đông anh em, từ nhỏ chúng tôi đã sống với cái đói cái nghèo cùng mẹ cha ở vùng ven biển Diễn Đoài, Diễn Châu, nhưng không hiểu sao rất nhiều anh chị tôi yêu nghệ thuật đến lạ. Họ chính là người nhen nhóm cho tôi ngọn lửa đam mê nghệ thuật và cũng là người dìu bước tôi đến chân trời ấy.
NSƯT Tiến Lâm biểu diễn trong một chương trình. Ảnh: NVCC |
Anh trai tôi Vũ Tiến Vinh - Nguyên là Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật tỉnh là người đã dạy cho tôi những nốt nhạc đầu tiên. Chính anh là khiến cho tôi biết yêu những thanh âm của nhạc cụ, và cũng là người phát hiện tôi sở hữu chất giọng tenor để bồi dưỡng và dìu dắt. Còn chị dâu - NSƯT Ngọc Hà cũng là người giúp cho tôi thấy được cái hay của âm nhạc dân gian qua chính giọng hát của chị.
Ca khúc "Người chiến sỹ ấy" do NSƯT Tiến Lâm thể hiện. |
Năm 11 tuổi, tôi đã theo học bộ môn đàn bầu, chuyên ngành đàn dân tộc suốt 7 năm, sau đó chuyển sang đàn ghi-ta 4 năm, với dự định sẽ thành nhạc công. Nhưng như bạn thấy đấy, do hữu duyên với thanh nhạc nên cuộc đời đã có thêm một Tiến Lâm hát tình ca cách mạng. Thanh nhạc dù là bến đỗ nhưng tôi luôn thầm cảm ơn những năm tháng học đàn, chính những kiến thức chắc chắn về nhạc cụ đã giúp tôi hiệu chỉnh âm thanh tốt.
PV: Sau này được tuyển vào Đoàn Văn công Quân khu 4 anh luôn được hát chính cũng với những giọng ca tên tuổi cùng thời. Người ta cũng đã nghĩ về tương lai của anh - một nghệ sỹ áo lính với rất nhiều giải thưởng nay mai. Anh có thể kể về chặng đường khá dài này của mình?
Ca khúc được chương trình VTV phát trực tiếp. Clip: Đài THVN |
NSƯT Tiến Lâm: Phải nói rằng tôi là người theo học về âm nhạc lâu nhất so với những ca sĩ quân khu cùng thời. Sau khi tốt nghiệp nhạc công, tôi theo thanh nhạc hệ trung cấp rồi cao đẳng, đến tận năm 32 tuổi, năm 2005, tôi mới tốt nghiệp đại học chuyên ngành thanh nhạc. Trong quá trình công tác ở Đoàn và thời gian theo học ở Học viện Âm nhạc quốc gia tôi thường được giao những bản tenor cao vút đậm khí chất cách mạng như "Chiến sỹ sông Lô" của Hoàng Vân, "Tình ca" của Hoàng Việt, "Đất nước trọn niềm vui" của Hoàng Hà... Và tôi biểu diễn, tôi hát bằng niềm vui tận hiến của một người chiến sĩ được vinh dự đứng trên sân khấu hát tặng cho người đồng đội, đồng chí của mình.
Được hát, theo Tiến Lâm đã là một hạnh phúc. Ảnh: NVCC |
Thời gian cứ trôi đi hạnh phúc như thế, đến năm 2001 tôi được cấp trên, thầy cô giáo và bạn bè động viên thi Sao mai - cuộc thi danh giá bậc nhất tôn vinh giọng hát Việt. May mắn ở cuộc thi cấp tỉnh, cấp khu vực tôi đều đạt giải Nhất. Đến vòng thi chung kết tôi lại được xướng tên hạng Nhì chung cuộc với chùm ca khúc "Chiến sỹ sông Lô", "Người chiến sỹ ấy" của Hoàng Vân.
Ca khúc được biểu diễn tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sĩ phát trên VTV 1 Đài Truyền hình Việt Nam. Clip: Đài THVN |
Phải nói giai đoạn này đi đâu cũng được người ta yêu cầu hát bài "Người chiến sỹ ấy", khiến tôi vô cùng sung sướng. Mọi người cứ hỏi tôi về việc sở hữu kỹ thuật này kia, nhưng tôi cho rằng hát bằng cả tấm lòng và trái tim của người chiến sĩ là quan trọng nhất. Hát bằng trái tim sẽ chạm đến trái tim.
Sau cuộc thi Sao Mai nhẽ ra tôi đã có sự thay đổi lớn về nghề nghiệp nhưng có lẽ sứ mệnh của tôi là sinh ra ở quê và tận hiến cho quê hương nên tôi không thể tham gia một ban nhạc lớn thời bấy giờ để thành danh như nhiều người vẫn nói. Thôi, đó là số phận, là duyên nghiệp rồi. Được hát ở Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4, hát ở quê mình và thi thoảng được mời những chương trình lớn của Trung ương thế là hạnh phúc rồi.
PV: Người ta gọi anh là nghệ sĩ giản dị nhất trong những nghệ sĩ giản dị, hoặc có người còn gọi vắn tắt là nghệ sĩ nông dân, anh có buồn về ý kiến này không?
NSƯT Tiến Lâm: Hoàn toàn không, đó là khái quát chân thật nhất về tôi...Với tôi mình có sao thì diễn ra vậy, âm nhạc là thứ muốn cố cũng không được. Con người mình càng thế, có cố cũng chỉ là Tiến Lâm chân chất mà thôi.
Suốt quãng đời ca hát của mình tôi luôn tâm niệm cuộc sống này công bằng lắm, tôi không thật sự nổi tiếng như nhiều người từng kỳ vọng, nhưng ngược lại tôi có một gia đình hạnh phúc, người vợ thảo hiền; tôi có một công việc ổn định, được sống đúng với đam mê, lấy đam mê nuôi sống nó.
Thời gian sau này, là giảng viên, ngoài đào tạo các em về kỹ thuật, phát hiện và bồi đắp những giọng hát hay, tôi còn luôn tâm niệm rằng muốn dạy học sinh, ca sĩ trẻ đạt nhiều thành tích, trước hết phải dạy các em về giá trị thẩm mỹ âm nhạc, bồi đắp tâm hồn rồi mới đến kỹ thuật thanh nhạc. Bạn nghĩ sao thì bạn sẽ hát nên vậy. Nghĩa là khi bạn có tâm hồn đẹp, lối sống tích cực thì bạn hát lên cũng thanh thoát, đầy mỹ cảm.
Hơn nữa với thanh nhạc nó lạ lắm, nếu có năng khiếu mà không rèn luyện thì giọng hát rất dễ lụi tàn, vậy ta mới nói thành công của một ca sĩ có tới 80% ở sự rèn luyện. Bởi nhân gian có nhiều người hát hay, có năng khiếu bẩm sinh nhưng họ không thể thi thố được, đơn giản vì họ không rèn luyện. Tôi chỉ nghĩ đơn giản vậy. Và bản thân không cho phép mình nghỉ tập, ngày nào tôi cũng luyện thanh, chơi đàn, ngày nào tôi cũng thấy mình được sống đẹp.
PV: Tôi thấy anh xuất hiện nhiều trên sóng truyền hình Quốc gia ở những chương trình lớn, như kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, 75 năm ngày thành lập nước, 110 năm năm sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hội nghị văn hóa toàn quốc. Có vẻ sự nổi tiếng vẫn vẹn nguyên như khi anh vừa mới bước ra cuộc thi Sao Mai, nhưng tôi rất ít gặp anh trên sân khấu xứ Nghệ. Anh có thể chia sẻ về điều này?
NSƯT Tiến Lâm: Ngay khi bước ra từ những cuộc thi lớn như Sao Mai hay các liên hoan chuyên nghiệp toàn quân và toàn quốc khác tôi đã được Đài quốc gia và Ban tổ chức sự kiện lớn mời biểu diễn. Tôi nghĩ là do mình phù hợp với nhiều ca khúc cách mạng có chất tenor và những ca khúc tình ca tình cảm thiết tha. Và hơn nữa tôi hoạt động trong môi trường quân đội nên khi hát những bài hát cách mạng lại càng chuyên chở được những hồn cốt nội dung của tác phẩm âm nhạc. Thế nên việc các nhà đài, các Ban tổ chức quen mặt đặt tên cho một ca sỹ quân đội có tính kỷ luật cao và hát cũng khá, là dễ hiểu thôi.
Còn việc biểu diễn sân khấu xứ Nghệ chắc tôi chưa gặp duyên chăng???
PV: Có thể nói điều gì đó về nghiệp ca sĩ áo lính, anh sẽ nói?
NSƯT Tiến Lâm: Khi đã gắn trên vai mình quân hàm sao vàng năm cánh chúng tôi luôn ý thức rằng mình sẽ chiến đấu hết mình với tinh thần quả cảm, hy sinh. Chiến đấu ở đây không chỉ là chiến đấu trước họng súng quân thù mà còn phải chiến đấu trong đời thường với những cám dỗ những cạm bẫy hoặc sự bằng lòng với bản thân. Chiến đấu ở đây cũng có thể hiểu là ta phải luôn giữ được khí chất người lính kiên trung giản dị như “Người chiến sĩ ấy ai đã gặp anh, không thể nào quên, không thể nào quên...!!!
PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!