Nước cờ bất ngờ: Ấn Độ giáng một đòn vào nền kinh tế Mỹ

vn.sputniknews.com 11/01/2019 08:41

Từ ngày 31 tháng 1, Chính phủ Ấn Độ tăng đến 30% thuế nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp Mỹ.

Ở đây nói về các loại nông phẩm trị giá 857 triệu USD - hơn một phần ba tổng khối lượng thực phẩm nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Tại sao New Delhi áp thuế nhập khẩu trả đũa Washington và tại sao các chuyên gia coi đây là "dấu vết của Trung Quốc"? Sau đây là bài của Sputnik về nội dung này.

Ảnh: Sputnik
Mặc dù Trung Quốc đã và vẫn là mặt trận chính trong cuộc chiến thương mại của Washington, nhưng Tổng thống Donald Trump cũng đã gây cơn đau đầu lớn cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Sputnik

Tất cả đã bắt đầu vào tháng 3 năm ngoái khi Trump công bố quyết định đánh thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm. Các nhà luyện kim Ấn Độ đã bị thiệt hại cùng với các đồng nghiệp từ Nga, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản và các nước khác.

Ấn Độ cũng đã bị ảnh hưởng vì sự hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga. Vào tháng Tư, Tập đoàn Rosoboronexport bị Mỹ liệt vào danh sách đen vì đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA), và các ngân hàng Ấn Độ đã phải đóng băng khoản tiền trị giá 2 tỷ USD để sửa chữa tàu ngầm hạt nhân Chakra được thuê từ Nga (Dự án 971 Shchuka - B). Nếu không, các ngân hàng Ấn Độ có nguy cơ mất khả năng thực hiện các giao dịch ngoại thương bằng đô la Mỹ.

Đầu tháng 5, Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, hứa sẽ chính thức nối lại các lệnh trừng phạt với Iran và tất cả những nước hợp tác với chính quyền Iran. Rõ ràng, điều này cũng nhằm vào Trung Quốc và Ấn Độ, hai khách hàng lớn nhất mua dầu mỏ từ Iran.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã trì hoãn lệnh trừng phạt, sự miễn trừ có hiệu lực trong 180 ngày đã được cấp cho Bắc Kinh và New Delhi để họ tìm kiếm các nhà cung cấp mới. Đồng thời, theo tin của Sputnik, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết rằng, các dịch vụ thanh toán phải được thực hiện thông qua một tài khoản ký quỹ đặc biệt. Quốc gia mua hàng phải mở tài khoản này, và các khoản tiền được chuyển đến Iran chỉ có thể được chi cho hàng hóa viện trợ nhân đạo mà Washington cấp giấy phép mua.

Cần phải lưu ý rằng, Trump đã đồng ý trì hoãn lệnh trừng phạt không phải vì lòng tốt của ông ta. Đây là kết quả của cuộc đàm phán khó khăn kéo dài 6 tháng. Vào đầu tháng 11, một nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã cho biết về điều đó với Sputnik.

Quy mô của nền kinh tế không cho phép Ấn Độ đáp trả đối xứng với các biện pháp áp thuế của Mỹ. Khác với Bắc Kinh, New Delhi không thể tham gia vào cuộc đối đầu công khai với Washington (theo Ngân hàng Thế giới, GDP Ấn Độ năm 2017 là 2,6 nghìn tỷ USD, Trung Quốc - 12,2 nghìn tỷ USD).

Sự hung hăng của Washington đã dẫn đến việc, Bắc Kinh và New Delhi lần đầu tiên sau một thời gian dài chuyển từ đối đầu kinh tế sang các biện pháp phối hợp chống lại áp lực của Mỹ. Mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc là hai đối thủ chiến lược ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, New Delhi và Tehran đã đồng ý từ bỏ đồng đô la trong thanh toán cho việc cung cấp dầu mỏ, và kể từ tháng 1 đã chuyển sang thanh toán bằng đồng rupee. Giám đốc Ngân hàng quốc doanh UCO Bank của Ấn Độ ông Charan Singh đã cho biết về điều đó với Reuters.

Trước đó, Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận tương tự với Nga. Đầu tháng 11, Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov cho biết, hợp đồng về cung cấp cho Ấn Độ các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph sẽ được thanh toán bằng đồng rúp của Nga. Như dự định, trong tương lai các hợp đồng về cung cấp sản phẩm dân sự cũng sẽ được thanh toán bằng đồng tiền quốc gia.

Trên thực tế, điều này có nghĩa là Ấn Độ không còn phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu các mặt hàng chủ lực.

Vào ngày 21 tháng 12, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ở New Delhi. Các phương tiện truyền thông đã viết rất ít về cuộc gặp đó, nhưng khó có thể coi là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi hai tuần sau đó, Ấn Độ đã quyết định tăng thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm: táo, hạnh nhân, đậu lăng, quả óc chó. Hơn nữa, New Delhi cảnh báo rằng, trong tương lai, các hạn chế sẽ ảnh hưởng đến một số sản phẩm thép không rỉ, axit boric, các linh kiện của ống và xe máy.

Xin nhắc lại rằng, vào mùa Thu năm ngoái, Bắc Kinh cũng đã áp thuế 25% với các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ. Biện pháp này đã tác động mạnh đến những người nông dân cung cấp lúa mì, ngô, các sản phẩm từ sữa, thịt lợn. Thị trường đậu tương bị thiệt hại nhiều nhất - xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 98%, và gây ra cuộc khủng hoảng sản xuất thừa (đậu tương là mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn nhất của Mỹ sang Trung Quốc - nước chiếm khoảng 60% thương mại đậu tương).

Trong nước chỉ đơn giản không có đủ nhà kho để lưu trữ đậu tương. Ngay cả sau khi giá thuê nhà kho đã tăng 40% so với năm trước, tất cả các nhà kho đều chứa đầy đậu tương mà không ai muốn mua. Những người nông dân buộc phải chôn vùi đậu tương.

Bây giờ các biện pháp mới của Ấn Độ cũng có thể gây ra hậu quả tương tự như vậy. Cần phải lưu ý rằng, các bang sản xuất nông nghiệp đều là những bang ủng hộ Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Tuy nhiên, xét theo mọi việc, trong năm 2020 ông ta không thể chờ đợi sự ủng hộ của nông dân.

Để khắc phục tình trạng này, Nhà Trắng đã thông qua quyết định hỗ trợ 15 tỷ USD cho nông dân bị thiệt hại do các đòn trả đũa. Tuy nhiên, do tranh chấp với Trump về việc xây dựng bức tường ngăn ở biên giới giữa Mexico và Mỹ, các nhà lập pháp đã từ chối phê duyệt ngân sách cho năm 2019, và tất cả chi tiêu của Chính phủ hiện bị đóng băng vô thời hạn. Kể cả chương trình hỗ trợ nông dân.

Không phải ngẫu nhiên mà Ấn Độ và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn vào năm ngoái sau nhiều năm tranh chấp lãnh thổ. Cuộc gặp vào ngày 21 tháng 12 tại New Delhi không phải là cuộc đàm phán duy nhất.

Kết quả là kể từ bây giờ, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hai nền kinh tế lớn nhất hành động chống lại Washington, hai quốc gia này chiếm khoảng 20% nhập khẩu và 12% xuất khẩu của Mỹ. Nhiều khả năng trong năm 2019 Trump khó có thể cân bằng cán cân thương mại.

Mới nhất

x
Nước cờ bất ngờ: Ấn Độ giáng một đòn vào nền kinh tế Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO