Nước dâng cao, người dân tất tả chạy lũ

17/10/2013 20:57

(Baonghean.vn)- Nước lũ từ thượng nguồn và từ các sông suối ở Hà Tĩnh đổ về đã khiến nhiều xã vùng hạ lưu của các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên bị ngập sâu. Nhiều địa phương bị chia cắt hòan toàn, người dân tất tả chạy lũ.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11 kết hợp với không khí lạnh đã gây gió và mưa vừa, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 150.0 – 350.0mm, một số nơi có lượng mưa lớn như Đô Lương: 289mm, Nam Đàn 393mm, Vinh 188,3 mm, Quỳnh Lưu 270mm. Mưa lớn trong hai ngày qua cộng với việc nước lũ từ Hà Tĩnh đổ về và hai đập nước ở huyện Thanh Chương bị vỡ đã khiến nước lũ trên các sông, suối dâng cao. Mực nước lúc 16 giờ ngày 17/10 tại Nam Đàn là 6,65m (dưới báo động II 0,25m). Theo dự báo, lũ trên các sông trong tỉnh tiếp tục lên. Chiều tối 17/10, mực nước trên các sông Cả tại Nam Đàn lên mức 7,0 m, trên mức báo động II: 0,10m, sau còn tiếp tục lên. Nước lũ lên nhanh đã khiến nhiều khu dân cư bị chia cắt, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Nước lũ ngập nhà dân ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên
Nước lũ ngập nhà dân ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên

Nằm ở ngoài đê Tả Lam, một năm vài lần, người dân xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên phải chịu cảnh ngập lụt khi nước sông Lam dâng cao. Năm nay, trong vòng 1 tháng qua, người dân đã phải 2 lần chạy lũ sau hai trận bão liên tiếp. Sáng 17/10, bà Nguyễn Thị Quý ở xã Hưng Nhân đang đi chăn trâu bình thường, đến trưa thấy nước đổ về cuồn cuộn, dâng lên rất nhanh. Trong khoảng 1 giờ đồng hồ, nước ngập băng con đường từ đê Tả Lam vào trung tâm xã rồi tiếp tục dâng lên, ngập các đường làng và ngập vào nhà dân.

Ngay lập tức, không ai bảo ai, mọi người vội vàng hạ xuồng gỗ, kê kích lúa gạo lên cao và mang một số tài sản như xe máy, đồ điện tử mang đi gửi ở làng trong đê. Một số cụ già và em nhỏ cũng được đưa đi sơ tán vì sợ trời tiếp tục mưa to, nước lũ sẽ dâng lên gây nguy hiểm. Đến đầu giờ chiều, khi việc kê kích tài sản hoàn tất cũng là lúc xã Hưng Nhân biến thành một biển nước, cô lập hoàn toàn, chỉ có thể đi lại bằng thuyền. Lúc này, người dân bắt đầu chèo thuyền, mang tre nứa, bạt lên bờ đê dựng lán cho trâu bò, lợn gà tránh lũ.

Người dân Hưng Nhân tất tả chạy lũ.
Người dân Hưng Nhân tất tả chạy lũ.

Nằm cạnh xã Hưng Nhân, các xóm 1, 2, 6, 7 của xã Hưng Lợi cũng ngập sâu trong nước. Từ trưa, con em trong các xóm đi học về phải qua đò, buổi chiều các em phải nghỉ học vì nước ngập quá sâu, chảy xiết. Chiều 17/10, vừa tất tả đưa mấy con trâu lên đê tránh lũ, ông Minh, 67 tuổi thở dài “Dân bầy tui năm mô cũng chịu cảnh lụt lội. Thường là mưa lớn, dài ngày thì mới lụt to chứ năm ni lụt liên tục, nước về nhanh quá. Cũng may là có kinh nghiệm sông nước chứ không thì không quay trở kịp”. Tại xóm 12 xã Hưng Long, con đường độc đạo từ ngoài đê về xóm cũng đã bị ngập sâu đến vài mét. Người dân chỉ có thể qua lại bằng thuyền, bè.

Biển nước cô lập người dân các xã ngoài đê của huyện Hưng Nguyên.
Biển nước cô lập người dân các xã ngoài đê của huyện Hưng Nguyên.

Ông Nguyễn Công Hoan - Chủ tịch xã Hưng Nhân cho biết, từ sáng đã có 7 xóm bị ngập, đến chiều thì cả xã bị cô lập hoàn toàn. Học sinh phải nghỉ học, được bố mẹ đưa lên gác chạn tránh lũ, chỉ người lớn có việc cần mới được dùng thuyền đi ra ngoài. Hiện nay, lực lượng thường trực phòng chống lụt bão của xã đang được huy động 24/24h để sẵn sàng giúp những gia đình ngập sâu chạy lũ nếu nước tiếp tục dâng cao.

Sau đây là hình ảnh người dân Hưng Nguyên chạy lũ:

.

Thực hiện: Nguyên Sơn - Khoa

Tại huyện Thanh Chương, những đợt mưa lớn, kéo dài trong hai ngày qua đã khiến các hồ đập ở huyện Thanh Chương đầy nước, phải xả tràn. Đặc biệt, có hai đập nhỏ bị vỡ là đập Cồn Đẻn xã Thanh Xuân dài 30m, chiều cao đập 2,5m, có dung tích trữ nước 7.000 m3 và đập Phốp có dung tích trữ nước 18.000 m3. Mưa lớn cộng với việc vỡ 2 đập nước đã khiến các xã Thanh Xuân, Thanh Mai bị ngập sâu. Ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết, hiện nay các xóm 3, 7A, 7B, 8A, 8B bị biến thành ốc đảo, có 2 nhà bị sập vì mưa lớn, toàn bộ các ao nuôi cá trong dân đều bị ngập, người dân mất trắng hoàn toàn. Xã Thanh Tùng nằm ở vùng trũng của huyện Thanh Chương hiện cũng đã bị chia cắt thành 8 khu vực khác nhau. Hai ngày nay, học sinh được nghỉ học để tránh nguy hiểm.

