Nước lũ dâng cao, nhiều vùng bị chia cắt

21/09/2013 21:06

(Baonghean.vn) - Sau những ngày mưa to đến rất to, hiện mực nước trên các sông ở tỉnh Nghệ An đang dâng cao, nhiều vũng trũng, vùng hạ lưu bị chia cắt hoàn toàn, học sinh phải nghỉ học, chờ nước rút mới trở lại trường.

Do ảnh hưởng của bão số 8 nên ở Nghệ An từ ngày 17 đến ngày 21/9/2013 đã có mưa to đến rất to. Tổng hợp lượng mưa đo được ở một số vị trí như sau: Quỳ Hợp 279mm, Nghĩa Khánh 374mm, Con Cuông 388,6mm, Đô Lương 309mm, Yên Thượng 393mm, Nam Đàn 336mm, Vinh 226mm và Quỳnh Lưu 300mm và Cửa Hội 195 mm.



Nước lũ ngập nhà dân ở vùng ngoài đê xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên

Mưa lớn khiến trong nhiều ngày đã khiến cho nước lũ trên các sông trên địa bàn tỉnh đang lên cao. Mực nước ở trạm thủy văn Nam Đàn lúc 13 giờ ngày 21/9/2013 là 6,73m dưới mức báo động II là 0,17m. Nhận định đến sáng ngày 22/9, mực nước trên sông Cả Nam Đàn có khả năng ở mức 7,3m đến 7,5m dưới mức báo động III 0,4m. Nước lũ lên cao đã khiến nhiều địa phương trong tỉnh bị ngập nặng, chia cắt.

Xã Thanh Tùng thuộc vùng Bích Hào cũ của huyện Thanh Chương, dù không gần sông Lam nhưng đây là địa phương bị ngập lụt thường xuyên mỗi lần nước sông dâng cao. Trong những ngày qua, mưa lớn xảy ra liên tục đã khiến các con đường vào trung tâm xã Thanh Tùng bị ngập và chia cắt hoàn toàn. Trên con đường liên xã tại khu vực cầu Cồn Trưa, từ chiều 20/9, nước đã ngập mấp mé, đến ngày 21/9, nước ngập sâu gần 1 mét và chia với thế giới bên ngoài. Tại các xóm 1, 2, 3 thuộc vùng Yên Thành của xã, từ hai ngày nay đã biến thành một ốc đảo, hai con đường vào xóm đã bị nước lũ nhấn chìm cả mét, người dân trong xã phải hạn chế đi lại đến mức tối đa, một số phải dùng thuyền nan để di chuyển, con em học sinh trong xóm phải nghỉ học.

Ông Phan Văn Hậu, ở xóm 3 xã Thanh Tùng cho biết, là vùng miền núi nhưng năm nào cũng vậy, hễ mưa xuống là khu vực quanh nhà ông bị ngập sâu vì nước thượng nguồn đổ về, mọi hoạt động của xóm đều bị tê liệt hoàn toàn, học sinh nghỉ học, người lớn không thể chợ búa, không thể ra đồng sản xuất vì nước lũ phong tỏa hoàn toàn.

Ông Nguyễn Doãn Thao, Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng cho biết, toàn xã có hơn 1000 hộ với 22 đội sản xuất và đều đã bị nước lũ chia cắt thành 8 vùng gồm Trường Long, Tùng Tân, Kim Long, Cải Chẻo, Yên Thành, Phượng Hoàng, Phượng Lộc, Cồn Sông, Tân Phượng. Hiện nay, để vào được vùng này, chỉ có cách duy nhất là đi đò qua các vùng ngập lụt. Từ hai ngày nay, học sinh trong xã được nghỉ học, xã cũng khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, tránh nguy hiểm.

