Nữ điều dưỡng đi tìm sự thật từ những… tử thi

Diệp Thanh 07/03/2022 08:49

(Baonghean.vn) - Nhìn vẻ ngoài nhỏ nhắn, hiền lành của Nguyễn Thị Thanh, ít ai có thể đoán được chính xác công việc của cô. Thanh có một công việc mà ngay cả nam giới cũng ngần ngại. Cô là nữ điều dưỡng duy nhất tham gia mổ tử thi tại Trung tâm Pháp y tỉnh Nghệ An.

LỰA CHỌN CỦA THANH

Đi tìm công bằng, giúp tử thi lên tiếng… là những ví von thường được dùng để miêu tả công việc của những giám định viên, kỹ thuật viên ngành pháp y. Với công việc khám nghiệm tử thi, xác định tổn thương, tìm dấu hiệu xâm phạm…, những nhân viên ngành Pháp y gặp không ít áp lực cả về tinh thần lẫn thể chất. Không ít người phải giấu giếm, lảng tránh khi đề cập đến công việc của mình để tránh những dị nghị, xa lánh từ những người xung quanh. Thêm vào đó, chính sách và mức thu nhập khiêm tốn của nghề dẫn đến khó khăn trong việc thu hút sinh viên y khoa ít lựa chọn công việc này, thậm chí nhiều người đã làm lâu năm cũng nuôi ý định chuyển công tác.

Ảnh: D.T
Nhìn sự nhỏ bé, xinh xắn của điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh, ít ai đoán được công việc của cô. Ảnh: D.T

Thế mà, năm 2013, cô điều dưỡng mới ra trường là Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1991) lại chủ động lựa chọn công việc này. Thanh lý giải: “Từ khi còn rất nhỏ em đã thích đọc truyện trinh thám, xem phim hình sự. Lớn lên, dù không thể trở thành thám tử hay công an điều tra nhưng em vẫn luôn yêu thích, ngưỡng mộ công việc này. Vừa tốt nghiệp xong thì em tình cờ đọc được thông tin tuyển dụng điều dưỡng là của Trung tâm Pháp y tỉnh Nghệ An. Đây là lần đầu tiên trung tâm tuyển điều dưỡng là nữ. Nhận ra mình đáp ứng đủ những yêu cầu cho vị trí này nên em nộp hồ sơ ngay”.

Ở một cơ quan đặc thù như Trung tâm Pháp y tỉnh, nhiều nam giới còn ngần ngại khi phải bước qua cánh cổng, thế mà Thanh lại xin vào đó để làm. Nhìn gương mặt trẻ măng, háo hức của Thanh khi đến nộp hồ sơ, giám đốc của Trung tâm Pháp y lúc đó đã hỏi: Cháu có thể tham gia hỗ trợ mổ tử thi không?

Nguyễn Thị Thanh chuẩn bị dụng cụ giám định. Ảnh: D.T

“Cháu sẵn sàng ạ!” - Thanh trả lời, nhẹ nhàng mà thuyết phục. Ngay ngày hôm sau, Thanh được lãnh đạo trung tâm gọi đi tham gia một ca khám nghiệm tử thi. Bản lĩnh vững vàng, kiên định của cô gái nhỏ đã thuyết phục được lãnh đạo trung tâm. Cùng với sự ủng hộ, tin tưởng của bố mẹ, Thanh vừa học lên cao hơn vừa đảm nhận công việc kỹ thuật viên, cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm Pháp y tỉnh.

Nhớ lại những ngày đầu tiên vào nghề, Thanh trải lòng: “Dù không thể hiện ra nhưng thật sự là lúc đó em có sợ. Những đêm đầu tiên, em đã không thể ngủ được, cứ nhắm mắt là những hình ảnh trong cuộc khám nghiệm hiện ra. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, em nhận ra có một thứ còn lớn hơn cả nỗi sợ. Đó chính là sự xót xa trước những mảnh đời bất hạnh, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Cũng chính những cảm xúc đó đã trở thành động lực để em gắn bó với nghề dù người khác có nói gì đi nữa. Và cho đến bây giờ, em tự tin nói rằng, mình đã có một lựa chọn đúng”.

GÓP SỨC MÌNH TRÊN HÀNH TRÌNH TÌM CÔNG LÝ

Trung tâm Pháp y tỉnh Nghệ An nằm trên đường Tân Hùng, vốn là khu nhà xác của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa (Ba Lan) cũ. Không gian làm việc quen thuộc của Thanh và những giám định viên, kỹ thuật viên tại Trung tâm Pháp y tỉnh là phòng đại thể. Căn phòng rộng tầm 20m² này nằm đấu lưng với phòng đón tiếp hồ sơ, văn thư của trung tâm.