Thuyền nan là phương tiện chủ yếu để di chuyển trong vùng bị ngập.
Thuyền là phương tiện chủ yếu để di chuyển trong vùng bị ngập.

Toàn huyện Thanh Chương hiện nay có 240 nhà dân bị ngập sâu, chủ yếu là người dân thuộc vùng Bích Hào gồm các xã Thanh Hà, Thanh Tùng, Thanh Giang, Thanh Mai, Thanh Xuân, Thanh Lâm và một số hộ dân ở vùng hạ lưu của các đập thủy lợi xả tràn. Hiện nay, học sinh ở các vùng này đều đang nghỉ học vì lũ.

Tại huyện Nam Đàn, nước lũ từ thượng nguồn đổ về cộng với mưa lớn đã khiến nhiều vùng bị ngập sâu. Các xóm 4,5 của xã Nam Lộc nằm cạnh chân đập Ba Khe, trong hai ngày qua nước đã chảy qua tràn xả lũ của đập khiến nhiều nhà dân bị ngập đến nửa mét. Đến chiều 17/10, một số nhà dân và trường mầm non của xã Nam Lộc vẫn đang bị ngập nước. Các xã vùng trũng như Nam Phúc, Nam Cường, Nam Kim, Nam Hoành của huyện Nam Đàn hiện đã bị ngập sâu, bị cô lập hoàn toàn.

Người dân xã Hưng Lợi cố gắng mang trâu bò, lợn gà ra khỏi làng
Người dân xã Hưng Lợi di chuyển trong nước ngập

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, mưa lớn sau bão số 11 đã khiến các hồ đập lớn nhỏ tên địa bàn tỉnh đều đầy nước. Ngoài hai hồ nhỏ đã bị vỡ ở huyện Thanh Chương, cơ quan chức năng cũng phải hạ tràn khẩn cấp hồ Đồn Húng xã Lăng Thành, Yên Thành. Đây là hồ thủy lợi do công ty TNHH 1 thành viên thủy lợi Bắc quản lý. Khi nước đổ về vượt tràn 1,1m, mực nước cách đỉnh đập 0,82m, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã chỉ đạo công ty xử lý hạ tràn phụ có chiều rộng 18m, dài 25m, sâu 1,3m. Trước khi hạ tràn phụ, nhiều hộ dân xã Lăng Thành sống dưới tràn đã được di chuyển đến nơi an toàn. Hai ngày nay, chính quyền địa phương xã Nam Kim và Công ty Thủy lợi Nam đang nỗ lực xử lý sự cố tràn lọc hạ lưu của Đập hồ Thành khi mực nước chảy qua tràn 0,9 mét đã xuất hiện 8 lỗ rò rỉ. Đến chiều 17/10, về cơ bản các chỗ rò rỉ đã được xử lí xong, đơn vị quản lí đang túc trực thường xuyên để xử lí các sự cố do mưa lũ. Tại hồ Vực Mấu (thị xã Hoàng Mai), hiện đang tiếp tục xả lũ 1 cửa, hồ thủy lợi Sông Sào (huyện Nghĩa Đàn) cũng đang xả 1 cửa tràn để đảm bảo an toàn…

Rồi dựng lán trại trên đê Tả Lam để tránh lũ.
Người dân dựng lán trại trên đê Tả Lam để tránh lũ.

Hiện nay, ngoài các con đường liên xóm, liên xã ở Thanh Chương, Nam Đàn, Yên Thành, Hưng Nguyên đang bị ngập sâu, không thể đi lại được thì một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cũng đang bị ngập trong nước lũ. Trên quốc lộ 7 đoạn km16 – km18 qua các huyện Yên Thành, Đô Lương bị ngập từ 0,4 – 0,5 km khiến giao thông bị ách tắc. Tỉnh lộ 531 các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Hồng, Nghĩa Hội, Nghĩa Hưng, Nghĩa Thịnh của huyện Nghĩa Đàn hiện đang bị ngập sâu. Nhiều đoạn tràn ngập đến 2,8 m, cơ quan quản lí đường bộ đã cho lập barie để cấm người và phương tiện qua lại. Theo dự báo, trong những ngày tới, trời tiếp tục có mưa lớn, diễn biến lũ vẫn hết sức phức tạp, người dân cần phải đề phòng, không được chủ quan để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Đến thời điểm này, mưa lũ do hoàn lưu của bão số 11 đã khiến 1 người chết là em Nguyễn Thị Thúy, 16 tuổi, ở xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, trong lúc đi học về qua cầu Đa Lộc ngập sâu, em sẩy chân xuống nước và bị lũ cuốn trôi. Mưa lũ cũng khiến 5 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn, 3513 nhà bị ngập sâu, 6200m tường rào bị đổ, 28 trạm y tế xã, 67 phòng học bị ngập, hơn 1200 em học sinh phải nghỉ học. Hiện nay, đã có 17,5 ha lúa, 4826,6 ha ngô và rau màu, 65 ha cây công nghiệp và cây ăn quả hàng năm bị ngập. Nhiều diện tích có khả năng mất trắng. Bên cạnh đó, nước lũ từ thượng nguồn đổ về quá lớn và nhanh đã khiến 1725,3 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, mất trắng hoàn toàn, hàng chục ngàn con gia súc, gia cầm bị chết.

Nguyên Khoa

Mới nhất

x
Nước dâng cao, người dân tất tả chạy lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO