Nuôi gà an toàn sinh học
(Baonghean) - Lâu nay, người dân Thanh Chương đã biết khai thác lợi thế về tự nhiên để nuôi gà, đem lại giá trị kinh tế cao. Nhằm nâng cao chất lượng, huyện đã triển khai thực hiện mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, tạo ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giúp giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...
Thanh Dương là một trong các xã được huyện chọn thí điểm triển khai mô hình nuôi gà an toàn sinh học. Thực tế cho thấy, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế đem lại là rất cao. Anh Nguyễn Sĩ Huyên, ở xóm 1, cho biết, tham gia mô hình, gia đình anh được huyện hỗ trợ con giống với số lượng gần 500 con gà mía lai và 30% chi phí thức ăn, thuốc thú y. Sau thời gian nuôi 4 tháng, đàn gà cho xuất bán, riêng gia đình anh bán được gần 1 tấn gà, trừ chi phí còn lãi ròng từ 25 - 30 triệu đồng.
Theo chia sẻ của anh Huyên, nuôi gà theo hướng an toàn sinh học thì điều cốt yếu là phải áp dụng khoa học kỹ thuật. Từ những kinh nghiệm, kiến thức mà anh học hỏi được khi tham gia lớp tập huấn do huyện tổ chức, anh đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, đảm bảo thoáng mát mùa Hè, kín ấm về mùa Đông. Nền chuồng phải cao ráo, thoát nước và máng ăn, máng uống đều được khử trùng sạch sẽ trước khi sử dụng. Xung quanh diện tích vườn, anh mua lưới thép B40 quây kín tạo không gian đủ rộng để gà kiếm ăn ban ngày. Thức ăn cung cấp cho gà là cám, lúa, ngô... Trong ngày, nên cho gà ăn nhiều lần, mỗi lần rải một ít để đảm bảo thức ăn luôn tươi ngon. Hiện gia đình anh Huyên còn giữ lại gần 20 con gà để nhân giống.
Nuôi gà an toàn sinh học tại gia đình ông Trần Đình Thuần (xã Đồng Văn - Thanh Chương). |
Đối với hộ gia đình ông Trần Đình Thuần, ở xóm Tiên Kiều, xã Đồng Văn, tuy là lần đầu tiên đưa vào nuôi gà an toàn sinh học, nhưng khi được hỏi về hiệu quả kinh tế đem lại, ông phấn khởi: “Gia đình tôi được hỗ trợ 600 con gà giống mía lai, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật áp dụng vào chăn nuôi nên đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, trọng lượng đạt từ 1,5 - 2 kg/con. Vừa qua, bán với giá 90 - 100.000 đồng/kg cũng thu về lãi ròng gần 30 triệu đồng. Nuôi gà theo hình thức này vừa đơn giản lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thời gian tới gia đình tôi sẽ tiếp tục nuôi với số lượng lớn hơn...”.
Ông Nguyễn Bá Quý, Phó Chủ tịch Hội làm vườn huyện Thanh Chương cho biết, mô hình nuôi gà an toàn sinh học được triển khai thí điểm ở 5 xã: Thanh Tiên, Thanh Lĩnh, Đồng Văn, Thanh Giang, Thanh Dương. Theo đó, mỗi xã sẽ có 5 hộ được chọn tham gia mô hình, được hỗ trợ con giống, thức ăn, thuốc thú y. Các hộ này phải đảm bảo yêu cầu về chuồng trại chăn nuôi, có diện tích đất vườn đồi rộng và có kinh nghiệm. Mục đích của việc thực hiện mô hình là nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, từng bước xây dựng thương hiệu gà Thanh Chương. Trước khi thực hiện, huyện đã tổ chức cho cán bộ các xã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi gà ở Bắc Giang. Qua thực tế cho thấy, nhìn chung mô hình đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi địa phương, đồng thời tạo ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo nhân rộng ra khắp các địa phương trong thời gian tới…
Văn Đăng