Nước Nga, đằm sâu ký ức trong tôi…

(Baonghean) - “Nước Nga luôn trong trái tim tôi”, câu nói này chúng tôi được nghe rất nhiều, đến thuộc nằm lòng khi có dịp tiếp xúc với những người đã từng sinh sống, học tập và làm việc tại các nước thuộc Liên bang Xô Viết (trước đây) và nước Nga ngày nay… Được sống và làm việc ở xứ sở Bạch Dương là những trải nghiệm vô cùng quý giá. Đó chính là hành trang để những người trở về từ nước Nga tiếp tục gây dựng tương lai, góp sức mình xây dựng quê hương giàu đẹp…
1. Đối với ai đã từng là lưu học sinh một thời ở Liên Xô cũ thì ngày 7/11 hàng năm, ngày Cách mạng tháng Mười Nga luôn là một kỷ niệm không thể nào quên trong ký ức của mình...
Đoàn cựu lưu học sinh Việt Nam sang thăm nước Nga.
Đoàn cựu lưu học sinh Việt Nam sang thăm nước Nga.
Nhớ lại hồi còn sinh viên, cứ đến ngày 7/11 là lưu học sinh chúng tôi không ai bảo ai rất tự giác phấn khởi xuống đường tham gia hoạt động cùng các tầng lớp nhân dân trong thành phố nơi mình học tập: diễu hành biểu dương lực lượng tuyên truyền kỷ niệm Ngày quốc khánh Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết. Để tham gia diễu hành theo đúng giờ quy định của thành phố chúng tôi thường dậy rất sớm, ăn mặc chỉnh tề, lịch sự và nhất thiết là phải đủ ấm. Thành phố Leningrat rất rộng từng là thủ đô của nước Nga Sa hoàng có nhiều di tích lịch sử đẹp nổi tiếng thế giới như Cung điện mùa Đông, Cung điện thánh Isac, Cung điện mùa Hè.... Đoàn người diễu hành có nhiều tầng lớp, tổ chức đoàn thể khác nhau, nhưng đoàn của sinh viên lưu học sinh ngoại quốc thì rất đa dạng, nhiều màu sắc theo trang phục của từng nước, từng dân tộc; trong đó Việt Nam chiếm số đông.
Vào những năm đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước, thời kỳ mà chúng tôi còn là lưu học sinh, sinh viên Việt Nam học ở Liên Xô lên đến hàng ngàn người mỗi năm. Lưu học sinh Việt Nam thời đó được các trường đại học Liên Xô cho hưởng chế độ học bổng đáp ứng nhu cầu cuộc sống và  toàn tâm cho việc học tập, tiếp thu kiến thức. Đáp lại, sinh viên Việt Nam cũng đã để lại những ấn tượng tốt đẹp về kết quả học tập hàng năm và rèn luyện tu dưỡng về phẩm chất đạo, đức lối sống trong lòng các thầy cô giáo Liên Xô. 
Thời kỳ đầu mới sang, mọi cái đều bỡ ngỡ, khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về văn hoá, nhưng nhờ được các giáo viên chủ nhiệm lớp giúp đỡ hết sức nhiệt tình và vô tư không chỉ trong truyền thụ kiến thức mà cả trong cuộc sống hàng ngày, nên chúng tôi đã nhanh chóng vượt qua được, để trưởng thành và quay về Việt Nam, góp sức mình dựng xây đất nước. 
Tính cách người dân Nga, phong cảnh thiên nhiên và âm điệu trong các bài hát Nga là những điều khiến mỗi người khi đã sống ở Nga đều cảm nhận rõ và nó thấm vào tâm hồn mỗi lưu học sinh Việt Nam. Dẫu xa nước Nga đã lâu, nhưng tình cảm, sự tri ân của chúng tôi đối với đất nước của cuộc Cách mạng Tháng Mười thì vẫn như xưa và không bao giờ thay đổi.                                                                                
Tô Hồng Hải
(Cựu lưu học sinh tại Liên Xô cũ)
2. Dẫu đã xa nước Nga hơn 20 năm, nhưng ngày 7/11, ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn luôn là một ngày đặc biệt với vợ chồng anh chị Lưu Đức Hạnh, Nguyễn Hồng Lê (phường Đội Cung, Thành phố Vinh). Đây cũng là ngày mà anh chị cùng những người bạn khác như chị Hoa, chị Tâm, chị Liên… có dịp ngồi lại gần nhau, tạm quên đi những vất vả lo toan thường nhật để được đắm mình trong ký ức về những ngày sống trên đất nước Nga tươi đẹp. Đó còn là ngày mà món salat Nga sẽ thay thế cho món nộm truyền thống, món củ cải cũng sẽ được nấu thành súp theo một công thức đặc biệt của xứ sở Bạch Dương và tất nhiên không thể thiếu thịt nướng Shashlyk và một chai sâm banh Nga… Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng lại gợi nhớ đến tất cả mọi người về tuổi hai mươi, về những năm tháng được sống, được lao động cùng những người bạn trên nước Nga Xô viết.
Anh Nguyễn Đức Hạnh và chị Nguyễn Hồng Lê quen nhau từ ngày đó, dẫu cho khi ấy anh đang làm việc tại Thành phố Antal (thuộc vùng Sibiri) cách rất xa Matxcơva, còn chị thì ở Urxco, cách thủ đô chừng 500 cây số. Anh Hạnh còn nhớ rất rõ: Thời điểm năm 1983 anh là tốp thứ 2 ở Vinh may mắn được chọn đi xuất khẩu lao động tại Nga theo diện ưu tiên. Sang đến nơi, may mắn được chọn vào làm việc tại một trong những nhà máy sản xuất máy kéo lớn nhất nước, nên tất cả mọi người trong đoàn đều cảm thấy rất vui và hãnh diện. Đặc biệt, ở đây anh được những người bạn Nga ưu tiên và dành sự quan tâm đặc biệt bởi mọi người đều biết “đây là những người đến từ quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Anh Hạnh cảm nhận rõ hơn tình cảm đó trong một lần anh bị tai nạn và gãy mất một đốt ngón tay, anh nhận được sự quan tâm chân thành từ những người bạn Nga, họ sẵn sàng làm thêm giờ để thay ca cho anh… Còn với chị Lê, nước Nga gần gũi hơn bởi có những người bạn như Ira, Ania sống ở tầng 2 làm cùng tổ sợi và ở cùng khu chung cư với chị… Xa nhau đã lâu nhưng chị vẫn nhớ rõ tên từng người và vẫn hy vọng một ngày nào đó được quay trở lại để tìm gặp những người bạn cũ.
Vợ chồng anh chị Hạnh - Lê tại cửa hàng.
Vợ chồng anh chị Hạnh - Lê tại cửa hàng.
Những ngày được cùng sống, cùng trải nghiệm ở nước Nga sau này đã trở thành cái duyên để hai người tiếp tục xích lại gần nhau khi cùng trở về Việt Nam và chọn Vinh làm quê hương thứ 2 để lập nghiệp. Những ngày đầu khởi nghiệp, anh chị gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ được tôi luyện theo tinh thần của những “công nhân Xô Viết”, nhờ học được cách kiên trì, bền bỉ của người Nga, cuối cùng anh chị cũng đã tìm được hướng đi cho mình. Khởi nghiệp bằng một cửa hàng hoa nhỏ trên phố Phan Chu Trinh, những ngày đầu, anh từ một người chỉ quen với tay búa, tay kìm đã dần dần học được cách chọn hoa, cắm hoa. Qua nhiều năm bền bỉ, nhờ làm ăn uy tín, lại biết chăm chút cho khách hàng, lượng khách đến với gia đình anh chị ngày một nhiều và mở rộng ra cả nước sau khi chị tiên phong đưa dịch vụ điện hoa vào phát triển. Hiện anh chị có 3 lao động làm việc  thường xuyên ở cửa hàng với mức thu nhập từ 2,5 – 3 triệu đồng/tháng. Doanh số của cửa hàng cũng không ngừng tăng sau khi anh phát triển thêm nghề thêu cờ, trướng và xây dựng mạng lưới cung cấp hoa ở hầu hết các địa phương trong toàn tỉnh. Hạnh phúc hơn, các con của anh chị, trong đó có cô con gái đầu mang tên một người bạn thời còn ở Nga - Lưu Lê Na, nay đã vào đại học Nông nghiệp 1, các con sau đều chăm chỉ học hành. 
3. Đối với anh Nguyễn Văn Hạnh và chị Nguyễn Thị Kim Chung (khối Yên Vinh, phường Hưng Phúc), thì nhớ về nước Nga là một sự tri ân lớn. Đây là nơi anh chị đã gặp nhau khi cùng làm việc tại nhà máy sản xuất bi sắt ở Thành phố Vologada. Đám cưới của anh chị diễn ra tại Nga dưới sự chứng kiến của bạn bè hai nước; con gái đầu lòng sinh ra trên đất nước Nga. Đến  năm 1997, cơ duyên lại một lần nữa đưa anh chị trở lại với nước Nga và gắn bó với chợ Vòm, với bà con đồng hương đến năm 2009. Trở về Việt Nam, anh chị đã quyết tâm dành toàn bộ vốn liếng để đầu tư kinh doanh ở lĩnh vực khách sạn. Với tấm lòng luôn hướng đến nước Nga, nên anh chị đã quyết định đặt tên là khách sạn Việt Nga, nằm gần đại lộ Lê Nin (TP. Vinh). Khách sạn của anh chị là nơi gặp gỡ của những thành viên trong Hội hữu nghị Việt – Nga những dịp lễ, tết.
Tình yêu nước Nga của hai anh chị còn truyền đến cả những đứa con trong gia đình, bởi dù chưa được đến nước Nga, nhưng các con anh chị luôn xem nước Nga là một cái đích để hướng tới. Riêng cậu con trai thứ 2 Nguyễn Trung Kiên qua những câu chuyện kể, qua những kỷ niệm của bố mẹ đã nuôi dưỡng trong em tình yêu nước Nga, tiếng Nga một cách đặc biệt. Ngay từ khi thi vào cấp III, Kiên đã quyết tâm thi vào lớp chuyên Nga, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Năm học 2013 – 2014, Kiên giành giải nhất Tiếng Nga tại cuộc thi Học sinh giỏi tiếng Nga toàn quốc và giành được một suất học bổng du học tại Nga. Tâm sự thêm về ngày con nhận được kết quả này, chị Kim Chung cho biết: “Vợ chồng ở nước Nga hơn 20 năm, nhưng chỉ là những lao động bình thường. Vậy nên trong suy nghĩ cả hai luôn ấp ủ ước mơ sau này con mình sẽ được sang Nga để học đại học như nhiều trí thức khác… Nay con đã làm được điều đó, chúng tôi lại thấy nước Nga gần với mình hơn, như chính quê hương của mình vậy”…
Mỹ Hà

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.

Thăm hỏi, động viên người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi, động viên công nhân lao động trên công trường Dự án đường dây 500Kv mạch 3

(Baonghean.vn) - Đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3, nỗ lực để công trình được đóng điện trước ngày 30/6/2024.

Cửa Lò

Trong 3 ngày tổ chức lễ hội, Cửa Lò đón trên 65.000 lượt khách, doanh thu trên 70 tỷ đồng

(Baonghean.vn) - Sau ngày khai hội, khách du lịch gần, xa liên tục đổ về biển Cửa Lò để tham quan, nghỉ dưỡng, hứa hẹn năm 2024, Cửa Lò đạt mục tiêu đón 4,15 triệu lượt khách; khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. 

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

(Baonghean.vn) - Từ năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ–HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, đến nay, một số CLB trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này.