Chiếc bàn đá ở phòng đại thể - nơi tử thi được đặt lên để giám định. Ảnh: D.T

Chính giữa phòng là 2 bàn đá, với nguồn điện, nguồn nước, ánh sáng đầy đủ được thiết kế riêng để phục vụ công việc khám nghiệm, giải phẫu tử thi. Không gian đơn sơ và lời giới thiệu về căn phòng này có thể làm lạnh gáy bất cứ người nào yếu bóng vía. Nhưng với Thanh, đây là không gian làm việc lý tưởng để phục vụ công tác khám nghiệm.“Không phải lúc nào cũng được giám định trong điều kiện đầy đủ thiết bị, dụng cụ của phòng đại thể đâu chị ạ. Trong hầu hết các vụ tai nạn, tử vong không rõ nguyên nhân chúng em chỉ có thể lấy theo hộp dụng cụ, đồ bảo hộ, trang thiết bị đơn giản nhất mang theo để tiến hành làm việc một cách nhanh nhất ngay trên mặt đất, tại hiện trường trong điều kiện, rào chắn tạm bợ. Những trường hợp tiến hành khám nghiệm ở các thôn, bản thuộc những huyện miền núi còn thiếu thốn hơn nữa” - Thanh chia sẻ.

Một trong những lần tác nghiệp thử thách nhất của Thanh là khi tham gia khám nghiệm tử thi tại một bản vùng sâu vùng xa huyện Tương Dương. Bản nằm rất xa trung tâm và đường đi đến đó gần như không có đường thẳng. Những khúc cua liên tục khiến tài xế cũng phải nôn nao vì cảm giác say xe. Khi đến nơi, dù vô cùng mệt mỏi nhưng đoàn công tác cần phải bắt tay vào công việc ngay lập tức. Thanh nhớ lại: “Vì không có lựa chọn nào khác, nạn nhân được giải phẫu ngay trên nền đất của gia đình mình, dưới sự chứng kiến của rất nhiều người dân trong bản - điều rất hiếm khi xảy ra và trong điều kiện thiếu thốn nhiều thứ, từ nguồn nước đến vật dụng... Là kỹ thuật viên trực tiếp hỗ trợ thực hiện ca khám nghiệm này, em phải liên tục trấn an bản thân, và tìm đủ cách xoay xở để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ”.

Theo quy định, mổ tử thi là một trong 77 công việc phụ nữ không được làm và trung tâm cũng không phân công nhưng Thanh tình nguyện tham gia nhiệm vụ này, dưới sự hướng dẫn của giám định viên pháp y. Ảnh: D.T

Không chỉ là môi trường độc hại, không chỉ là rủi ro thể chất, không chỉ là những ảnh hưởng tâm lý, những giám định viên, kỹ thuật viên pháp y còn phải chịu nhiều áp lực khác. Họ phải chịu trách nhiệm về kết quả giám định của mình, chịu nhiều nguy hiểm, sức ép từ dư luận xã hội, từ người bị hại, từ thủ phạm, từ cả phía luật sư, tòa án, cơ quan tố tụng… Ông Nguyễn Văn Hiến - Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh chia sẻ: “Công việc đòi hỏi đội ngũ giám định viên, kỹ thuật viên phải luôn trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ, kể cả khi 1-2 giờ sáng. Ngoài ra, chúng tôi phải luôn giữ được bình tĩnh trước nhiều sức ép để sáng suốt để xử lý công việc. Chính vì vậy, những nữ kỹ thuật viên tâm huyết, gắn bó với nghề như Thanh thật sự đáng ngưỡng mộ”.

Là người trực tiếp hướng dẫn cho Thanh, bác sĩ Cần Quang Hà - giám định viên Trung tâm Pháp y tỉnh Nghệ An chia sẻ, không ít lần, chính Thanh là người đã xoa dịu những bức xúc, đau đớn của người nhà nạn nhân bằng tác phong điềm tĩnh, bản lĩnh của một nhân viên ngành pháp y và sự chân thành, dịu dàng, nhân hậu của một người phụ nữ.

Tìm thấy ý nghĩa trong công việc của mình, Nguyễn Thị Thanh khẳng định mình sẽ gắn bó lâu dài với công việc. Ảnh: D.T

Nhìn lại chặng đường gần 10 năm làm việc tại Trung tâm Pháp y tỉnh, Thanh trải lòng: “Là nữ kỹ thuật viên duy nhất, em luôn được các chú, các anh trong cơ quan chỉ bảo, động viên tận tình. Hơn hết, em gắn bó với nơi này, công việc này, nhiệm vụ này bởi em tìm thấy ý nghĩa trong những việc mình làm. Công việc cho em cơ hội đóng góp sức mình trên mặt trận chống tội phạm, bảo vệ lẽ phải, đem lại công bằng cho xã hội”.

Mới nhất

x
Nữ điều dưỡng đi tìm sự thật từ những… tử thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO