Nước mắt hộ nghèo
(Baonghean) - Cuối tháng 8/2014, chị Trần Thị Ngân (thôn 5, Kiều Hạ, Nam Cường, Nam Đàn) dắt theo con trai là Huỳnh Quốc Nam (lớp 6B, THCS Phúc Cường) tìm đến Báo Nghệ An gửi đơn kiến nghị...
Trong đơn chị Ngân viết: "Mấy năm trước, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng và cho vay theo lãi suất hộ nghèo 10 triệu đồng, tôi làm được một gian nhà nhỏ để hai mẹ con sinh sống. Đời sống vật chất phụ thuộc vào một sào đất loại 3. Mùa lạc thu hoạch được 120 kg, trừ phân bón, giống được khoảng 1.500.000 đồng. Mùa rau, đậu được khoảng 300.000 đồng. Ngoài ra, con tôi được hưởng chế độ 202, mỗi tháng được 180.000 đồng (mỗi năm được 2.160.000 đồng). Như vậy, tổng thu nhập cả năm khoảng 3.900.000 đồng. Bình quân đầu người chỉ được 165.000 đồng/tháng. Dù chắt chiu, nhưng thu nhập quá thấp không đủ đáp ứng sinh hoạt tối thiểu hàng ngày, chưa nói đến tiền giấy bút học hành của cháu.
Chuồng gà được làm bằng thùng nhựa của chị Trần Thị Ngân |
Gia cảnh chị Trần Thị Ngân ở thôn 5, Kiều Hạ, Nam Cường. |
Vậy mà xóm trưởng và ban cán sự xóm lại lấy tiền hỗ trợ 10.000.000 đồng làm chòi vượt lũ cộng vào thu nhập, rồi gạt gia đình tôi ra khỏi danh sách hộ nghèo... Nội dung đơn thư của tôi đã được Chủ tịch UBND huyện kết luận, nhưng xã vẫn không chịu giải quyết, và còn che đậy hành vi xấu của cán bộ...".
Nhà chị ở thôn 5, Kiều Hạ, cách cầu Yên Xuân chỉ một quãng đường ngắn. Thấy có khách lạ xưng ở Báo Nghệ An, đang lúi húi bên "chuồng gà" chị quýnh quánh chạy ra chạy vào, phân bua: "Chẳng có nước non gì tiếp khách", rồi mếu máo về cái sự đơn thư. Cuối năm 2013, Ban cán sự xóm tổ chức xét duyệt hộ nghèo. Cuộc họp có khá đông người tham dự. Vừa vào cuộc họp, ông xóm trưởng tuyên bố luôn nhà chị năm nay đã thoát nghèo. Lý do là vì ngoài thu nhập từ 1 sào ruộng hạng 3, chị được Nhà nước hỗ trợ 10.000.000 đồng làm chòi vượt lũ. Nhiều người nhắc: "Mi xin họ đi. Nhà mi mần răng đã thoát nghèo?". Bức xúc, chị nói với mấy người xung quanh: "Cho thì nhận chứ tui nỏ xin. Được hộ nghèo mà tiền hỗ trợ của doanh nghiệp có được nhận mô mà xin cho mang tiếng...". Sau đó thì bỏ về giữa chừng. Sau này, thấy hộ nghèo trong xóm toàn người có hoàn cảnh khá hơn, mấy bác hưu trí lại khuyên nên đề nghị trên xem xét để lấy chế độ cho con. Mấy bác nói: "Nhẫn nhịn mà lo cho con. Hoàn cảnh khó khăn thế, lấy gì cho cháu ăn học?". Nghĩ đi nghĩ lại, thấy thu nhập từ ruộng, cùng với mua đi, bán lại mớ rau dọc cầu Yên Xuân chẳng thấm vào đâu, thế nên chị đành làm đơn lên các cấp.
Nhà của chị nằm trên một khu đất nhỏ chừng 45m2. Gọi là nhà, nhưng chẳng ra nhà: Tường xây, mái lợp fibro xi măng thấp lè tè, tối om, diện tích chừng 12m2, ngăn đôi để thành một gian buồng, một gian khách. Chiếc chòi chống lũ mới xây nối với nhà rộng khoảng 8 - 9m2, dưới dùng làm bếp, gác đề phòng lũ. Phần được xem là gian khách, ngoài bàn, hai chiếc ghế nhựa, chiếc bàn thờ nhỏ thì chẳng còn gì hơn. Trong buồng kê một chiếc giường đôi cũ kỹ, chỏng chơ một chiếc ti vi nội địa hỏng ở xó nhà. Tài sản của hai mẹ con chị, có lẽ chỉ có chiếc xe đạp mi ni cũ là có giá trị. Và thêm vài chục cây cà khẳng khiu được trồng trên khoảng sân chật chội; chiếc "chuồng gà", là hai thùng nhựa đựng bia chai úp lại, chằng níu bằng dây thép, trong đó, có 5 - 6 chú gà con.
Chờ cho tôi "xác minh" hết tài sản của gia đình, chị nói: "Xã kiểm tra lại, nhưng vẫn khẳng định tui đã thoát nghèo. Làm đơn lên huyện, trên đó cử người về xác minh lại, thì kết luận xã làm sai, việc đưa tiền hỗ trợ làm nhà chống lũ vào thu nhập là không đúng. Huyện đã tổ chức đối thoại, khẳng định lại điều này. Vậy nhưng xã vẫn không nghe, họ nói có gì năm sau sẽ xét lại. Huyện đã có quyết định, nhưng xã vẫn quyết không chịu sửa...".
Chị đưa tôi xem Quyết định số 5347/QĐ-UBND ngày 26/8/2014 của Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn. Tại quyết định này, ngoài nội dung khiếu nại của chị, còn nêu rất tỉ mỉ trình tự giải quyết khiếu nại của UBND xã Nam Cường; kết quả xác minh của đoàn Thanh tra huyện; ý kiến của Sở LĐ-TB&XH và các quy định của Nhà nước về chuẩn hộ nghèo, quy trình rà soát hộ nghèo... Ở phần xác minh của Thanh tra huyện, sau khi rà soát, tổng thu nhập của gia đình chị (trừ chi phí) còn 6.100.000 đồng. Đem chia 12 tháng, 2 khẩu thì bình quân được 254.000 đồng người/tháng. Phần tiền hỗ trợ của Nhà nước 10.000.000 đồng làm chòi chống lũ, Đoàn thanh tra đã làm việc với Sở LĐ-TB&XH và khẳng định phải thực hiện theo Thông tư số 21/2012/TT-BLĐTBXH ngày 5/9/2012, khi điều tra, rà soát không đưa vào thu nhập. Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn đã quyết định hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch xã Nam Cường, đồng thời, giao cho UBND xã Nam Cường khôi phục lại hộ nghèo cho gia đình chị.
Nước mắt dàn giụa trên khuôn mặt sạm đen, già trước tuổi, chị nói: "Đận vừa rồi tui định không cho cháu đi học nữa, nhưng được các cô ở báo thương cho cháu tiền với mấy cái bút bảo về mua sách vở cho cháu tiếp tục đi học. Nhưng thời gian tới lấy mô ra tiền nộp học, nợ tiền học của con từ đầu năm ni rồi. Răng huyện quyết định rõ rứa mà xã không theo. Báo giúp tui với...".
Đến xã Nam Cường để hỏi về cái sự "Huyện quyết định rứa mà xã không làm", như chị nói. Ngày 12/9, mất điện, ông Chủ tịch xã không có mặt ở phòng. Đề nghị làm việc với ông Nguyễn An Toàn - Phó Bí thư Đảng ủy xã thì quả có việc này thật. Theo ông Nguyễn An Toàn, những hộ nghèo ở xóm 5, Kiều Hạ. “Về hình thức thì khá hơn, nhưng đảm bảo đúng tiêu chuẩn hộ nghèo". Và ông nói rằng, dù huyện có quyết định như vậy, nhưng cán bộ xóm, xã vẫn khẳng định gia đình chị, hộ hai khẩu, chị còn sức khỏe nên dù có không tính khoản tiền hỗ trợ làm chòi chống lũ, thì thu nhập vẫn vượt quá quy định hộ nghèo. Ông nói rằng: "Ban xét duyệt xóm, Hội đồng xét duyệt hộ nghèo xã đã xác minh như vậy.
Hơn nữa, nhân dân xóm 5, Kiều Hạ cũng không bầu...". Kiểm tra phiếu khảo sát thu nhập hộ gia đình do Xóm trưởng xóm 5, Kiều Hạ điều tra ngày 25/10/2013. Tại đây, tổng thu của chị là 2.500.000 đồng; tổng chi 764.000 đồng; cộng với khoản tiền 10.000.000 đồng hỗ trợ làm chòi chống lũ là 12.500.000 đồng. Trừ đi tổng chi 764.000 đồng, chia 12 tháng, 2 khẩu, bình quân được 489.000 đồng/người/tháng. Còn tại biên bản xác minh của xã, do hai Phó ban Xóa đói giảm nghèo xã và Xóm trưởng xóm 5, Kiều Hạ thực hiện ngày 13/3/2014, thu nhập từ ruộng của chị được ước là 3.000.000 đồng; lãi tạm tính từ buôn bán vặt được 2.400.000 đồng; tiền hỗ trợ làm chòi 10.000.000 đồng; tiền doanh nghiệp hỗ trợ 1.300.000 đồng.
Tổng thu nhập là 16.700.000 đồng. Chia bình quân, mỗi người trong nhà chị là 695.000 đồng/tháng. Tôi đã hỏi ông Phó Bí thư Đảng ủy xã: Nếu bỏ đi tiền Nhà nước hỗ trợ làm chòi vượt lũ, như tại bản xác minh xã thực hiện, chỉ với thu nhập 6.700.000 đồng cho 2 khẩu, xã và xóm lấy cơ sở nào để khẳng định chị ấy có thu nhập vượt mức quy định hộ nghèo?. Ông này xem biên bản xác minh, kiểm tra chữ ký của những người thực hiện, rồi phân bua: Là xóm và Hội đồng xét duyệt hộ nghèo xã có ý kiến vậy chứ Thường vụ Đảng ủy chưa có ý kiến...
Rời vùng đất lũ Nam Cường vào thời điểm giữa trưa. Ngày động bão. Nắng chói chang, oi bức. Lại nhớ ngôi nhà chẳng đáng gọi là nhà; nhớ khoảnh sân nhỏ trồng cà; nhớ chiếc chuồng gà làm bằng hai thùng đựng bia bằng nhựa; thằng bé với hình dáng gầy gò và chân tay bị dị tật – là kết quả khát vọng làm mẹ của người phụ nữ, và chị - mái đầu điểm bạc, áo quần lam lũ lui cui vét cơm nguội cho gà mà thấy buồn cho cách xử sự của một số cán bộ nơi đây...
Bài, ảnh: Nhật Lân