Cũng thuộc vùng Bích Hào, từ hai ngày nay, người dân xã Thanh Mai phải chung với nước lũ, các con đường từ trung tâm xã vào các xóm đã bị nước ngập và chia cắt từ hai ngày nay. Ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết, hiện nay chỉ còn duy nhất một đoạn đường từ UBND xã vào đường mòn Hồ Chí Minh là chưa bị ngập còn lại đều đã bị chia cắt cục bộ. Nước lũ dâng cao kèm theo mưa lớn đã khiến tường rào của trạm y tế xã và một số hộ dân ở các xóm 3, xóm 7A, 7B bị đổ sập. Tại các xã như Thanh Xuân, Thanh Lâm, Thanh Giang của huyện Thanh Chương cũng đang bị nước lũ chia cắt.





Người dân ở nhiều vùng của huyện Thanh Chương, Nam Đàn và Hưng Nguyên đang phải qua lại bằng thuyền vì bị nước lũ cô lập.

Mưa lớn trong những ngày qua khiến nước lũ trên sông Lam dâng lên rất nhanh, nhấn chìm toàn bộ các con đường và cánh đồng của người dân các xã ngoài đê Tả Lam của huyện Hưng Nguyên như Hưng Lợi, Hưng Xá, Hưng Long, Hưng Lĩnh. Từ 2 ngày nay, người dân sống ngoài đê đều phải di chuyển bằng thuyền bè, một số cụ già được sơ tán vào làng để tránh trường hợp trời tiếp tục mưa, nước lũ dâng cao bất ngờ.

Theo thuyền của người dân vào vùng ngập lụt ngoài đê ở xóm 12 xã Hưng Long, chúng tôi nhận thấy toàn bộ các con đường trong xóm đều đã bị ngập, nơi ngập sâu nhất cũng đến vài mét, nhiều hộ dân ở mép sông nước đã ngập vào nhà. Anh Nguyễn Văn Kiều cho biết, vào chiều 20/9, các con đường đều đang đi lại được nhưng chỉ sau một đêm, con đường độc đạo từ đê Tả Lam vào làng đã bị lũ nhấn chìm. “Hiện nay, người dân đang gặp khó khăn trong vấn đề nước sạch, lương thực thực phẩm bởi nước lũ dâng cao. Con em trong xóm vẫn phải vượt nước lũ đến trường bằng cách đi thuyền. Hi vọng hai ngày tới, nước lũ sẽ xuống”, anh Kiều tâm sự. Không riêng gì xóm 12 xã Hưng Long mà các xóm ngoài đê khác của xã Hưng Lĩnh, Hưng Lợi cũng đang bị biến thành ốc đảo vì nước lũ bao vây.



Nước lũ bao vây nhà dân ở xóm 12 xã Hưng Long

Từ hai ngày nay, chính quyền địa phương và người dân xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn sống trong phập phồng lo sợ vì lo sợ đập Đá Hàn xảy ra sự cố. Đây là công trình thủy lợi đang trong giai đoạn thi công nâng cấp. Từ giữa tháng 9, đã xuất hiện một số vị trí thẩm lậu sau thân đập. Tối ngày 19/9/2013, lượng mưa quá lớn, đe dọa an toàn khiến Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Nam Đàn phải vào cuộc, hạ cao trình đập tràn để hạ mực nước trong đập, đảm bảo an toàn cho công trình.

Trước tình hình trên biển đông đang xuất hiện siêu bão USAGI với diễn biến phức tạp, dự kiến hoàn lưu bão sẽ gây mưa to đến rất to, ngày 21/9, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh có công điện yêu cầu Ban chỉ huy PCLB và TKCN các huyện, thành, thị, các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Giám đốc các công ty, xí nghiệp thuỷ lợi; Các công ty thủy điện trên địa bàn tiếp tục theo dõi diễn biến của cơn bão, có các biện pháp chủ động ứng phó với mọi tình huống xảy ra.

Chiều 21/9, đoàn công tác của Sở nông nghiệp và PTNT do đồng chí giám đốc Hồ Ngọc Sỹ dẫn đầu đã đi kiểm tra đập Đá Hàn của xã Nam Thanh và dọc tuyến đê Tả Lam. Theo kết quả kiểm tra, hiện các đoạn đê xung yếu từ thành phố Vinh lên đến huyện Nam Đàn đều đang trong mức an toàn, sự cố đập Đá Hàn đã được khắc phục xong và đảm bảo an toàn trong những đợt mưa tiếp theo. Hiện nay, đơn vị thi công và lực lượng chức năng gồm của huyện, xã vẫn tiếp tục có mặt tại công trình để sẵn sàng ứng cứu và xử lí nếu xảy ra sự cố.

Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay 625 hồ đập lớn nhỏ của tỉnh đang đảm bảo an toàn. Việc tích nước để dự trữ các hồ đập đang đạt từ 60% đến 100%. Các hồ lớn như hồ sông Sào đang xả lũ 2/3 cửa, hồ vực Mấu xả lủ 2/5 cửa. Một số hồ đập xung yếu như hồ Nghi Công, hồ Khe Làng ở huyện Nghi Lộc đã được xử lí hạ tràn để đảm bảo an toàn. Hiện nay, một số tuyến đường tỉnh lộ như 531, 531B, 534 vẫn đang bị ngập một số đoạn, tuyến quốc lộ 46 đoạn Km71+750 bị sạt lở taluy dương hiện đang được khắc phục.



Việc tìm kiếm người và xe bị lũ cuốn ở huyện Nghĩa Đàn vẫn đang được triển khai tích cực.

Mưa lũ trong mấy ngày qua đã khiến 7 người bị chết và mất tích gồm 5 người trong vụ xe du lịch bị cuốn trôi ở Khe Ang, xã Nghĩa Hồng, 1 người ở xã Quang Thành, huyện Yên Thành và 1 người ở xã Nghi Công Bắc, huyện Nghi Lộc. Mưa lũ cũng gây nhiều thiệt hại về cây trồng vụ đông, rau màu và nuôi trồng thủy sản ở các huyện trung du, đồng bằng ven biển. Có khoảng 1073,2 ha lúa, 2882,6 ha Ngô và rau màu, 311 ha mía, 61ha sắn, 410,1 ha cây công nghiệp và cây ăn quả cùng 278,5 ha nuôi trồng thủy sản của các huyện Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Nghi Lộc đang bị ngập, có khả năng mất trắng.

Hiện nay, việc tìm kiếm thi thể 5 người cùng chiếc xe bị lũ cuốn ở tràn Khe Ang, xã Nghĩa Hồng đang được đẩy mạnh một cách ráo riết. Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hồng Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn Vi Văn Định và đại tá Hà Tân Tiến, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm. Sáng 21/9, tốp thợ lặn chuyên nghiệp gồm 7 người của huyện Hưng Nguyên có mặt tại Khe Ang, trực tiếp nhảy xuống khe tìm kiếm người bị lũ cuốn. Đây là những người đã tham gia vào đội tìm kiếm chiếc và trục vớt chiếc xe khách bị lũ cuốn ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh vào năm 2010. Ngay khi có mặt, tốp thợ lặn đã lao xuống khe Ang, cố gắng lần mò trong dòng nước chảy xiết để tìm kiếm chiếc xe. Lực lượng công binh với hệ thống máy dò kim loại hiện đại cũng được triển khai dọc khe Ang ra đến tận Sông Hiếu để kết hợp với thợ lặn tìm kiếm chiếc xe. Buổi sáng, lực lượng tìm kiếm phần ba đờ sốc bị gãy nghi là của chiếc xe bị nạn, đến đầu giờ chiều, tưởng như lực lượng tìm kiếm đã định vị được chiếc xe ở cách khu vực trôi khoảng 300 mét nhưng khi các thợ lặn lao xuống nước để kiểm tra thì không phải. Với sự vào cuộc của hơn 300 người gồm cán bộ chiến sĩ quân đội, công an, thợ lặn, người dân địa phương, vùng tìm kiếm được mở rộng, một số khu vực khả nghi được phong tỏa bằng dây thừng nhưng đến 17h30 ngày 21/9, việc tìm kiếm vẫn chưa có kết quả.


Nguyên Khoa

Mới nhất

x
Nước lũ dâng cao, nhiều vùng bị chia cắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO