Nước sạch cho nông thôn – Hiệu quả và vấn đề nảy sinh
(Baonghean) – Quá trình thực hiện Chiến lược Quốc gia cấp nước và vệ sinh nông thôn ở tỉnh Nghệ An đã chứng minh tính hiệu quả, bền vững của chương trình, đồng thời làm thay đổi nhận thức của người dân, từng bước đổi mới hình ảnh nông thôn hiện nay.
Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, thì vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường (NS-VSMT) ở khu vực nông thôn, cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo các cấp, các ngành. Điều đó được xem là một trong những tiền đề cơ bản nhằm thực hiện chủ trương CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại.
Theo ông Phan Bùi Mỹ - Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt- vệ sinh môi trường nông thôn (NSH-VSMTNT) Nghệ An: Tính đến nay toàn tỉnh đã có hơn 80% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh theo tiêu chí của UBND quy định, trong đó có hơn 23,1% được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế ban hành. Trên 60% gia đình có nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Xây dựng làng xóm xanh sạch đẹp đang trở thành phong trào thi đua của toàn dân. Tỉnh Nghệ An đã đầu tư xây dựng được nhiều công trình cấp nước tập trung quy mô vừa và nhỏ. Các công trình đó đã chứng minh tính hiệu quả, bền vững trong lĩnh vực cấp nước sinh hoạt nông thôn, đồng thời làm thay đổi tư duy và nhận thức của người dân về vấn đề nước sạch, cũng như từng bước đổi mới hình ảnh nông thôn hiện nay.
Công trình cấp nước sạch xã Nghĩa Đồng (huyện Tân Kỳ) - một trong những công trình phát huy hiệu quả.
Bên cạnh việc đầu tư cho cơ sở vật chất hạ tầng, công tác thông tin giáo dục truyền thông về nước sạch-vệ sinh môi trường cũng được đẩy mạnh. Đội ngũ tuyên truyền viên được củng cố từ huyện xuống tận cơ sở và hoạt động hiệu quả, góp phần đáng kể trong nâng cao nhận thức của nhân dân. Việc tuyên truyền về NS-VSMT được tập trung vào vận động cộng đồng, giới thiệu công nghệ kỹ thuật, vật liệu bền vững cũng như đào tạo kỹ năng quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình. Qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của các công trình cấp nước mà cùng nhau chung tay bảo vệ.
Qua điều tra, nhiều công trình đã và đang phát huy hiệu quả như: Công trình cấp nước tập trung các xã Diễn Nguyên, Diễn Thái, Diễn Đồng (Diễn Châu); Hợp Thành, Thọ Thành (Yên Thành); Nghĩa Đồng (Tân Kỳ); Quỳnh Xuân, Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu)...
Với sự đầu tư mạnh mẽ của nhà nước, bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã thay đổi rõ rệt. Với nguồn nước sạch từ các công trình cấp nước mang lại đã không chỉ giúp bà con các xã vùng sâu, vùng xa thoát cảnh phải đi lấy nước xa hàng chục cây số, phải trông chờ từng giọt mưa giữa mùa nắng hạn, mà còn giúp người dân đảm bảo được sức khoẻ khi được sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh.
Trong năm 2011 Trung tâm NSH-VSMT Nông thôn tỉnh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cấp nước sạch đáp ứng các tiêu chuẩn 02/BYT là tăng tỷ lệ từ 23,1% lên 25,5%. Đồng thời đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý chất thải, rác thải, nước thải, cải tạo cảnh quan môi trường, phòng chống dịch bệnh, nhất là đối với vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ, lụt, hạn hán. Kiểm tra, đánh giá các hoạt động dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt tại tất cả các địa phương, đánh giá tình trạng kỹ thuật, chất lượng nước, hiệu quả sử dụng công trình.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường còn nhiều phức tạp khiến cho tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chí của Bộ Y tế còn thấp, phong tục tập quán trong sinh hoạt ở một số địa phương vẫn còn lạc hậu, điều này đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường sống. Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, chăn thả gia súc, gia cầm tự do, khai thác rừng bừa bãi, hố xí chưa hợp vệ sinh, rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải y tế chưa được xử lý đúng quy trình đã làm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, nhất là vùng dân cư tập trung, làm gia tăng dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của người dân.
Đặng Nguyễn